Kỷ Niệm (Tiếp theo 1)

QUÁCH CHƯƠNG

Nước Úc rộng lớn và có hệ thống đường xá tương đối phát triển, tất cả mọi người sử dụng xe cộ lưu thông trên đường đều phải đóng thuế đường và bảo hiểm xe cộ, bảo hiểm nhân mạng. Nhà nước dùng các khoản thuế đó để cải thiện hệ thống đường xá, đường xá bên Úc luôn luôn được duy trì sửa chửa nên luôn ở trong tình trạng tốt. Các vụ tai nạn có xảy ra nhưng giao thông không đáng ngại về vấn đề an toàn vì hầu hết mọi người tuân thủ luật lệ, không chạy xe lộn xộn, bát nháo như ở Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi lại không mấy thích thú khi hằng ngày phải ngồi trên xe hơi để di chuyển, làm việc. Công việc luôn đòi hỏi mọi người phải vượt những đoạn đường xa mỗi ngày, tốn nhiều thời gian. Sau một ngày làm việc và di chuyển thì không còn bao nhiêu thời gian để vui chơi giải trí nữa.

Người Úc xây dựng nhiều nhưng họ cũng chừa nhiều những khoảng xanh chứ không xây ở mức độ dày đặc. Mặc dù luôn có những công viên gần nhà nhưng thời tiết khắc nghiệt cũng khiến trẻ em ít khi được ra đường, cứ suốt ngày bị nhốt trong bốn bức tường. Nơi nào cũng toàn là xe hơi di chuyển thì làm sao ra đường mà không có người lớn đi kèm được.

Ngẩm nghĩ sự xây dựng quá nhiều của con người đã làm cho chính cuộc sống của con người không còn nhiều gắn bó với thiên nhiên nữa, tôi bất chợt nghiệm ra lời thơ của Bà Huyện Thanh Quan vẫn còn nguyên vẹn giá trị cho tới thời hiện đại này:

“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường

Đến nay thắm thoát mấy tinh sương

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

Nước còn cau mặt với tang thương

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ

Cảnh đó người đây luống đoạn trường!”.

Quả là ngày xưa và ngày nay, con người vẫn phải chứng kiến những sự thay đổi. Những sự vật từng tồn tại với mình bỗng dưng biến mất và không bao giờ trở lại nguyên trạng cũ khiến cho ta cứ mãi ngẩn ngơ, hoài niệm khi trở về tìm đường xưa, lối cũ.

Đôi khi tôi trở về chốn cũ để ôn lại những kỷ niệm xưa thì cảnh cũ, người xưa đã hoàn toàn thay đổi khiến tôi như chàng Từ Thức sau khi rời cõi tiên về thăm nhà thì đã không còn gì của những ngày xưa còn tồn tại nữa. Đâu rồi những cánh đồng rau muống bát ngát? Đâu rồi những cây cầu khỉ? Đâu rồi những xóm nhà sàn? Đâu rồi những bạn thân? Thay vào đó, tất cả là những chung cư cao tầng, những nhà cửa bê-tông chật cứng, tất cả là những người xa lạ. Trẻ em hiện đang sống ở khu vực này hẳn là không thể nào được ra đồng thả diều, nghe tiếng sáo diều vi vu và trông thấy những đứa trẻ cỡi trên lưng trâu mà nghêu ngao ca hát:

Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ,

Ngồi lưng trâu, phất ngọn cờ lau và em hát nghêu ngao,

Mới gần đây, nhờ vào mạng lưới Internet mà tôi tìm lại được một số bạn học chung trường Huỳnh Thị Ngà ở Tân Định đã thất lạc nhau hơn bốn mươi năm. Đây là những người bạn mà tôi đã cố truy tìm trên Facebook hơn mười năm nay bây giờ mới có kết quả, những người bạn cùng thời mà chúng tôi có thể cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, những kỷ niệm của một thời tươi đẹp nhất trong cuộc đời mà tôi đã gần như không bao giờ có thể được tận hưởng một lần nữa. Đó là những ngày xưa thân ái y hệt lời một bài hát:

Những ngày xưa thân ái anh gởi lại cho ai,

Gió mùa xuân êm đưa rung hàng cây lưa thưa,

Anh cùng tôi bước nhỏ áo quần nhăn giấc ngủ,

Đi tìm chim sáo nở ôi bây giờ anh còn nhớ?


Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho ai,

Trăng mùa thu lên cao khóm dừa xanh lao xao,

Anh cùng tôi trốn ngủ ra ngồi hiên lá đổ,

Trong bầy chim trắng hiền mơ một nàng tiên dịu hiền.

