QUÁCH CHƯƠNG
Trẻ con với tâm trí thơ ngây thường tin vào những điều nói ra từ người khác, chính vì vậy mà lúc còn nhỏ tôi đã có ước muốn là bay được như Người Dơi Batman đã bay trong những bộ phim truyền hình ở thập niên 60. Câu chuyện Batman thường được in cả trong truyện tranh tiếng Anh lẫn tiếng Việt, trẻ con chúng tôi quá ư say mê nhân vật này, mà thật sự câu chuyện Batman cho tới hiện nay vẫn thường xuyên được cập nhật bằng những bộ phim mới. Chính vì thế mà tôi đã cố bay như Batman khi bị con ma rượt theo trong giấc mơ.
Những năm 60 khi truyền hình vừa mới xuất hiện ở Việt Nam, không phải nhà nào cũng có truyền hình như hiện nay. Tuy là chỉ có Ti Vi trắng đen thôi cũng đủ làm cho trẻ con chúng tôi mê mẩn, đêm nào cũng xin phép ba, má đi xem Ti Vi. Khi đó chúng tôi phải đi khá xa mới tới nhà có truyền hình để coi, mà phải lấp ló ngoài cửa của họ để xem ké. Đến khi vài nhà kha khá ở trong xóm cũng có truyền hình thì lũ nhỏ chúng tôi đêm nào cũng mò tới xem ké, thậm chí còn nằm lăn lóc ở nhà người ta mà lại còn ngủ quên nữa chứ.
Tôi thần tượng Batman hơn là siêu nhân Superman vì chiếc mặt nạ người dơi và áo choàng dơi của nhân vật này. Tôi say mê tập vẽ thật giống Batman trong những tập truyện tranh và thói quen này đã theo tôi suốt cả khoảng đời niên thiếu.
Có hôm tôi cố làm cho mình đôi cánh để tập bay như chim. Tôi lấy trộm vải thừa của ba tôi khi may quần, áo còn dư, vẽ hình cánh chim dài hơn sải tay của mình, gắn cho nó mỗi bên một thanh tre, xong rồi cắt ra, dùng dây vải cột vào hai cánh tay thành bộ cánh giống như cánh chim. Xong rồi tôi chạy ra ngoài sân cố đập cánh thật mạnh để mong được bay lên, vỗ quá chừng mà nó chỉ giống như con gà vỗ cánh mà không bay được. Tôi lại thử bằng cách khác là leo lên bàn cao, vừa nhảy xuống lại vừa vỗ cánh cho thật mạnh, chỉ rơi bịch xuống đất rồi thôi. Ông anh tôi còn bảo: ” Tại mày vỗ cánh còn ít quá, phải vỗ thật nhanh như con chim vỗ cánh thì mới bay được”, tôi ngây thơ nghe theo vỗ thật nhanh hơn, vừa vỗ vừa nhảy tưng tưng khiến cho ông anh tôi ôm bụng cười bò lăn ra, còn tôi tức quá không làm gì được, cuối cùng phải bỏ cuộc.
Cũng trong những năm đó, đã có nhiều người chơi máy bay điều khiển từ xa. Thỉnh thoảng có chiếc may bay bị lạc cánh, bay vào ngõ hẻm. Thế là chúng tôi cố chạy theo xem có lượm được nó hay không. Có khi máy bay bị vướng trên cành cây cao, trẻ con chúng tôi thì chịu chết, những anh lớn hơn thì cố leo lên để lấy xuống. Tuy nhiên, phần lớn sau đó chủ nhân của những chiếc máy bay này cũng tìm đến để xin lại hoặc chuộc lại. Trong tâm tư nhỏ bé của tôi cũng ước mơ mình có được một chiếc máy bay như vậy, cho nên tôi không biết làm gì hơn là chơi xếp máy bay giấy để phóng, hoặc dùng tre vót nhỏ và dây kẽm để cột lại thành hình dáng giống như một chiếc máy bay và chơi phóng nó lên theo trí tưởng tượng của mình.
