CHƯƠNG BỐN: BIỆT ĐỘI SIÊU HÌNH
Trải qua gần ba năm tập luyện, khả năng thâm nhập của tôi càng ngày càng tiến bộ và tôi cũng đã làm được rất nhiều chuyện có ý nghĩa. Có lúc tôi tìm được những đứa trẻ thất lạc để trả về cho cha, mẹ chúng. Có lúc tôi giúp cho những người bệnh tâm thần phục hồi được ký ức và trở lại đời sống bình thường. Có lúc tôi nâng đỡ được tinh thần của những kẻ bị suy sụp do thất tình, do thất bại trong kinh doanh hoặc do mất tài sản vì máu bài bạc. Cũng có những lúc tôi gặp nguy hiểm khi phải giao đấu trong mơ với những kẻ bản lãnh, hoặc xém bị thiêu đốt bởi một kẻ thích phóng hỏa đốt nhà. Vô vàn những tình huống mà tôi phải đối phó. May mắn là tôi đã vượt qua mặc dù có lúc cũng bị thương phải nhờ Hà Mi chăm sóc. Càng trải qua nhiều thử thách thì năng lực tôi càng được nâng cao và kinh nghiệm càng dày dạn hơn.
Sư phụ và thầy Minh Tịnh muốn tập họp nhiều người có năng lực thành một đội quân mà chúng tôi gọi là biệt đội siêu hình để chống lại kẻ thù. Chúng tôi đã phát hiện ra kẻ thù đã tạo ra một thứ vũ khí vô cùng hiểm độc đó là lực lượng robot tàng hình. Chúng là một lực lượng hoàn toàn nhân tạo được tạo ra theo cách thức giống như những nhân vật 3D trong các trò chơi game. Những nhân vật này là bản chụp sao chép từ những người thật có bản lãnh, sau đó ghép vào các phần mềm và cài đặt những thuộc tính và khả năng chiến đấu cần thiết. Sau khi đã kiểm tra khả năng tác chiến thì chúng được các máy phát có nguồn năng lượng cực lớn phát sóng vào không gian ở những tần số tương tự tâm linh của con người và nhiệm vụ của chúng là tìm kiếm và tiêu diệt những người như chúng tôi. Những robot này thật sự là những sát thủ lạnh lùng, tàn nhẫn, cách duy nhất để trị bọn chúng là phá hủy nguồn phát nhưng kẻ thù nham hiểm đã vô cùng xảo quyệt che dấu những cơ sở này ở những nơi vô cùng bí mật. Ngay trong hiện tại, thầy Minh Tịnh dặn dò tôi tìm cho ra một người, đó là Hi Doãn một công thần của Tây Sơn mà số kiếp cũng bi đát giống như chúng tôi khi nhà Nguyễn được khôi phục. Có lẽ nên nhắc lại lịch sử một chút để mọi người nhớ lại nhân vật này.
NGÔ THỜI NHIỆM
(Trích nguồn Wikipedia)
Thuở nhỏ khi học lịch sử, tôi thường lẫn lộn tên Ngô Thời Nhiệm với tên của tổng thống Ngô Đình Diệm vì hai cái tên có âm tiết giống na ná nhau. Tên của Ngô Thời Nhiệm được đặt cho tên con đường gần nhà nên tôi rất quen thuộc.
Theo sách sử ghi chép lại thì tên thật sự đúng của ông là Ngô Thì Nhậm nhưng vì thời vua Tự Đức (1848-1883), nhà vua có họ và tên thật là Nguyễn Phúc Thì, lại có tên “cúng cơm” khác là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, cho nên tên Ngô Thì Nhậm bị xem là phạm huý tên của hoàng đế. Triều đình Nguyễn buộc dân chúng phải đọc và gọi tên ông khác đi là Ngô Thời Nhiệm.
