QUÁCH CHƯƠNG
Sự sống hình thành và phát triển là do sự kết hợp tinh hoa của trời đất trong những điều kiện thuận lợi nhất. Như chúng ta quan sát thấy mùa Xuân là mùa có khí hậu ấm áp dể chịu giúp cho cây cối nảy lộc, đâm chồi, đơm hoa, kết trái; Còn chúng ta cảm thấy vui vẻ, hưng phấn, yêu đời khiến các cặp trai, gái tìm lại gần nhau.
Ban ngày thì người ta hoạt động nhưng ban đêm thì mắt nhíu lại đi tìm chổ ngủ. Điều đó có nghĩa là: Con người ta lệ thuộc vào thiên nhiên rất nhiều. Nếu chúng ta không ăn chúng ta sẽ chết đói, nếu chúng ta không uống chúng ta sẽ chết khát, thiếu Oxy sẽ nghẹt thở, thiếu tình yêu sẽ héo mòn. Như vậy bản chất của tình yêu là gì?
Tình yêu theo suy nghiệm của tôi ở khía cạnh khoa học là một dạng tín hiệu tinh thần tích cực được trao đổi qua lại giữa hai cá thể. Những tín hiệu được phát đi với nguồn năng lượng sung mãn của sự sống có tác dụng kích thích và khai mở các giác quan của cơ thể giúp chúng hoạt động một cách hăng say nhất. Do đó những cá nhân đang yêu sẽ trở nên tràn trề sức sống yêu đời hơn bao giờ hết, “ Yêu và được yêu là điều hạnh phúc nhất trên đời “.
Khi người ta yêu thương nhau thì ánh mắt, nụ cười, lời nói, cử chỉ, dáng điệu đều mang những ý nghĩa đặc biệt và là những tín hiệu tác động kích thích tạo ra những rung động mạnh mẽ về tinh thần khiến người trong cuộc cảm thấy hưng phấn, yêu đời hơn bao giờ hết. Mùa Xuân đơm hoa, kết trái là những điều tương tự như thế, cho nên tôi cho rằng những lời khuyên người ta khoan yêu, khoan cưới là hết sức giáo điều và thậm chí là hoàn toàn phản khoa học.
Có nhiều người quan niệm cho rằng yêu đương là mang lại đau khổ vì nếu hôn nhân không thành thì người ta sẽ cảm thấy khổ hơn trước khi bước vào tình yêu nhiều lần. Nhưng nói như thế thì chẳng khác gì nói rằng: “Ăn rồi sẽ đói, uống rồi sẽ khát” vậy. Bởi vì bản chất của tình yêu là nguồn năng lượng cần thiết cung cấp cho tinh thần, cho nên nếu không được yêu mới cảm thấy khổ giống như không được ăn cảm thấy đói, không được uống cảm thấy khát mà thôi.
Tình yêu là một nhu cầu tất yếu của sự sống và không phải là đặc quyền riêng biệt của loài người, loài vật cũng có tình yêu giống chúng ta. Nếu chúng ta quan sát những loài vật có tập quán sống lứa đôi chung thủy như loài cò chẳng hạn, chẳng có nguyên nhân nào có thể chia rẻ vợ, chồng cò cả ngoại trừ khi một trong cặp đôi phải đi chầu trời vì một lý do nào đó. Khi một con bị chết đi thì con còn lại cũng có thể buồn rầu đến nỗi bỏ ăn đến tàn tạ, xơ xác và cuối cùng chết theo người bạn đời chung thủy.
Nhưng giá như loài người sống đơn giản như các loài sinh vật khác thì mọi việc sẽ rất bình thường và tự nhiên. Vì sống thành cộng đồng, xã hội có sự trao đổi tiền tệ nên mọi sự đã trở nên phức tạp.
Đồng tiền như mục đích chính của nó chỉ là phương tiện trung gian để người ta trao đổi sản phẩm cho nhau nhưng cuối cùng nó trở thành mục đích để người ta hành động vì càng có nhiều tiền thì càng trở nên giàu có và có thể sống sung sướng trên xa hoa, nhung gấm lụa là.
Tất cả là do lòng tham lam mà ra thôi, không chỉ đủ ăn, đủ mặc, người ta còn muốn nhà lầu, xe hơi, kẻ hầu, người hạ, muốn gì, được nấy. Kết quả là những kẻ láu cá thì giàu nức đố, đổ vách, còn những người lương thiện thì nghèo xác, nghèo xơ và do đó tạo thành cách biệt giai cấp, giàu nghèo.
Vì việc phát triển xã hội đã có khi con người biết tập hợp thành bầy đàn nên chúng ta sinh ra đã có sẵn việc phân tầng xã hội. Tuy nhiên, nếu một xã hội có chính sách văn minh thì sự cách biệt giàu nghèo sẽ không đi quá xa, mọi người không ai quá nghèo khổ đến nổi ăn đói, mặc rách. Về mặc này, có thể nói nước Úc đã làm được, người dân Úc tuy có cách biệt giàu nghèo nhưng đứng trước cộng đồng, giá trị cá nhân ngang nhau, anh không thể vì giàu hơn tôi mà có thể khuynh đảo cả luật pháp, đổi trắng, thay đen được.
Nhìn lại, cho dù xã hội có phức tạp đến đâu, nếu có cách nhìn đúng đắng, con người cũng có thể có cách giải quyết đúng. Mỗi cá nhân chỉ có tuổi thọ nhất định và không thể đem theo của cải khi xuống mồ được. Nếu nói tạo dựng cho đời con, đời cháu thì cũng chỉ là điều vô nghĩa và có hại cho đời sau không biết tự lập.
Nếu ai cũng biết lấy vừa đủ cho nhu cầu sống của mình và biết san sẻ cho người khác thì xã hội sẽ tốt đẹp, yên bình hơn. Tất cả mọi giá trị vật chất có được đều xuất phát từ nguồn tài nguyên chung trên trái đất và do công sức của nhiều người tạo ra. Không một cá nhân nào có thể tạo ra tất cả mọi thứ.
Khi bạn có xe hơi lưu thông trên con đường thênh thang, bằng phẳn thì bạn nên hiểu rằng con đường bạn đang sử dụng là do công sức của biết bao nhiêu người tạo ra nó và bây giờ bạn đang thừa hưởng. Vậy thì nhờ những thuận lợi đó bạn mới có thể làm ăn, mua bán mà trở nên giàu có, bạn hãy dùng một phần lợi nhuận tạo ra để đóng góp lại cho xã hội, như thế mới là công bằng. Nếu như bạn chỉ biết vơ vét cho riêng mình thì bạn là người ích kỹ, nếu có chết đi cũng chỉ là con ma giữ của cứ tiếc nuối số tài sản kiếm được mà thôi.
Vậy cho nên, hãy sống yêu đời, yêu người, yêu mình. Biết chia xẻ và sống vị tha mới là cuộc sống hạnh phúc. Nếu ta vì chạy theo đồng tiền mà quên đi những người yêu thương mình thì ta đang phạm một sai lầm nghiêm trọng. Dù có núi tiền mà tâm hồn cô đơn cũng là điều bất hạnh vô cùng.