Một hôm, tôi bỗng thấy một chiếc máy bay điều khiển từ xa cở hơi lơn lớn rớt xuống sân trước nhà của mình. Mừng quá, tôi vội chạy ra để bắt lấy, lần này thì chắc chắn là của tôi rồi. Tôi vừa tính thộp chiếc máy bay thì bên trong máy bay có một phi công nhỏ xíu chui ra, hình dáng cỡ chừng một búp bê cỡ lớn, vì vậy tôi không hề biết sợ mà ra sức bắt buộc anh ta phải nhường máy bay lại cho mình. Lúc đó, anh chàng phi công có vẻ sợ hãi và năn nỉ tôi bằng thứ tiếng gì đó mà bây giờ tôi không thể nào nhớ được là anh ta nói gì. Hình như anh ta nói tiếng Mỹ, rồi đưa cho tôi một đống gói kẹo dạng Sô-Cô-La có nhiều màu sắc. Tôi tham quá, vừa muốn có kẹo lại vừa không muốn từ bỏ chiếc máy bay. Anh chàng phi công nói lầm bầm gì đó mà tôi hiểu nôm na là anh ta không chịu nhường chiếc máy bay, rồi lại chui vào trong tính điều khiển máy bay để bỏ đi. Tôi vừa tính chụp lại thì bỗng nhiên giựt mình tỉnh giấc. Suốt mấy ngày liền tôi cảm thấy tiếc ngẩn, tiếc ngơ vì mình xém nữa có một chiếc máy bay như trong lòng ham muốn của tôi bấy lâu nay. Thật là tiếc quá!
Chính vì sự ham muốn được bay lên mà dần dần tôi đã bay được trong những giấc mơ. Mới đầu tôi còn lúng túng khi điều khiển cơ thể mình, sau này tôi đã có thể bay thẳng về phía trước chẳng khác gì Batman, Superman. Cảm giác khi bay thật là khác thường. Tôi có thể bay lượn lên, lượn xuống qua những ngọn cây cao, những cánh đồng xa tắp, hoặc vọt lên những căn nhà cao tầng cao chót vót, chuyền từ nóc nhà này, hạ xuống nóc nhà kia một cách tài tình và dể dàng. Có khi tôi có thể bay lên và giữ yên vị trí trên cao, nhìn xuống người ta đang di chuyển ở dưới mặt đất. Đôi khi còn cố chứng tỏ cho mọi người thấy khả năng phi thường của mình.
Có lẽ cảm giác khi bay trong mơ có liên quan đến cảm giác say mê tốc độ của các tay đua xe. Tôi còn nhớ khi tôi mới bắt đầu biết sử dụng xe đạp thì tôi đã lập tức ghiền cảm giác được lao nhanh tới trước, hể bất cứ lúc nào bắt được chiếc xe đạp đang để không là tôi tận dụng cơ hội ngay lập tức. Tôi lao xe đạp vòng vòng hết xóm này đến xóm khác, thậm chí đôi khi xe đạp không có thắng hoặc thắng không ăn tôi cũng lấy đi, khi nào cần thắng lại thì nhảy xuống yên dùng chân thắng lại trên mặt đường, hoặc bằng cách đưa chiếc dép đang mang trong chân cọ vào bánh trước để giảm tốc độ. Quả thật, cảm giác khi bay trong giấc mơ là cảm giác lao nhanh về phía trước một cách mạo hiểm, nó vừa có cảm giác hồi hộp lại vừa thỏa mãn vì mình có thể làm được những động tác đầy tính nguy hiểm và phi thường như thế.