Ngô Thì Nhậm tự là Hi Doãn, sinh ngày 11-9 năm Bính Dần ( Theo âm lịch) tại làng Tả Thanh Oai, Hà Tây (nay thuộc huyện Thanh Trì – Hà Nội). Ông là con trai của Hoàng Giáp Ngô Thì Sĩ là một cựu thần của thời vua Lê, chúa Trịnh. Ông thi đỗ giải nguyên năm 1768, rồi tiến sĩ năm 1775. Sau khi đỗ đạt làm quan dưới triều Lê – Trịnh, được chúa Trịnh Sâm rất trân trọng. Vụ án năm Canh Tý (1780) nổ ra, ông không can dự gì nhưng cũng phải bỏ trốn về Thái Bình lánh nạn. Khi biết Nguyễn Huệ nổi dậy khởi nghĩa, đánh đâu được đấy, đi đến đâu cũng cứu giúp dân nghèo, Ngô Thì Nhậm vì chán ghét triều Lê- Trịnh quá mục ruỗng nên đã có ý muốn theo phò Nguyễn Huệ. Năm 1787, khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, ông đã thực hiện được mong muốn này. Nguyễn Huệ phong ông làm Tả thị lang Bộ Lại.
Cuối năm Mậu Thân (1788), vua Lê Chiêu Thống cầu viện, 29 vạn quân Thanh kéo sang Đại Việt , với chiêu bài diệt Tây Sơn dựng lại nhà Lê. Ngô Thì Nhậm đã có kế lui binh về giữ phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn (Ninh Bình) góp phần làm nên chiến thắng của nhà Tây Sơn .
Năm 1790 , vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm giữ chức Binh bộ thượng thư . Tuy làm ở bộ Binh, nhưng Thì Nhậm chính là người chủ trì về các chính sách và giao dịch ngoại giao với Trung Hoa. Ông là người đứng đầu một trong những sứ bộ ngoại giao sang Trung Hoa .
Không chỉ là một danh sĩ, thành viên của Ngô gia văn phái mà Ngô Thì Nhậm còn là người văn võ song toàn, giỏi về chính trị, ngoại giao, quân sự. Tài ngoại giao của ông đã góp phần quyết định, ngăn chặn ý đồ gây chiến phục thù của nhà Thanh sau trận Đống Đa 1789.
Sau khi Quang Trung mất, ông không còn được tin dùng, quay về nghiên cứu Phật học.
Khi Nguyễn Ánh tiêu diệt nhà Tây Sơn, tiến hành cuộc trả thù man rợ. Nhiều võ tướng triều Tây Sơn như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân … bị hành hình. Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích Nguyễn Thế Lịch và một số viên quan triều Tây Sơn thì bị đánh bằng roi tại Văn Miếu năm 1803. Ngô Thì Nhậm sau trận đánh đòn, về nhà thì chết.
Tương truyền Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường có quen biết với nhau. Lúc Ngô Thì Nhậm được vua Quang Trung trọng dụng thì Đặng Trần Thường đến xin Nhậm tiến cử. Khi trông thấy vẻ khúm núm làm mất phong độ của kẻ sĩ, Nhậm lên lớp thét bảo Thường:
– Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn, ra cúi thì đi nơi khác.
Đặng Trần Thường hổ thẹn ra về, rồi vào Nam theo phò Nguyễn Phúc Ánh.
Sau khi nhà Tây Sơn mất, các võ tướng và một số quan văn bị giải về Hà Nội để bị xử phạt đánh bằng roi ở Văn Miếu, trong số đó có Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm. Chủ trì cuộc phạt đánh đòn đó lại là Đặng Trần Thường.
Vốn có thù riêng, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế câu đối cho Ngô Thì Nhậm:
Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Ngô Thì Nhậm khảng khái đáp:
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Vế đối lại có năm chữ thế, nói lên được hoàn cảnh và khí phách của người anh hùng để trả lời câu đối có năm chữ ai. Hai câu đối nhau chan chát. Quả là lời lẽ và từ ngữ của bậc quốc sĩ hào khí ngất trời.
Đặng Trần Thường bắt ông phải sửa lại như câu nói ” thế đành theo thế “. Ngô Thì Nhậm không nói lại. Thường tức giận sai người dùng roi tẩm thuốc độc đánh ông.
Sau trận đòn về nhà, Phan Huy Ích không bị đánh bằng thuốc độc nên còn sống. Còn Ngô Thì Nhậm bị thuốc độc ngấm vào tạng phủ, biết mình không qua khỏi, trước khi qua đời ông có làm bài thơ gửi tặng Đặng Trần Thường như sau:
Ai tai Đặng Trần Thường
Chân như yến xử đường
Vị Ương cung cố sự
Diệc nhĩ thị thu trường
Tạm dịch:
Thương thay Đặng Trần Thường
Tổ yến nhà xử đường
Vị Ương cung chuyện cũ
Tránh sao kiếp tai ương?
