Kỷ Niệm (Tiếp theo 8)

QUÁCH CHƯƠNG

Người Việt Nam cũng như di dân từ các nước khác sang Úc được đối xử bình đẳng như bao người Úc khác mặc dầu cũng không tránh được một số người kỳ thị. Tuy nhiên, từ một xứ nghèo khổ với sự đào tạo tay nghề nhiều khiếm khuyết và sự giới hạn về ngôn ngữ, đa số những người Việt đều gặp những khó khăn một thời gian khá dài. Thông thường thì thế hệ con cháu của họ mới là thế hệ người Úc chính gốc và dể thành đạt hơn.

Nước Úc là đất nước phát triển và chính phủ Úc luôn tạo điều kiện cho mọi người làm ăn, tạo lập cuộc sống. Nhưng đòi hỏi chất lượng trong tất cả mọi lãnh vực là yêu cầu bắt buộc và mỗi ngành nghề đều buộc phải có người được đào tạo chuyên nghiệp. Do đó mọi người đều phải được cấp giấy phép trước khi theo đuổi một công việc nào đó, dù là những công việc thiên về lao động trí óc nhiều hơn chân tay như giới kỹ sư, bác sỹ, dược sỹ hay những công việc nặng nhọc như thợ hồ, thợ mộc, thợ điện, hoặc công việc thiên về năng khiếu như thợ cắt tóc, diễn viên v.v… tất cả phải qua đào tạo trường lớp bài bản và có đủ thời gian làm việc thực tiển thì mới được cấp giấy phép hành nghề.

Cản trở lớn nhất cho người Việt mới qua Úc muốn có giấy phép hành nghề, không phải là sự khéo léo mà chính là khả năng ngôn ngữ, do đó một số lớn theo đuổi những công việc cực nhọc, không chính thức bị coi là làm lậu, không khai thuế như đi làm thợ nail, phụ bàn, phụ bán hàng, phụ lót gạch hoặc cũng tham gia các nghề khác như thợ mộc, thợ hồ, thợ sơn nhưng không có giấy phép hợp lệ. Muốn học nghề mà không có tiếng Anh thì chịu chết thôi, muốn đủ trình độ tiếng Anh để vào lớp học thì phải mất 2-3 năm trao dồi. Vừa đi làm kiếm tiền vừa đi học là cả một vấn đề, đòi hỏi nhiều ý chí, nghị lực, ít có người theo đuổi.

Cộng đồng người Việt ở Úc dầu sao cũng có một quá trình làm việc cần cù, nhẫn nại tính từ giai đoạn sau 1975 đến nay cũng đã có những thành đạt nhất định, phần lớn có công việc ổn định nơi hãng xưởng. Đa số thế hệ trẻ sinh ra ở Úc thì vẫn còn theo lối suy nghĩ truyền thống người Việt Nam, thích theo đuổi những ngành nghề có đẳng cấp cao như bác sĩ, dược sỹ, luật sư, kỹ sư computer nhưng lại ít có người theo học kỹ sư xây dựng có lẽ vì khó cạnh tranh với người Úc tóc vàng, mũi cao. Thường người Việt theo đuổi nghề xây dựng ở mức độ thợ hồ, thợ mộc, thợ điện, thợ làm ống nước v.v…. Đa số các trường đại học ở Úc là do tư nhân thành lập, nhưng hệ thống trường dạy nghề lại có vai trò của nhà nước rất lớn. Đa số học sinh sau khi học xong lớp 12 nếu không vào học được đại học thì sẽ tham gia học nghề ở hệ thống trường TAFE (Technical and further education) có mặt ở khắp nơi trên nước Úc.

Đặc biệt hệ thống tín chỉ ( credit) của trường TAFE có giá trị ngay cả khi người thợ ngành xây dựng muốn thành người kỹ sư xây dựng. Thợ đào tạo 3 năm, kỹ sư đào tạo 4 năm, do đó chỉ cần học thêm 1 năm và lấy đủ số tín chỉ cần thiết, người thợ trở thành người kỹ sư. Điều đó có nghĩa là người thợ được đào tạo bài bản giống như người kỹ sư, chỉ ít hơn 1 năm học, 1 số môn học thôi. Dĩ nhiên là kỹ sư được đào tạo theo hệ đại học ( University) còn trường TAFE chỉ ở hệ thống trường dạy nghề mà thôi (TAFE college).