Những giấc mơ thường hay đưa tôi về nơi xưa, chốn cũ, nơi mà tôi đã gắn bó cả một khoảng đời niên thiếu, nơi có mái nhà xưa yêu dấu mà mỗi khi đi đâu xa tôi đều mang theo nỗi nhớ nhà da diết. Căn nhà đó giờ đây đã biến mất giữa chốn phồn hoa đô hội, đúng ra là nó đã bị thay thế bởi một tòa nhà đồ sộ năm tầng của một chủ nhân khác. Có lúc tôi đã mơ thấy mình cố tìm về nhà của mình, nhưng đường về nhà dường như xa diệu vợi, tôi bay qua những cánh đồng rồi đi qua những con hẻm ngang qua khu nhà thờ. Nhưng con đường quen thuộc bổng dẫn vào ngõ cụt, tôi phải vòng lại nhưng rồi lại lạc qua chốn khác, quanh co trên những bờ ruộng nơi mà hình như tôi từng đã đi qua. Tôi lại cố bay qua những rặng cây thông cao vút, vượt qua những ngọn đồi xanh ngát để rồi đáp xuống gần một khu nhà thờ kiểu Ấn Độ giáo xa lạ, lòng vô cùng hoan mang. Ôi đường về nhà đâu rồi, trong tôi bao trùm là cả một nỗi niềm bơ vơ, lạc lõng giữa những nơi hoàn toàn không biết là ở nơi đâu.
Nỗi sợ hãi đó có lẽ bắt nguồn là do lần đầu tiên tôi bị đi lạc, khi tôi chỉ khoảng ba đến bốn tuổi mà thôi. Đó là lần đầu tiên tôi đặt chân tới căn nhà ở Phú Nhuận, má tôi đã dẫn tôi tới đây. Trong khi người lớn đang nói chuyện thì tôi lại tò mò muốn khám phá ra căn nhà ra sao, cho nên tôi vào trong những căn buồng trong để xem rồi lại tiếp tục đi ra phía sau. Căn nhà có chiều dài rất sâu vào phía trong, qua mấy căn buồng lại gặp một cái sân ở giữa, băng qua sân giữa lại gặp căn nhà tiếp theo phía sau đang đóng vách dở dang . Tôi lại tiếp tục tò mò đi vào xem căn phía sau cũng có bề dài ra phía sau gần bằng căn trước và chấm dứt bằng một mảnh sân có cổng thông ra ngõ hẻm sau nhà. Lẽ ra tôi không được bước qua cổng sau để ra ngoài, nhưng trí tò mò của một đứa bé đã đẩy tôi ra hẻm sau để coi, phía sau là một con mương thoát nước, tôi lại chạy theo ngó xem theo hướng dòng nước chảy và vì thế đi quẹo vào ngõ khác. Tới lúc này tôi bất chợt giựt mình vì bị lạc vào một nơi hoàn toàn xa lạ, gặp những người lớn hoàn toàn lạ lẫm mà tất cả lại như đang bao vây và nhìn trừng trừng vào tôi. Với trí óc non nớt của một đứa bé, tôi quá kinh hãi và khóc thét lên, đái ướt ra quần xuống tới chân ngay lập tức. May sao, có người hàng xóm đã nhận ra vì đã thấy má tôi dẫn tôi lúc mới vào đầu ngõ. Chị ấy đã ẵm tôi trả về nhà trên, người lớn đang nói chuyện lại không ngờ rằng tôi lại lạc ra ngoài qua lối cổng sau. Mừng quá trời, không gì sung sướng bằng đã bị đi lạc mà còn được trở về với người thân, giống như đã bị bắt cóc mà còn được thả về vậy. Thật ra, con hẻm tôi lạc ngày đó chỉ là con hẻm bên hông nhà tôi mà thôi, nhưng vì khi ấy tôi còn quá bé mà lại là lần đầu đặt chân đến nên còn quá ư là xa lạ.
Khi còn nhỏ, tôi hay nằm nhìn lên mái ngói, thấy những ám khói đen có những hình quằn quện không rỏ ràng mà tưởng tượng ra một hình ảnh gì đó. Hoặc những đêm mưa rỉ rả nhỏ giọt lên mái ngói, nằm nghe giọng hát của nữ ca sĩ Thanh Thúy cũng rỉ rả điệu tango tựa như những giọt mưa:
Hạt mưa, mưa rơi tí tách
Mưa tuôn dưới vách
Mưa xuyên qua mành
Hạt mưa, mưa qua mái rách
Mưa như muốn trách
Sao ta chạy quanh.
