Người Đi Trong Mơ (Tiếp theo 5)

CẶP BÀI TRÙNG

Nhà sư Joe Thong chính là kiếp sau của Hi Doãn, ngài sinh ra ở Miến Điện nhưng cha mẹ đều là người gốc Việt cho nên ngài nói thông thạo tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên vì sinh ra và lớn lên tại Miến Điện nên ngài đã tự xem mình là người Miến chính thống. Ngay cả việc tu hành của ngài cũng nương theo phong tục của nơi ngài được sinh ra. Từ lúc 6 tuổi ngài đã làm lễ xuống tóc, đổi áo và dự một khóa tu khoảng một tháng để học các giới luật, nghe thuyết pháp và tu thiền giống như những đứa trẻ Miến Điện khác. Từ đó ngài dần dần giác ngộ và chính thức xuống tóc gia nhập vào trường phái khất thực sau khi đã học xong bậc trung học. Ngài biết rằng nguồn gốc của ngài là Việt Nam nhưng ngài chỉ về thăm quê hương vài lần theo cha, mẹ khi ngài còn là học sinh. Còn lại ngài chỉ tập trung vào công việc của một nhà sư là chăm lo đời sống Phật pháp và tâm linh cho dân chúng chung quanh ngài.

Tôi đã thuyết phục nhà sư Joe Thong tin vào tiền kiếp của ông ấy. Và để chứng minh, chúng tôi đã phải đưa Hi Doãn trở về nhìn thấy kiếp trước của ông tại thượng tầng thứ Bảy. Sau khi đã hoàn toàn bị thuyết phục, Hi Doãn đã đồng ý trải qua các khóa luyện tập để khai phá và mở rộng tiềm năng của chính mình và công năng đặc dị của Hi Doãn chính là tập trung năng lượng để cảm nhận được những gì sắp xảy ra. Nghĩa là phát huy giác quan thứ sáu của ông ấy ở mức cao độ nhất. Việc này quả là một việc quá phi thường, tuy nhiên cũng không có gì là phi lý vì sự thật trước khi một sự việc nào đó sắp xảy ra luôn luôn có những tín hiệu báo trước và người có giác quan thứ sáu là người có khả năng cảm nhận các tín hiệu đó và sau đó phán đoán ra. Điều phi thường của Hi Doãn chính là khả năng phán đoán của ông ấy cao đến mức độ là ông nhìn thấy sự việc đang diễn ra ở những hình ảnh sống động y như thật. Một khi đã phán đoán được việc sắp xảy ra, việc ứng phó với nó sẽ trở nên hợp lý hơn và hiệu quả hơn. Tôi lại có khả năng thâm nhập vào trí tưởng tượng của Hi Doãn, vì thế mà chúng tôi sau này đã trở thành cặp bài trùng cùng nhau phối hợp rất là ăn ý. Sau thời gian rèn luyện dưới sự dẫn dắt của sư phụ và thầy Minh Tịnh, Hi Doãn đã đạt được công năng cần thiết.

Bước kế tiếp là chúng tôi luyện tập phối hợp với nhau vì theo thầy Minh Tịnh, ngay từ đầu gặp nhau trong giấc mơ về đại nạn sóng thần, vô hình chung mà chúng tôi đã có một sự cộng tác với nhau thật tuyệt vời. Vì thế cần tiếp tục phát triển năng lực của chúng tôi theo chiều hướng như vậy.

PHÒNG TUYẾN TAM ĐIỆP

TamDiep

Để hiểu thêm về bối cảnh của câu chuyện, tôi xin ôn lại một ít về lịch sử.