Quả nhiên sau này bài thơ ứng nghiệm, Thường bị Gia Long xử tử.
ĐI TÌM HI DOÃN
Nhà sư Minh Tịnh tiên đoán Hi Doãn đã đầu thai chuyển kiếp nhưng lại ở một xứ sở khác đó là nước Miến Điện và người giao cho tôi việc phải tìm cho ra kiếp sau của Ngô Thời Nhiệm vì nhân vật này rất quan trọng. Quả là công việc mò kim dưới đáy biển. Nhưng chúng tôi tin vào thuyết định mệnh và nhân duyên nên cho rằng tôi sẽ tìm được. Tôi đã quyết định du lịch tới xứ sở của Phật giáo một chuyến và tôi đã đặt mua vé máy bay chuẩn bị lên đường. Tôi đã liên lạc với Nhật Hạ một người bạn học cũ hiện đang sống ở Yangon thủ đô cũ của Miến Điện và nhờ cô giúp đỡ, cô ấy đã đồng ý đến đón tôi khi nào máy bay hạ cánh.
Tôi đã rời máy bay và vào Terminal 1 của sân bay Yangon vào lúc ban trưa, Nhật Hạ đã đón tôi với tấm bản đề chữ Nguyên Hãn và tôi đã rất xúc động và mừng rỡ khi gặp được cô ấy. Tuy không còn trẻ trung nhưng Nhật Hạ vẫn còn nguyên vẻ thùy mỵ, dịu dàng thuở nào, cô ăn vận y hệt người Miến bản địa, áo sơ-mi tay lửng và quấn váy có hoa văn. Cô ấy đã ôm chầm lấy tôi y hệt như lúc chúng tôi còn đi học và tôi đã hôn lên trán của Hạ để tỏ lòng thương mến cô ấy. Nhật Hạ đã có gia đình và hai đứa con, nhưng chẳng may chồng cô đã ra đi sau một vụ tai nạn xe cộ. Bây giờ cô ấy một thân, một mình nuôi hai con ăn học. Rất may là Nhật Hạ rất giỏi giang và thừa hưởng công việc kinh doanh phát đạt do người chồng để lại.
– Nguyên Hãn, đi theo em.
Cô ấy nắm lấy tay tôi một cách tự nhiên như người thân trong gia đình, chúng tôi xếp hành lý vào chiếc taxi đang chờ sẵn. Buổi trưa Yangon thật nóng bức, cũng may là trên xe có máy điều hòa nhiệt độ.
– Nguyên Hãn à, Hà Mi có khỏe không? Anh không có ý định cưới chị ấy sao?
– Hà Mi vẫn khỏe em à. Anh cũng chưa biết nữa. Anh rất thương Hà Mi, nhưng bọn anh chỉ thích sống gần bên nhau mà chưa hề nghĩ tới việc đám cưới. Không biết có phải vì hai người đã thoát tục hay không nữa?
Suy nghĩ một lát rồi Nhật Hạ gật đầu và nói:
– Em cũng vậy. Từ ngày chồng em mất đi, lúc đầu em cảm thấy rất hụt hẫng. Nhưng từ ngày em theo các thiền sư tu tập thì trong lòng hết phiền muộn và chẳng hề nghĩ tới việc đi bước nữa hay không. À này, ngày mai em sẽ đưa anh đi thăm chùa vàng Shwedagon Paya và gặp thiền sư Sahasi Myadaw để nghe ngài thuyết giảng.
– Hay quá Hạ, em quá chu đáo, anh không biết lấy gì để đền đáp cho em đây?
– Anh đừng quá khách sáo. Chúng ta chẳng phải là những người bạn thân của nhau sao? Những lần em về Việt Nam, chẳng phải anh và chị Hà Mi đã từng chăm sóc cho em sao?
Tôi mỉm cười hạnh phúc và cảm nhận sự trìu mến với một người bạn vô cùng khả ái, hiền diệu. taxi đưa chúng tôi đi vòng quanh đường ngoại ô tấp nập và đông đúc đến tắt nghẽn.