Hoặc là:
Đường về đêm nay vắng tanh
Rạt rào hạt mưa rớt nhanh
Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi , mưa chẳng thương kiếp sống mong manh
Lầy lội qua muôn lối quanh
Gập ghềnh đường đê tối tăm
Ngập ngừng dừng bên mái tranh nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi
Nghe mưa rỉ rả lách tách trên mái ngói, lúc ấy không buồn mà thật là dể chịu khi được nằm trên giường trùm chăn ấm kín mít. Nếu có khoai mì hấp dừa chấm muối mè thì còn gì bằng. Chỉ thấy cảm thương cho những tấm thân cơ hàn đang lạnh lẽo ngoài mưa gió như lời bài hát đã nói ra.
Leo lên mái nhà để nhìn ngắm bầu tròi cũng là điều rất thú vị. Khi bác tôi còn sống và chưa già lắm, bác đã bày cho tôi và người chị họ của tôi biết cách bắt cái thang bằng tre để leo lên nóc nhà. Buổi chiều nằm hóng gió trên nóc nhà thật là đả, gió mát, trời xanh lồng lộng, cảm giác của lần đầu tiên leo lên cao rất hồi hộp nhưng vô cùng thích thú.
Cũng vì chuyện leo lên mái nhà mà tôi đã một lần khóc nức, khóc nở. Khóc tức tưởi vì không được leo lên trong khi chị tôi và chú ruột của tôi đang ở trên nóc nhà. Tôi khóc quá trời quá đất vì thấy mình quá ấm ức, tại sao chị tôi được leo lên mái nhà mà tôi thì lại không. Đến lúc chú tôi đánh thức tôi dậy thì hóa ra mình lại đang nằm mơ, Chú tôi chẳng biết tại sao tôi đang ngủ mà lại khóc quá chừng, nên đánh thúc tôi dậy để hỏi lý do tại sao? Hóa ra người ta cũng có thể khóc vì những chuyện vớ vẩn trong mơ được nữa.
Ngày nay với những kỹ xảo điện ảnh hiện đại, các nhà làm phim có thể tạo ra những hình ảnh khinh công, bay, chạy trên các bức tường thành một cách sinh động y như thiệt, như hình ảnh trong bộ phim NGỌA HỔ TÀNG LONG chẳng hạn. Nhưng cách đây khoảng 30-40 năm trước thì bộ phim BÍCH HỔ DU TƯỜNG do diễn viên Sương Điền Bảo Chiêu đóng vai chính thì hình ảnh anh ta chống hai tay ở một bức tường tòa nhà bên này và hai chân ở một bức tường của tòa nhà đối diện rồi đi lần lên cũng thấy là siêu đẳng lắm rồi.
Coi phim Bích Hổ Du Tường xong tụi nhỏ chúng tôi hồi ấy cũng bắt chước làm theo, tôi vì có tập hít đất nên có đôi tay cũng đủ sức mạnh để chống hai tay hai bức tường ở con hẻm kế bên nhà ( Khoảng cách hai bức tường vừa đủ chống hai tay ), rồi mới chống hai chân hai bên mà tập di chuyển lần lên cao. Lúc mới đầu thì hai bàn chân hơi bị nhột, nhưng leo quen rồi thì tôi thực hiện việc Bích Hổ Du Tường trong con hẻm nhỏ một cách dể dàng. Người bạn tôi cũng làm được, nhưng vì to xác, nặng nề hơn nên bạn tôi không leo lên nhanh bằng tôi. Có khi tôi leo lên tít trên cao rồi mà có người nào đó đi vào trong hẻm, vô tình chui giữa hai cẵng chân tôi mà không hề hay biết. Nhưng có khi ông chủ nhà có 1 trong 2 bức tường kia vừa đi vào hẻm đã bắt gặp tôi đang ở trên cao thì bắt tôi phải leo xuống ngay lập tức. Ông cụ rất hiền, ông không quở tôi về tội leo lên tường của ông mà chỉ sợ tôi té xuống mà thôi. Nhưng tôi nào có sợ chi đâu, leo dể quá mà, khi nào canh không có ai tôi lại leo tiếp, có khi lên tới nơi buông hai tay ra chỉ chống hai chân thôi thì cũng không sao miễn là phải đứng yên.