Phòng tuyến Tam Điệp là một quần thể các di tích lịch sử ghi dấu cuộc chiến tranh giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân Thanh. Quần thể di tích này thuộc khu vực dãy núi Tam Điệp (Ninh Bình), là ranh giới tự nhiên hiểm yếu ngăn cách hai miền Trung – Bắc. Năm 1788, 29 vạn quân Thanh kéo sang Việt Nam, với lý do diệt Tây Sơn dựng lại nhà Hậu Lê. Ngô Thời Nhiệm (Tự Hi Doãn) dùng kế chọn đèo Tam Điệp làm căn cứ quân sự ngăn cản quân Thanh. Theo đó, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Ninh Tốn rút quân từ Thăng Long về Tam Điệp. Đây là một nơi có vị trí khá hiểm trở, núi non hùng vĩ như bức tường thành án ngữ giữa hai miền. Đồi núi thung lũng liên hoàn tạo thành khối vững chắc án ngữ Bắc-Nam, giúp Nguyễn Huệ công thủ, tiến thoái cất lương, giấu quân để mùa xuân kỷ dậu (1789) tiến ra kinh thành Thăng Long quét sạch 20 vạn quân Thanh viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Chính Nguyễn Huệ đã từng nói với các tướng ở Tam Điệp, trước khi tiến đánh quân Thanh: “…Thăng Long lại là nơi bị đánh cả bốn mặt, không có sông núi để nương tựa. Năm trước ta ra đánh đất ấy, chúa Trịnh quả nhiên không thể chống nổi, đó là chứng cớ rõ ràng…” Trong thời gian đóng quân và xây dựng căn cứ 140 ngày, Quân Tây Sơn ở Tam Điệp đã được nhân dân phủ Trường Yên ủng hộ. Nhiều tướng lĩnh Tây Sơn là người địa phương như: Đinh Huy Đạo, Ninh Tốn, Trịnh Phúc Dư…

Ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thân (15/1/1789), vua Quang Trung đã hội đại binh ở đây và dõng dạc tuyên bố: “Nay ta tới đây, tự đốc việc quân, đánh hay giữ đã có kế cả rồi. Chỉ trong mười ngày, thế nào cũng quét sạch quân nhà Thanh”. Ngày 30 tháng Chạp (25/1/1789), vua Quang Trung mở tiệc khao quân ở đèo Tam Điệp và tuyên bố trước ba quân: “Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên đán trước ở Tam Điệp, đợi đến ngày 7 tháng Giêng vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn…”

(Trích theo Wikipedia)

TUY HAI MÀ MỘT

Điều kỳ lạ là bài tập phối hợp đầu tiên của tôi và Hi Doãn lại không phải là một phán đoán về tương lai mà ngược lại. Đó lại là một lần trở về với quá khứ. Tôi và Hi Doãn ngồi thiền ở vị trí đối diện nhau. Hi Doãn tập trung tinh thần về đề tài chiến tranh, còn tôi vận công để quan sát tư tưởng của anh ấy. Bây giờ chúng tôi đã xem nhau như là hai anh em.

Vào lúc trời ngã xế chiều, tôi bỗng thấy Hi Doãn leo lên lưng một con tuấn mã và nhập vào một đoàn người ngựa phi thật nhanh trên triền dốc núi. Tôi không có ngựa nên đành bay theo họ phía trên cao. Đoàn người ngựa vượt qua những con suối, và những đèo dốc quanh co một cách vội vã, không ai nói với ai lời nào. Tới lúc trời sụp tối, còn lại ánh trăng sáng vằng vặc trên bầu trời soi lối đi thì tới cánh rừng sát chân núi. Đoàn dừng lại dưới một tán cổ thụ cao lớn, hình như là một điểm hẹn. Một người dùng tay chắp lên miệng bắt chước tiếng chim cú mèo gọi ba lần. Chốc sau, có tiếng ếch nhái kêu đáp lại và rồi xuất hiện một người ăn vận kiểu võ tướng Tây Sơn cưỡi ngựa tiến dần về phía chúng tôi. Hi Doãn và người ấy đối đáp với nhau vài câu gì mà tôi nghe không rỏ, hình như họ trao đổi với nhau mật khẩu, xong rồi bỗng hai người ôm chầm lấy nhau mừng rỡ và nói chuyện với nhau thật rôm rả, phấn khích. Được một chốc thì người kia đưa tay vào miệng huýt sáo thật lớn. Bỗng đâu từ cánh rừng bên kia xuất hiện một đạo quân khổng lồ ồ ạt tiến tới, họ đã tập kết ở đó từ lúc nào không biết, kẻ cưỡi ngựa, người chạy bộ, lại có những người khiêng cán lẫn nhau, cứ ba người thì thay phiên nhau hai người cán một người.

Đoàn của chúng tôi trở thành những người dẫn đường. Thì ra đây là một cuộc hành quân từ đàng trong ra đàng ngoài. Một cuộc di chuyển khổng lồ và thần tốc. Mặt trăng sáng vằng vặt trở thành ánh sáng soi đường cho tất cả chiến binh lợi dụng ban đêm để hành quân một cách bí mật không để cho kẻ thù phát hiện. Tất cả các con ngựa đều được lấy vải bịt móng chân để không phát ra tiếng kêu lớn khi chúng di chuyển. Cả một đạo quân lên đến hàng vạn lại âm thầm di chuyển từ đêm tới trời gần sáng thì đến doanh trại Tam Điệp mà không bị ai phát hiện, quả thật là quá tài tình.

