Mơ Một Dòng Sông

QUÁCH CHƯƠNG

Khi còn bé tôi đã bị hấp dẫn bởi giang hồ sông nước vì muốn đi theo chị tôi. Thuở ấy tôi còn quá bé, tôi không được đi khỏi con hẻm trước nhà, thấy chị tôi đi chơi tôi muốn đi theo, chị tôi nói là đi ra bờ sông xem, tôi không hiểu sông là gì chỉ nghe chị tôi nói nó có màu xanh đẹp lắm, tôi cũng không biết màu xanh là gì nên đòi đi theo để xem, nhưng ba tôi không cho chị tôi dẫn tôi đi vì sợ tôi gặp nguy hiểm. Chính vì thế mà ý muốn khám phá ra sông nước là gì lại ngày càng thôi thúc trong tôi.

Cho đến một hôm, khi tôi đã lớn cứng cáp hơn thì ba tôi đã đồng ý cho chị tôi dẫn tôi ra sông để xem cho biết, nhưng dặn chị tôi phải trông coi tôi cho cẩn thận, con nít xuống sông bị chết chìm là những lo lắng của bậc cha, mẹ nên ba tôi phải dặn đi dặn lại chị tôi là phải luôn luôn trông chừng em rồi mới cho chúng tôi đi.

Vừa mới đi vòng quanh vài con hẻm, đến một xóm khác, đã thấy xuất hiện những con mương nhỏ. Chị tôi kéo tay tôi chỉ cho tôi xem những đàn cá liềm kiềm và lòng tong đang bơi lượn dưới dòng nước trong vắt, lẫn trong những đám rong xanh. Ôi lần đầu tiên được thấy những con cá bơi lội tung tăng tôi bỗng ngạc nhiên và khoái chí làm sao, có đứa trẻ khác nhào xuống mương lội bắt cá tôi cũng muốn làm như nó nhưng chị tôi cản lại không cho. Rồi chị tôi lại dẫn tôi đi tiếp qua con đường đất, hai bên là hai hàng dừa xanh, phía sau là những cái ao cá thật lớn, có đàn vịt trắng đang tung tăng bơi lội kêu oang oát, cạp cạp, thỉnh thoảng có anh vịt chúi đầu xuống nước để bắt cá hay rửa mỏ gì đó. Ôi tâm trí trẻ thơ tôi lúc đó như được mở tầm mắt ra , khám phá hết cái này đến cái khác, tôi càng lúc càng tò mò, háo hức vô cùng.

Chúng tôi tiếp tục đi ra một chút nữa thì tới con đường đất đỏ lớn hơn, đó là đường Thái Lập Thành, hai bên đường nhà nào cũng đào ao thả cá. Thuở ấy, người ta vẫn sống phổ biến trong những căn nhà lợp lá hoặc nhà cất bằng gỗ, lợp mái ngói âm, dương, chưa có nhiều nhà xây bằng gạch, cát, xi măng, cũng chưa xuất hiện nhà xây lầu, nhà có gác gỗ là ngon lành lắm rồi. Tôi còn nhớ lúc ấy trên đường vẫn còn những vũng nước lớn, khi đi qua chúng tôi phải xắn quần lên, nòng nọc bơi tung tăng trong vũng, tôi không biết gì tưởng là cá nên lấy tay bắt, không ngờ tôi lại bắt được nó một cách dể dàng. Nhưng chị tôi bắt tôi phải thả chúng lại, chúng là cá cóc, không phải là cá, tôi thắc mắc hoài, sau này mới biết.

Đi tiếp tới nữa thì đã tới sông, dưới sông các anh chị lớn đang bơi lội, vẫy vùng, trong đám đó có ông anh trai của tôi nữa. Chị tôi kêu anh tôi ơi ới, nói sẽ về mét ba tôi về tội tắm sông, nhưng anh tôi không nghe vì anh tôi biết bơi nên Ba, Má tôi không cấm đoán. Ôi tôi cũng muốn tắm lắm, nhưng chị tôi quyết chí không cho, và giải thích cho tôi về sự nguy hiểm của sông nước, tuy tôi cũng không hiểu gì mấy, nhưng cũng thấy sờ sợ.