Có nhiều người vì sợ độ cao nên luôn thấy chóng mặt khi trên cao nhìn xuống. Còn tôi leo trèo phá phách quen nên không biết sợ độ cao là gì. Có những lúc khờ dại tôi còn leo lên cây me rất cao, chồm ra hái me ở tuốt ngoài đầu cành mà không biết sợ hãi là gì. Có lẽ chính vì hay leo trèo mà tôi hay nằm mơ thấy mình bay nhảy trên các tòa nhà cao, các đỉnh ngọn cây.
Có hôm tôi mơ thấy mình đã về tới nhà rồi nhưng cả nhà đã đóng cửa đi ngủ, vậy là tôi lang thang ngoài đường nên tính tới nhà người bạn ngủ ké. Muốn vào phòng bạn tôi thì phải nhảy lên trên căn gác, nhưng căn gác cũng bị đóng cửa tuốt, thế là tôi phải chuyền qua nóc nhà kế bên để vào cửa sổ bên hông của căn gác. Lại chưa được nên tôi phải bay lên sân thượng của căn nhà lầu kế bên, hình như chủ căn nhà lầu đang ngó ra nên tôi phải ẩn mình trong một góc kẹt của căn nhà lầu thấp hơn một chút. Lại sợ bị người ta nhìn thấy mình tưởng là kẻ trộm nên tôi buông mình xuống rối lượn bay lên cao, bay tít lên những rặng cây cao rồi lại lượn trở lại trên nóc sân thượng của căn nhà cao nhất.
Hình như dưới ngõ hẻm đang có mấy tên trong một băng giang hồ hung ác đang tìm ai đó để thanh toán. Tôi phải ẩn mình cho thật kín, đợi bọn chúng đi qua khỏi, tôi chui vội vào cửa sổ của một căn nhà, rồi giở miếng nắp đậy trần nhà chui lên trần. Trên trần nhà là một chổ ẩn nấp của một người bạn, từ đây có thể bò ra tới phía trước nhìn qua khe nhỏ để thấy ở dưới đường được. Tôi nghe bọn chúng cũng còn lùng sục đâu đây. Đến một lúc thấy êm êm tôi tìm đường chui ra. Vừa ra tới nơi thì một tên trong bọn phát hiện ra tôi nên báo động cho những tên khác biết. Bọn chúng đuổi theo tôi. Tôi lại luồn vào một khung cửa sổ nhỏ trên mái một tòa dinh thự, bên trong là một hành lang dài và hẹp dẫn qua một góc khác của tòa nhà, phải quẹo qua một hướng khác thì mới thoát được tầm nhìn của bọn chúng. Qua hướng khác rồi tôi lại chui qua một ô cửa nhỏ khác dẫn vào bên trong của tòa nhà, lọt xuống bên dưới tòa nhà hình như là một chổ thiết kế để ẩn nấp, chung quanh là tường bê-tông rất kiêng cố.
Tôi ẩn bên trong tòa nhà được một hồi thấy êm rồi thì tìm cách trở ra. Nhưng tòa nhà này y như một mê cung, tôi đã cố theo hướng cũ quay ra nhưng nó lại dẫn tới những nơi kỳ quặc khác của tòa nhà, leo hết bức tường này, bay qua bức tường kia. Đến lúc lọt được ra ngoài thì đã qua một xóm lạ hoắc, không biết lối nào trở về là đúng hướng, vì thế cứ nhắm đại một hướng nào đó mà bay mà chạy hoài coi nó tới đâu. Có lúc thấy giông giống nơi mình đã đi qua thì cũng cứ còn quanh quẩn hoài mà chưa biết về đâu. Mãi cho đến khi tỉnh giấc thì mới hết chuyện, đôi chân toát mồ hôi lạnh ngắt vì bay, vì chạy, nhảy suốt đêm trong giấc mơ.