Hầu hết tất cả mọi người sau khi đạt được bằng cấp (Certificate) và giấy phép hành nghề (Licence), sau thời gian đầu khởi nghiệp vất vả sẽ đạt được thâu nhập ổn định. Người làm việc cũng được yêu cầu đóng thuế thu nhập cho nhà nước, số tiền thuế này lại được nhà nước Úc sử dụng cho những công trình phúc lợi chung khác chẳng hạn như xây dựng cầu, đường, bãi đậu xe v.v…Hệ thống đường xá bên Úc rất tốt và thường xuyên được bảo dưởng, nâng cấp.

Như vậy chúng ta có thể thấy xã hội Úc có sự phát triển rất vững chắc, không xô bồ, xô bộn. Chẳng hạn như khi bạn tiến hành công việc xây nhà của bạn chẳng hạn. Tất cả các công đoạn xây dựng đều phải chịu sự kiểm soát của nhà nước ở địa phương bạn đang ở. Từ công việc như điện, ống nước, ống cống, việc chống thấm cho đến chất lượng khung sường, chất lượng nền móng đều phải có sự chứng thực của các thợ chuyên nghiệp có giấy phép hoạt động. Do đó, việc xây dựng kém chất lượng là việc ít xảy ra ở Úc. Trừ phi do bạn không muốn tốn nhiều tiền mà bạn xây cất lậu, không xin phép và sử dụng những người hành nghề không giấy phép, bạn có thể phải đối diện với sự rắc rối do công việc kém chất lượng gây nên và nguy cơ bị nhà nước bắt tháo dở.

Trông người mới ngẫm lại ta, như tôi là người đã từng cố gắng học hành và rèn luyện ở Việt Nam, mới nhìn thấy hệ thống đào tạo của Việt Nam rất nhiều điều đáng trách. Ví dụ như giáo dục bậc đại học chẳn hạn, nhiều trường sử dụng chính những sinh viên mới tốt nghiệp cử nhân ở lại trường làm công việc giảng dạy cho sinh viên mới, việc này tạo ra những đội ngũ giảng viên không đủ năng lực, trình độ. Lấy cử nhân để đào tạo cử nhân là bất hợp lý.

Thêm vào nữa. Sự bè phái, vây cánh đẻ ra vấn đề là những người kém năng lực được sử dụng trong khi những nhân tài thật sự lại không có đất dụng võ. Việc này cũng là nguyên nhân thầy không ra thầy, trò không ra trò. Tôi đã từng biết những sinh viên tốt nghiệp đạt bằng cấp thành tích cao mà thực tế lại chứng tỏ họ dốt đến thậm tệ. Do vậy, chúng ta có nhiều Bác Sỹ điều trị sai gây tử vong cho bệnh nhân là vậy.

Công việc giáo dục, đào tạo kém chất lượng cộng với sự suy thoái về đạo đức chính là nguyên nhân của những công trình kém chất lượng tràn lan ở Việt Nam. Chẳng hạn như bạn có tiền và mua một căn nhà chung cư chẳng hạn, bạn có thể choáng ngợp với phần nội thất ở bên trong nên sẵn sàng trả giá cao để có căn hộ mà mình thích. Nhưng sau một thời gian, nội thất của căn hộ bỗng dưng xuống cấp, mục nát bởi vì nước thấm từ căn hộ bên trên. Công việc chống thấm đã không được coi trọng do nhu cầu giảm bớt chi phí thi công. Thật là dở khóc, dở cười. Thỏa thuận với chủ nhân căn hộ bên trên để sửa chửa chống thấm quả là công việc chẳng dể dàng chút nào. Tại sao lại có những việc xảy ra như vậy, bởi vì sự giám sát chất lượng thi công đã bị dể dàng mua chuộc để làm ngơ, cho qua. Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.

Muốn có một xã hội phát triển bền vững, trước hết, phải có một chế độ thượng tôn pháp luật. Ngay cả những người có địa vị lãnh đạo cao cũng phải bị sự kiểm soát của luật pháp và muốn làm được điều này phải thực hiện tam quyền phân lập. Người thực thi pháp luật phải có đủ quyền lực không bị chi phối bởi kẻ có quyền lực cao hơn thì mới có một nền công lý liêm chính được. Không một đảng lãnh đạo nào có quyền chỉ đạo cả nền tư pháp, vì làm như thế có nghĩa là đảng đó đứng trên cả pháp luật và thao túng đất nước, đó là nguyên nhân của tham nhũng tràn lan không cách nào chửa trị.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.