Nhà của Nhật Hạ nằm ở ngoại thành nhưng cũng không xa trung tâm Yangon là bao nhiêu. Hạ dành hẳn cho tôi một phòng ngủ riêng có máy lạnh và các tiện nghi khác. Nhìn cách thức tổ chức và bài trí trong nhà trật tự, ngăn nắp và đẹp đẽ. Đủ thấy mức độ thành công trong công việc của cô ấy như thế nào.
Buổi chiều tối Nhật Hạ dẫn tôi cùng hai đứa con ngoan ngoãn của cô ấy tới ăn tại nhà hàng Shan Yoe Yar của Yangon, quả là một bửa tối tuyệt vời, nhiều món ăn có hương vị gần giống với các món ăn của Việt Nam. Có cả các món ăn chay rất ngon và lạ. Nhật Hạ và con của cô ấy đã cho tôi cảm giác thân thiết y hệt người cùng một nhà. Con nhà Phật có khác.
Tối hôm đó tôi đã có một giấc ngủ ngon lành, sáng hôm sau chẳng nhớ mình mơ thấy gì nữa.
GẶP GỞ
Sau buổi nghe thiền sư Sahasi Myadaw đọc kinh và thuyết giảng với sự thông dịch của Nhật Hạ, tôi bỗng bị cuốn hút bởi cuộc sống đầy ý nghĩa Phật giáo ở Yangon và cầu xin ngài sắp xếp cho tôi tham dự khóa thiền một tuần do ngài chủ trì. Ngài đã đồng ý và Nhật Hạ đã giúp tôi đem hành lý đến ở lại thiền viện Dhamma Joti phía sau lưng chùa Shwedagon.
Chùa Shwedagon, được xem như một trong những kỳ quan cổ đại của thế giới. Theo truyền thuyết, ngồi đền được xây dựng cách đây 2500 năm, và được cất giữ các di tích tóc của Đức Phật. Nằm trên đồi Singuttara ngôi đền có chiều cao 98 mét . Từ đây có thể nhìn thấy cả thành phố Yangon phủ đầy cây xanh bóng mát và rất nhiều ngọn tháp, đền đài.
Buổi sáng ban mai khi mặt trời chưa lên, Tháp Shwedagon hiện ánh sáng bàng bạc dịu dàng cùng không khí trong lành, mát mẻ, nhiều yogi tới tọa thiền chung quanh khuông viên tháp không một ai đến quấy rầy. Tôi cũng tới đây buổi sáng để luyện tập thiền định và nhân dịp chiêm ngưỡng mặt trời mọc, ánh mặt trời phản chiếu trên nóc ngọn tháp chuyển dần từ hồng sang màu vàng cam vô cùng tuyệt đẹp. Thi thoảng tiếng chuông rung cùng với hương thơm hoa sứ hòa quyện vào không khí ban mai tạo cảm giác thật dể chịu, nhẹ nhàng, êm ái.
Đến ngày thứ ba, sau buổi nghe thuyết giảng và tọa thiền mang lại sự phấn chấn, tỉnh táo, tôi quyết định ở lại láng trại một mình vào buổi tối để ôn luyện công phu. Lúc này hầu hết các môn sinh đều trở về phòng của mình. Ngoài vườn tập không có ai cả. Vì đã được rèn luyện nên sương lạnh ban đêm đối với tôi không là gì. Vào lúc nửa đêm, khi tôi đang trong tư thế ngồi bất động thì bỗng xuất hiện một nhà sư áo đỏ ôm bát đi về phía láng trại. Đến gần thì nhà sư bỗng bay lên không trung giữa trời đêm đầy sao. Tâm linh tôi lập tức bay theo xem sao và hai người chúng tôi bay mãi vượt qua các ngọn cây, các ngọn tháp, các làng mạc để ra tới biển. Có cái gì đó không bình thường ở đây, hàng đàn hải âu bay xao xác bay đen kịt bầu trời rồi lại tập trung bay ngược ra biển, nơi phía chân trời hiện lên một vạch sáng đỏ, mây đen vần vũ như báo trước một điều không lành. Mặt biển sủi bọt và bốc lên mùi hôi nồng nặc khó tả. Bỗng nhiên, một đợt sóng kinh hoàng áo tới bất ngờ, hất tung cả tôi và nhà sư lên cao và cuốn lấy chúng tôi vào trong làn nước khổng lồ. Trong lúc đang chới với thì bỗng nhiên tôi hoàn hồn tỉnh lại. thì ra đó là một giấc mơ. Tôi vội vả rời láng trại và trở về nhà nghỉ của thiền viện.
