Kỷ Niệm

QUÁCH CHƯƠNG

Những ngày Tết bên Úc chỉ khác với những ngày thường một chút là có trưng bày trên bàn một ít bánh, mứt, trái cây, bông hoa của ngày Tết. Tôi vẫn phải đi làm bình thường bất kể là ba mươi hay mùng một Tết. Tôi đi làm cả ngày riết rồi cũng chẳng màng đến Tết nhất là gì nữa. Mệt quá, thậm chí bạn bè, anh, em chúc Tết ì xèo trên Facebook, tôi cũng không mấy bận tâm. Được cái là ở mấy cái chùa lớn ở quanh vùng Cabramatta, Tết năm nào cũng có bắn pháo bông rất đẹp mắt.

Nhưng tôi vẫn hoài niệm về những mùa Xuân năm cũ, khi tôi còn niên thiếu, những mùa Xuân ấy mới chính thực là mùa Xuân ấm áp, hạnh phúc, vui sướng. Những mùa Xuân đã đi qua và chưa lần nào trở lại.

Khi tôi còn nhỏ, xe ngựa còn có thể lóc cóc gõ nhịp trên đường phố, thể hiện một cuộc sống xã hội thảnh thơi, an nhàn không có gì vội vã. Tiếng pháo đì đùng cùng những tiếng cười ròn rã và những niềm vui bất tận thể hiện rỏ ràng trên những gương mặt rạng rỡ của tất cả mọi người. Ngay cả những người ăn xin cùng khổ cũng có những ngày Tết gặt hái vì lòng hảo tâm của tuyệt đại đa số dân chúng. Vì thế mới có lời hát:

Xuân đã đến rồi gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời,

Vui trong bình minh muôn loài chim hót vang mọi nơi…

Đẹp trong tiếng cười cho kiếp người tình thêm đắm đuối,

Nằng xuân đem vui với đời…

Ngày Tết được đi chơi, được lì xì, được ăn thức ăn ngon, được đi chúc Tết người thân, bạn bè, được đánh bài, lắc bầu cua, được ra rạp xem những bộ phim màn ảnh rộng hay và vui nhộn. Ôi biết bao là niềm vui sướng kéo dài từ ngày cúng ông Táo cho suốt đến ngày mùng Bảy, tình người lúc bấy giờ thật là đầm ấm.

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,

Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh.

Không phải chỉ có dịp Tết, xã hội miền Nam ngày xưa đã hình thành một cuộc sống tương đối khá sung túc, lành mạnh và văn minh. Sài Gòn là gương mặt đại diện cho cuộc sống ngày đó đã được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông quả là không hổ danh.

Bên xứ Úc này, tuyệt đại đa số có cuộc sống tốt. Trẻ em Úc quả là có cuộc sống hạnh phúc hơn so với trẻ em các xứ khác. Trẻ em Úc đi học không phải đóng tiền mà còn được nhà nước trợ cấp nhiều khoản tiền khác. Không có em nào phải đi bán vé số tội nghiệp như trẻ em Việt Nam. Nhưng so ra, chúng không được tung tăng thả diều, bắt bướm, hái hoa như trẻ em chúng tôi ngày xưa. Ngày xưa, trong lòng thành phố Sài Gòn vẫn tồn tại những dòng sông xanh thơ mộng và những đồng ruộng mênh mông để chúng tôi được sống trong thiên nhiên, thơ mộng mỗi ngày. Một trong những dấu ấn in sâu trong ký ức của tôi là tiếng ca của một người bạn gái học chung lớp 6,7,8 với tôi với bài hát Đò Chiều. Sở dĩ chúng tôi có được những cảm xúc sâu sắc với lời hát vì ngày đó chúng tôi còn được sang sông bằng đò để đi học. Bây giờ, khi hát lại bài hát, tôi bỗng tiếc nuối mối tình thầm thương, trộm nhớ của tuổi học trò:

Một chiều nào trên bến cô liêu, xóm bên sông tiêu điều, buồn hắt hiu mây chiều.

Đò của người thôn nữ, chờ đưa người viễn xứ, đi muôn phương xa xôi, xây hướng cuộc đời.

Rộn ràng lòng cô gái đôi mươi, thắm trên môi nụ cười, nhìn toán quân qua rồi.

Cô ấy không là cô lái đò, tôi không là quân nhân mà chúng tôi là những đứa con nít mặt còn búng ra sữa vậy mà cứ trộm nhìn ánh mắt của nhau, cảm giác như điện giật, tên bắn để rồi khi về nhà cứ ra ngẩn vào ngơ, cứ mong tới ngày hôm sau để trông thấy mặt nhau nữa. Đó là một kỷ niệm đẹp, kỷ niệm của tình yêu thương, hồn nhiên, trong sáng không hề có chút vẫn đục.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.