Quách Chương
Ngày lễ Easter ở bên Úc được nghỉ kéo dài từ thứ Sáu cho đến hết ngày thứ Hai tuần sau. Sau nhiều ngày làm việc mệt mõi, tôi thường ra quán cà phê đánh cờ tướng với những người bạn. Cờ tướng là loại hình trò chơi ngốn rất nhiều thời gian, khi ngồi vào bàn chơi cờ rồi thì khó lòng mà đứng lên ngay, lại còn nhiều tay thích chơi cờ bu quanh, chỉ chọt, chỉ vì sự biến hóa khôn lường khiến người chơi không ngừng suy nghĩ, tính toán.
Cờ tướng là trò chơi mà cũng có phân biệt đẳng cấp, có anh chấp tôi đi trước ba nước mà tôi vẫn bị thua hoài, lâu lâu mới gỡ lại một, hai ván. Vậy mà tôi cũng có đối thủ đi trước ba nước mà cũng thua tôi hoài, thế mới biết trình độ mỗi người mỗi khác. Hôm nào tôi chỉ uống cà phê mà quên không ăn sáng là bị thua cờ tướng liên tục. Ngược lại, hôm nào được ngủ đầy đủ, khỏe khoắn, ăn uống đầy đủ thì thường thắng trận vẻ vang, mới thấy trò chơi này hao tổn sức lực cũng nhiều lắm.
Hôm nay, mãi tới ba giờ chiều tôi mới rời khỏi bàn cờ tướng, vòng vòng đả rồi vào quán phở kêu một tô nhỏ để ăn lấy lại sức. Trước cửa quán có một anh chàng mang ba lô cứ lấp lấp, ló ló nhìn vào trong quán, lại cứ hút thuốc lá liên tục, hình như anh ta đói muốn ăn nhưng không biết làm sao. Bà chủ quán đi ra dùng tiếng Tiều để xua anh ta đi vì sợ khói thuốc làm ô nhiểm, xong bà đi công việc gì đó không trở lại, anh chàng lại cứ thập thò bên ngoài.
Tôi tính ăn xong rồi hỏi xem anh ta có phải đói lắm không? Tôi chuẩn bị hơn mười đô la để đưa cho anh ta nhưng anh ta đã không còn đứng bên ngoài nữa. Tôi đi loanh quanh xem anh ta còn lẩn quẩn đâu đây không vì chắc anh ta đang bị bụng đói hành hạ. Một chốc sau anh ta lại vòng lại thiệt, tôi lại gần nhìn anh ta tính mở miệng hỏi nhưng lại không biết có nên không? Vì nếu không phải vậy thì sao? Và không biết anh ta là người xứ nào? Việt hay Miên hay Lào? Tướng anh ta thấp thấp dạng người châu á nhưng râu ria bồm xồm lại không có vẻ ốm đói. Anh ta cũng nhìn tôi nhưng không mở miệng hỏi gì nên tôi cũng không biết tính sao? Rồi tôi lại nghĩ anh ta có hành động giống như người tâm thần chứ không phải người đang đói vì cứ bập thuốc lá liên tục, xứ này không thiếu mấy người khùng khùng đi lang thang. Nhiều người đam mê máy đánh bạc đến bán nhà, bán cửa, vợ con rời xa mà phát điên. Sau một hồi lanh quanh tại cửa tiệm phở, hút thuốc lá liên tục, thỉnh thoảng lại lấy ngón tay gõ gõ vào trán, người đàn ông bỏ đi luôn và tôi cũng không biết phải làm sao? Thế thôi đi về nhà, trên đường gặp người phụ nữ Ấn Độ đang quyên tiền giúp trẻ em nghèo nên bỏ vào thùng vài đô la thấy đỡ áy náy.
Thật ra tôi muốn giúp một người cho qua cơn đói khát vì nghĩ mình đã từng bị như vậy. Nhưng ở xứ Úc này, nếu người ta không mở miệng ra xin thì làm sao mình có thể hỏi người ta cần ăn không được. Người thất nghiệp còn được chính phủ trợ cấp cho nên không mấy ai bị đói. Trừ phi anh ta là người nhập cư lậu bị rơi vào bước đường cùng.