Tôi sinh ra trong một gia đình người Bắc, cha mẹ tôi là người cùng quê làng Thọ Mai, huyện Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Nhưng cha mẹ tôi đã vào Nam từ rất lâu trước cả nạn đói 1945 và tôi sinh ra tại Sài Gòn, lớn lên chung quanh hàng xóm toàn là người Nam cho nên tôi có giọng nói Nam Kỳ, nếu tôi không khai ra, không ai biết.

Ông ngoại tôi là người nhà quê, ít học nhưng thông minh, biết giao tiếp tiếng Pháp giọng bồi lại biết xây dựng nhà cửa nên khi đem gia đình vào Nam, ông đã nhận được thầu xây dựng nhà cửa cho người Pháp, vì thế mà trở nên khá giả. Có thể nói ông ngoại tôi từng là người giàu có nhất, nhì vùng Phú Nhuận thời còn Pháp thuộc. Nhưng ông ngoại lại còn quyến luyến quê hương nên trở về làng dùng tiền mua chức lý- trưởng, lại xây nhà cao cửa rộng toàn bằng gỗ lim, hai bên bậc tam cấp có rồng chầu, kho thóc lúa đầy bồ. Cũng vì thế mà ông, bà ngoại tôi chút xíu nữa bị chết oan vì cuộc cải cách ruộng đất sau năm 1945, hai người từng bị đem tố khổ nhưng vì ông, bà tôi sống nhân ái, hay giúp người khốn khó, nhờ thế đã được nhiều người can thiệp mà thoát chết.

Giai đoạn năm 1945 cũng là giai đoạn dân chúng bị chết đói vì thiếu lúa gạo, thế là gia đình ông bà ngoại tôi lại dắt dìu nhau vào miền Nam sinh sống kể từ đó.

Anh, chị, em chúng tôi sinh ra không biết ông bà nội vì ba tôi đã vào Nam cùng một người em họ của ông nội để làm thợ may, để lại ông, bà Nội ở lại miền Bắc và ông, bà nội tôi đã mất trong giai đoạn xảy ra nạn đói khủng khiếp. Vì ba tôi là người đồng hương nên đã được ông, bà ngoại tôi nhận làm rể và thế là chúng tôi có mặt trên cõi đời này.

Khi tôi còn nhỏ thì cuộc sống ở miền Nam rất là dể dàng. Một người đàn ông có thể một mình đi làm mà nuôi cả gia đình. Má tôi còn kể rằng chỉ cần ra phụ bà bán thịt heo ngoài chợ cũng kiếm được tiền rủng rỉnh mua vòng vàng đeo đầy tay. Phải nói rằng tôi có được tuổi thơ khá là vui sướng, mặc dầu gia đình tôi không phải giàu sang nhưng ba, má tôi buôn bán có đồng ra, đồng vào, cuộc sống không biết cực khổ là gì.

Vùng Phú Nhuận thuở ấy thuộc tỉnh Gia Định, nếp sống còn nửa thành thị, nửa nông thôn. Xe ngựa, xe bò còn ung dung di chuyển trên những con đường tráng nhựa và vẫn còn phổ biến những con đò đưa khách sang sông. Nhà tôi ở trong xóm chùa Bà Đầm đường Thái Lập Thành ( Bây giờ là đường Phan Xích Long ) chung quanh vẫn là những con hẻm đường đất chỉ đi lòng vòng vài phút là ra đồng ruộng rau muống, người ta vẫn đào ao thả cá trước sân nhà. Thuở nhỏ, chỉ cần lẻn trốn một chút là chúng tôi đã ra tới ruộng để vớt cá lìm kìm, lia thia hoặc bắt chuồn chuồn, cào cào, châu chấu về chơi.

Chung quanh xóm có nhiều bãi đất trống lớn, nhỏ, chúng tôi tha hồ bày các loại trò chơi như tạt lon, tạt hình, bắn bi hay vật lộn lẫn nhau. Con gái thì chơi banh đũa, nhảy dây, cò cò. Ôi vô số các loại trò chơi mà bọn trẻ chúng tôi tha hồ tụ tập mỗi ngày, chơi đùa không biết mệt mõi! Sự vật khi ấy mới thật sự đúng nghĩa với lời thơ của Đỗ Trung Quân:

Quê hương là chùm khế ngọt,

cho con trèo hái mỗi ngày.

Quê hương là đường đi học,

con về rợp bướm vàng bay.

Quê hương là con diều biếc,

tuổi thơ con thả trên đồng.

Quê hương là con đò nhỏ,

êm đềm đưa khách sang sông

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.