Linh cảm báo cho tôi biết có việc chẳng lành, dường như giấc mơ đó nhà sư phái khất thực kia muốn báo cho tôi biết về một tai họa sóng thần sắp xảy ra. Đất nước Miến Điện từng chứng kiến những trận động đất và những cơn sóng thần ập vào gây biết bao nhiêu thảm họa. Nhưng chỉ là giấc mơ thì lấy gì làm chứng và nói ai tin đây? Sau một hồi đắn đo, do dự, tôi quyết định gọi một chiếc taxi và nói anh ta đưa tôi tới bãi biển gần nhất càng nhanh càng tốt. Tôi dùng tiếng Anh để nói chuyện với người tài xế và may mắn thay anh ta biết nói chuyện bằng ngôn ngữ Anh một cách lưu loát. Tôi quyết định đi ra biển kiểm chứng giấc mơ đó vì nghĩ rằng dù đúng, dù sai tôi cũng sẽ không phải ân hận nếu như sự việc xảy ra thật.
Trên đường đi, người tài xế hỏi tôi tại sao lại ra bãi biển vào ban đêm, mà lại đi gấp như vậy. Tôi phải nói thực là tôi nghi ngờ sắp có thiên tai ập tới. Lúc đầu anh ta cho rằng thật không bình thường nếu chỉ vì một giấc mơ mà tôi lại tỏ ra lo lắng như vậy. Nhưng sau khi nhìn kỹ vẻ mặt của tôi với tất cả sự nghiêm túc thì anh cũng tạm thời chấp nhận. Sự tin tưởng vào tâm linh là bản chất nằm trong máu thịt của người dân Miến Điện, cho nên tôi đã dể dàng thuyết phục anh ấy. Xe chạy quanh co đồi núi, đèo dốc suốt mấy tiếng đồng hồ khiến tôi cảm thấy rất là sốt ruột.
Cuối cùng chúng tôi đã tới bãi biển Ngwe, ngay từ xa chúng tôi đã nhìn thấy một đường chân trời màu đỏ xuất hiện một cách khác thường. Đến khi đặt chân xuống bãi cát, chúng tôi thấy từ dưới mặt biển phát ra những âm thanh rít lên một cách khác thường cùng với mùi hôi vô cùng nồng nặc. Mây đen vần vũ khắp bầu trời và hằng hà sa số chim hải âu nháo nhác kéo nhau bay ngược ra biển. Những gì đang diễn ra y hệt như tôi đã mơ thấy. Không còn nghi ngờ gì nữa. Đó là những dấu hiệu báo sắp có sóng thần ập đến. Tôi nói với người tài xế là chúng tôi phải nhanh chóng liên lạc với một cơ quan chính quyền hay cảnh sát của địa phương để có phương án báo động cho mọi người dân kịp thời di tản. Thật sự là thảm họa chết người nếu như sóng thần ập tới trước khi trời sáng, khi mọi người còn say sưa trong giấc ngủ.
Hiểu được hiểm họa sóng thần là có thật, anh tài xế taxi nắm tay tôi kéo chạy lên bờ kè rồi vội vàng chạy tới đập cửa một khách sạn gần đó. Tiếng đập cửa thình thịch làm những người có mặt lúc đó bị đánh thức dậy. Khi người trực đêm trong khách sạn chạy ra mở cửa, chúng tôi vội chỉ cho anh ta nhìn thấy vệt sáng đỏ ở đường chân trời và la to về sóng thần sắp tới. Anh ta lập tức hiểu ra và vội vã dùng telephone báo ngay lập tức cho đội cứu hộ biển, cảnh sát và cho ngài tỉnh trưởng trong vùng lập tức biết.