Chị tôi kéo tôi đi tiếp về phía cây cầu khỉ, cây cầu bắt qua bên kia bờ sông, là bên địa phận khác dẫn về vùng Tân Định hoặc Bà Chiểu, bên kia đầu cầu là một ngôi chùa. Nhìn xuống những khe tấm ván bắt cầu là dòng nước xanh đang chảy cuồn cuộn khiến tôi vô cùng sợ hãi, nhưng chị tôi cõng tôi đi qua nên cũng không sao, chúng tôi vào trong chùa, ngôi chùa này hoàn toàn là dạng nhà sàn bắt trên sông, không trang nghiêm như những ngôi chùa xây nhưng cũng thờ cúng đầy đủ các tượng Phật. Bao bọc chung quanh chùa là ruộng hoa sen, hoa sen nở màu hồng và trắng thật là đẹp, y hệt cảnh thần tiên. Ngày nay có lẽ tôi sẽ còn không bao giờ có thể tìm thấy được một cảnh chùa mát mẻ và thiên nhiên như vậy.

Dòng sông, bến nước, con đò là những gì gắn liền với đời sống người dân Sài Gòn thuở ấy. Chính vì thế mà thơ, ca, nhạc, họa đều có khắc họa hình ảnh sông, nước là những gì thể hiện của nếp sống ngày xưa mà bây giờ nó càng ngày càng bị nhấn chìm vào quên lãng của người dân thành thị. Khi cuộc sống càng ngày càng hiện đại hơn thì người ta không còn nhớ đến, nghĩ đến một thời lạc hậu nữa.

Nhưng với tôi, đó là sự mất mát to lớn, còn đâu nữa những ngày tháng êm đềm của ngày xưa đó, những ngày xưa yêu dấu, khi tôi thường xuyên lang thang trong những con hẻm đất, vòng ra bờ sông, leo lên cây cầu khỉ gập ghềnh để ngắm những buổi bình minh, nhìn mặt trời dần lên từ phía chân trời xa tắp sau cánh đồng rau muống bát ngát và những rặng dừa nước, hít thở sảng khoái cái không khí mát mẻ của buổi ban mai, lòng tràn ngập những nỗi hân hoan vô bờ bến.

Có khi nhìn dòng nước trong xanh chảy cuồn cuộn dưới chân cầu, vòng quanh những rặng dừa nước rồi lẫn dưới bãi thảm rau muống xanh bát ngát và những đám lục bình có hoa màu tim tím. Mặt trời lặn dần sau những đám mây hồng, cam rực rỡ vào lúc trở chiều, thôi thúc trong tôi những niềm cảm hứng khôn nguôi. Tôi vội vàng chạy về nhà lấy cọ, viết, màu nước vẽ lên giấy hình ảnh mặt trời màu cam, ẩn hiện trong những đám mây xám bàng bạc trên cánh đồng nhuộm vàng rực rở của ánh sáng ban chiều, khiến lòng tôi bỗng cảm thấy lâng lâng bay bổng.

Chính những không gian hồn hậu ấy mới khiến cho lòng người cảm nhận được nghệ thuật. Tôi còn nhớ mãi niềm cảm xúc liên tưởng tới những cảnh trời chiều như trong bài thơ của bà Huyện Thanh Quang mà tôi được học vào năm lớp đệ lục ( Lớp 7):

TRỜI CHIỀU BẢNG LẢNG BÓNG HOÀNG HÔN,

TIẾNG ỐC XA ĐƯA LẪN TRỐNG ĐỒN.

GÁC MÁI, NGƯ ÔNG VỀ VIỄN PHỐ,

GÕ SỪNG, MỤC TỬ LẠI CÔ THÔN.

NGÀN MAI LÁC ĐÁC CHIM VỀ TỔ,

DẶM LIỄU SƯƠNG SA KHÁCH BƯỚC DỒN.

KẺ CHỐN CHƯƠNG ĐÀI, NGƯỜI LỮ THỨ,

LẤY AI MÀ KỂ NỖI HÀN ÔN ? 

 

( Đọc tiếp>>> )

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.