Ở Việt Nam, thời kỳ bao cấp, việc bị đói là chuyện thường xuyên. Một lần bà Ngoại nói với tôi nhà hết gạo chẳng còn gì ăn, lúc ấy tôi đang sức thanh niên, vừa học xong lớp 12, thi rớt đại học, thất nghiệp không có tiền đành chịu nhịn đói không biết làm sao? Chưa bao giờ tôi bị đói như thế, nhịn cả ngày, đến hôm sau vẫn không có gì ăn, người mệt lã, đuối sức. Rồi tôi ráng lội bộ từ Phú Nhuận lên Bình Thạnh lên kiếm ba tôi để xem sao? dọc đường mình đói đến hoa mắt mà hàng quán thiên hạ ăn uống ì xèo. Hàng phở, hủ tiếu khói bay nghi ngút, hàng cơm tấm bay mùi sường nướng thơm phức khiến tôi bị hành hạ quá mức. Xin ăn chăng? Mặt mũi đâu mà làm chuyện như vậy? Hay là cướp, giật rồi bỏ chạy? Lương tâm đâu cho phép. Tình cảnh quả giống như trong một đoạn văn miêu tả cảnh đói của một anh chàng mà tôi học ở lớp 7-8 của nhà văn nào mà tôi không nhớ. Tôi cứ đứng lóng ngóng nhìn thiên hạ ăn uống, tỏ vẻ thèm thuồng, không biết các chủ quán có nhận ra không? Nhưng tôi không có vẻ ngoài rách rưới của mấy người ăn xin, thỉnh thoảng có người hỏi tôi muốn ăn món gì, tôi chỉ biết lắc đầu nói là mình chưa biết rồi bỏ đi chứ sự thật là không có cắc bạc nào dính túi.
Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc. Một người được ăn học như tôi mà khi bị đói cũng còn nảy sinh ý nghĩ cướp giật, huống hồ những người kém nhận thức. Năm 1945 đã từng xảy ra nạn đói khũng khiếp khiến hơn hai triệu người thiệt mạng vì không có gì để ăn, xác người nằm đầy đường phố. Ông bà ngoại tôi khi ấy trong nhà có tiền nhưng lại thiếu gạo ăn nên lại lục tục đem cả gia đình vào Sài Gòn. Trong lúc đợi chuyến xe lữa vào Nam, dì thứ Năm của tôi, khi đó mới khoảng năm tuổi, đang cầm chiếc bánh tráng mật ăn thì bị một anh lớn cướp lấy ăn ngấu nghiến rồi còn một ít thì đút cho người em ăn hết, dì tôi khóc mếu máo khiến ông ngoại tôi phải dỗ dành rằng mình nên nhường cho người ta ăn vì họ đang đói quá mức. Bản năng sinh tồn của con người cũng đâu có khác gì các loài vật khác.
Nạn đói khũng khiếp năm 1945 là do phát xít Nhật đã bắt nông dân Việt Nam phải bỏ lúa trồng đay để dệt sợi bố, dẫn đến việc thiếu lúa gạo trầm trọng đến mức người ta đói đến kiệt sức mà chết. Cũng là con người với nhau mà có những nòi giống này sẵn sàng tàn sát nòi giống khác để tranh giành quyền lợi.
Mấy hôm nay, tình hình khu vực lại nóng lên khi Hoa Kỳ đã đem hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và các chiến hạm khác vào tập trận ngoài khơi bán đảo Triều Tiên khiến Bắc Hàn nổi giận, lại đem tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Stethem hiện diện ở biển Đông khẳng định quyền tự do hàng hải khiến Trung Quốc phải e dè. Rỏ ràng, sự tranh chấp quyền lợi giữa các quốc gia và các sắc tộc luôn luôn nảy sinh khiến cho thế giới này khó có thể yên bình. Thật khó mà biết được Donald Trump là tổng thống Hoa kỳ thì sẽ có lợi cho Việt Nam hay cho Trung Quốc trong việc tranh chấp biển Đông, thời gian sẽ trả lời và chúng ta còn phải đợi xem sao?
Trong khi tình hình dân chúng trong nước chưa lắng dịu vì vụ Formosa gây ô nhiểm môi trường biển, lại đang nóng lên vì việc dân chúng xô xát với công an vì tranh chấp đất đai ở Hà Nội. Quyền lợi của nhóm lợi ích đã đi ngược lại quyền lợi của nhân dân. Tình đồng loại tuy vẫn hiện diện ở đây đó nhưng nó vẫn còn rất mờ nhạt, không đủ để dân Việt Nam thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu và nguy cơ ngày càng bị đồng hóa bởi người anh em Trung Cộng đầy nham hiểm.
Giấc mơ được sống lại những ngày tháng vui sướng, hạnh phúc như thời ấu thơ vẫn chỉ là mơ ước. Tuy không phải sống trong tình cảnh nghèo khổ cùng cực như ngày xưa nhưng tôi vẫn hoài niệm mãi về một hòn ngọc Viễn Đông thơ mộng. Người Sài Gòn khi ấy đã từng thực sự hưởng một cuộc sống an vui, hạnh phúc nhất vùng Đông Nam Á. Những đứa trẻ sinh ra sau này không thể biết được cuộc sống ngày đó ra sao và những đứa trẻ Việt Nam sinh ra bên Úc này sẽ không thể biết tình yêu quê hương Việt Nam là như thế nào?