Khoảng năm, mười phút sau. Tiếng còi hú báo động vang inh ỏi cả một vùng biển rộng lớn. Trực thăng cứu hộ phát tiếng loa có âm thanh cực lớn ra lệnh di tản lên đồi cao vang động khắp nơi trong vùng. Mọi người được đánh thức và hiểu ra hiểm họa sắp ập xuống đều cuống cuồng dùng mọi phương tiện có được để di chuyển. Các chuyến xe tải và xe bus được chính quyền huy động để di dời dân chúng. Người lớn, trẻ em bồng bế, dắt dìu nhau nhanh chóng rời bỏ nhà cửa, bỏ lại sau lưng tất cả đồ đạc, của cải để cứu lấy sinh mạng trước đã. Cảnh sát được huy động để điều khiển giao thông tránh tắc nghẽn khi mọi người đang hỗn loạn.
Trong lúc mọi người cùng di tản. Bỗng thấy các loài gia súc và cả những loài thú khác cũng bỏ chạy tán loạn về phía đồi cao. Khi hầu như mọi người đã di tản lên điểm cao an toàn thì khoảng vài giờ sau, Mặt đất bắt đầu rung chuyển lên dữ dội và lắc lư dữ dội, mọi người đều phải ngồi xuống vì cảm thấy không thể đứng vững. Bỗng nhiều người chỉ tay về phía bờ biển, nhiều cột khói hiện lên và nhà cửa bắt đầu sụp đổ. Một chị la lớn, chỉ tay về phía một căn nhà hai tầng đang sập rồi ngồi xuống khóc la thảm thiết. Tôi chợt hiểu ra là căn nhà yêu quý của chị bỗng trong phút chốc bị tan tành mây khói. Đột nhiên mọi người gần như tất cả cùng la ré lên, một ngọn sóng cao ngất phủ cả các ngọn cây, các ngôi nhà nhiều tầng tràn rất nhanh lên tận các đường phố với tốc độ khủng khiếp. Làn sóng bao trùm cả một vùng làng mạc khổng lồ mà đứng trên đồi cao ai cũng trông thấy, nó cuốn phăng tất cả mọi thứ ở nơi mà nó đi qua, nhà cửa, xe hơi, cột đèn, cây cối. Cảnh tượng trông thật đáng sợ, mọi người đều há hốc mồm ra kinh ngạc trước sự tàn phá của cơn sóng. Những đợt sóng khổng lồ thi nhau hết lớp này đến lớp khác ập vào rồi kéo ra ngoài khơi mọi thứ trên đường tàn phá của chúng, có thể thấy rằng không có sức tàn phá nào do con người gây ra có thể so sánh được.
Suốt mấy tiếng đồng hồ hoành hành, những đợt sóng dữ dần dần lắng xuống và cuối cùng trả lại sự yên lặng thật là đáng sợ. Toàn bộ thị trấn và một vùng những làng mạc ven biển bị tàn phá nặng nề. Đường xá ngổn ngang gạch vụn, cây cối đổ ngã, các xác xe hơi xe tải bị lật đổ, chổng gộng, có chiếc còn nằm trên cả cành cây, mái nhà. Các cột điện bị sập đổ, cả mạng lưới điện bị hư hại không thể hoạt động trong cả một vùng rộng lớn. Giao thông hoàn toàn bị tê liệt. Trực thăng cứu hộ bay vần vũ trên bầu trời để tìm kiếm nạn nhân và phát thông báo của chính phủ. Mọi người được yêu cầu phải ở lại trên đồi cao, để chính phủ và các tổ chức cứu trợ có thể dể dàng phân phát thức ăn, nước uống và đồ dùng và lập lều trại tạm thời trong vài tuần lễ. Chờ đợi các tổ chức, các cơ quan có trách nhiệm dọn dẹp lại một bãi chiến trường khổng lồ do thảm họa để lại. Tôi đã hoàn toàn bị kẹt trong đám đông dân chúng, nhưng tôi tự nguyện tham gia giúp đỡ công tác cứu trợ. Trong lúc này đây, tinh thần thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của người dân Miến Điện thể hiện rất rỏ hơn bao giờ hết.
Vài ngày sau thì tôi nghe tiếng loa thông báo tìm người đã đầu tiên phát hiện và cảnh báo về sóng thần. Tin tức rất đáng mừng là tuy thảm họa cướp mất đi hàng tỷ Kyat tiền Myanma nhưng chỉ có hai nhân mạng bị mất tích là một cụ già và một em bé vì quá yếu đuối và không có phương tiện di chuyển, thật là tội nghiệp.
Khi trông thấy người tài xế taxi hôm trước đi cùng vài người mang máy chụp ảnh như đang quanh quẩn tìm kiếm, tôi vội lánh đi nơi khác. Bởi vì nếu tôi bị cánh truyền thông biết mặt thì hoạt động âm thầm của chúng tôi hiện nay sẽ có nguy cơ bị phát hiện. Tôi âm thầm rút khỏi nơi tập trung và lặng lẻ đi bộ hàng chục cây số hướng về thành phố Yangon mãi cho đến khi gặp được nơi không bị sóng thần vươn tới, đường phố vẫn sinh hoạt tấp nập bình thường. Tôi vẫy tay gọi một chiếc taxi còn trống chỗ và yêu cầu người tài xế chở tôi về thiền viện Dhamma Joti, thái độ bình thường như không có chuyện gì xảy ra.
Hôm sau, Thiền sư Sahasi Myadaw hỏi tôi về những ngày vắng mặt. tôi đã tình thiệt kể với ngài rằng tôi bị kẹt lại trên đồi tị nạn sóng thần vì tôi đã ra bãi biển. Nhưng tôi không nói cho ngài biết lý do nào tôi đã ra đó. Tôi chắc là ngài đã nghĩ mục đích ra biển của tôi cũng giống như các du khách nước ngoài khác nên ngài đã không hỏi gì thêm. Báo chí và truyền hình, phát thanh đã tường thuật lại mấy hôm nay về thảm họa sóng thần, ai cũng biết đây là một thảm họa quốc gia mà mỗi người dân Miến Điện đều cần phải ra tay cứu trợ.
Ngày cuối cùng của khóa học, khi một mình ngồi thiền ngoài láng trại tôi bỗng trông thấy một người giống nhà sư hôm trước cũng đang ngồi thiền ở một láng trại gần đó. Đúng là người mà tôi đã mơ thấy. Tôi vội vã đứng lên và đi về phía nhà sư, người vẫn tập trung tinh thần, đôi mắt như nhìn về nơi xa xăm nào đó. Tôi yên lặng chờ đợi.
– Hình như chúng ta đã gặp nhau ở đâu thì phải? Sau khi thiền xong, nhà sư trông thấy tôi và hỏi như vậy, thì ra ông ấy nói rành rẽ tiếng Việt
– Thưa thầy, thầy còn nhớ sao? Tôi hỏi lại
– Tôi nhớ rỏ ràng là tôi biết anh, nhưng tôi không biết là mình đã gặp nhau khi nào?
– Có phải là trong mơ hay không?
– Trong mơ? Có thể nào như vậy?
Tôi chợt biết rằng tôi đã thâm nhập vào giấc mơ của nhà sư trong khi ông ấy lại có một giấc mơ dự báo sự thật. Quả là một điều kỳ diệu.
– Vài hôm trước tôi đã mơ thấy thảm họa sóng thần và nó đã xảy ra thật. Tôi vẫn hay có những giấc mơ như vậy. Nhưng tôi vẫn không biết khi nào là điềm báo trước. Giá như mà tôi đã tin vào đó thì chắc thảm họa đó sẽ có được phản ứng thích hợp, tôi cảm thấy buồn lắm. Nhà sư tâm sự với tôi như vậy.
Tôi chợt nghĩ ông ấy là một báu vật mà chưa từng được phát hiện bấy lâu nay. Nếu nhà sư không mơ thấy thảm họa thì tôi cũng đã không biết gì và cũng đã không có những hành động kịp thời. Từ hôm đó chúng tôi đã kết giao với nhau như những bằng hữu thân thiết nhất.
Ít lâu sau, khi tôi kể lại cho thầy Minh Tịnh nghe thì thầy biết ngay rằng tôi đã gặp đúng ngay người mình muốn tìm. Ngô Thời Nhiệm tức Hi Doãn đã được tìm thấy, quả là “ Hữu Duyên Thiên Lý Năng Tương Ngộ”