Khi bình minh ló dạng, ánh sáng màu vàng cam vươn lên sau rặng cây. Chợt xuất hiện một đoàn tượng binh chầm chậm đi tới, chỉ huy đoàn quân này là một nữ tướng đang phất cờ ra lệnh đàn voi tiến vào doanh trại. Đàn voi được tập kết vào khu vực dành riêng có rau quả và nước uống cho chúng, những người lính cưỡi voi thì về khu lều dành cho họ để nghỉ ngơi. Tôi thấy ngờ ngợ nên đi theo nữ chỉ huy kia xem sao. Bà ta đi vào lều chỉ huy của doanh trại, bên trong dường như có một cuộc hội họp đông đảo.

Tôi đi theo vào xem thì bỗng nghe giọng nói hùng hồn nhưng rất quen thuộc. Thầy Minh Tịnh nhưng không phải trong hình dáng của nhà sư mà đang khoác bộ áo giáp của một võ tướng, người chính là vị anh hùng Nguyễn Huệ. Tôi bước tới quỳ xuống bày tỏ sự cung kính với người anh hùng mà tôi kính trọng, nhưng lạ thay, ngài không một chút mảy may để ý tới tôi mà bước tới nắm tay người nữ chỉ huy kia, giơ lên cao và dõng dạc tuyên bố:

– Các chiến hữu, đây là nữ tướng Bùi Thị Xuân của chúng ta, người đã cất công đem đoàn tượng quân bất khả chiến bại đến đây. Quân Thanh chắc chắn sẽ bị một phen vỡ mật. Mọi người cùng reo hò vui mừng và vỗ tay hoan hô nhưng tôi lại vô cùng sững sờ. Sao lại thế nhỉ? Chính nhà sư Minh Tịnh cũng chính là linh hồn của hoàng đế Nguyễn Huệ đã cho tôi biết tiền kiếp của tôi là nữ tướng Bùi Thị Xuân thì sao bây giờ lại tách bạch ra hai con người khác nhau vậy. Tôi vô cùng hoang mang.

Bất giác tôi đến gần nữ tướng định hỏi vài câu để giải tỏa sự thắc mắc cùng cực của mình.

– Thưa nữ tướng, người có thể cho tôi hỏi vài câu được không ạ?

Lạ thay, bà cũng giống như hoàng đế Nguyễn Huệ, chẳng màng gì đến sự có mặt của tôi, và câu hỏi của tôi gì cả. Bà đi thẳng đến Nguyễn Huệ và xin người cho phép về láng trại để nghỉ ngơi. Tôi lật đật đi theo sau tính hỏi cho ra lẽ. Tôi bước nhanh đến bên cạnh bà và nói:

– Thưa bà…

Bà ấy vẫn không ngó lại và đi tiếp về phía láng trại. Tôi đột nhiên bạo gan giơ tay nắm lấy tay của người nữ anh hùng để cầu xin bà trả lời. Bất ngờ, tất cả hình ảnh trở nên nhạt nhòa rồi chuyển sang màu xám xịt, xong tất cả tan biến mất. Tôi giật mình thức tỉnh, trở về thực tại.

– Hi Doãn, sao tôi lại nhìn thấy nữ tướng Bùi Thị Xuân vậy? Vậy kiếp trước tôi là ai đây?

– Tôi cũng không rõ nữa, nhưng tôi có trông thấy anh đâu. Tôi chỉ trông thấy nữ tướng thôi. Hi Doãn trả lời

– Anh không trông thấy tôi cũng có mặt tại doanh trại cùng với anh, hoàng đế Nguyễn Huệ và nữ tướng Bùi Thị Xuân sao? Tôi hỏi.

– Không, tôi chỉ trông thấy Bùi Thị Xuân, tôi không thấy anh.

Tôi chợt hiểu ra một điều là những nhân vật đã xuất hiện trong tư tưởng của Hi Doãn chỉ là những hình ảnh mà Hi Doãn còn ghi nhớ được. Đó là sự nhớ lại những sự kiện xảy ra trong kiếp trước, nhân vật nữ tướng Bùi Thị Xuân, hoàng đế Nguyễn Huệ chỉ là những hình ảnh được lưu lại trong ký ức . Nghĩa là tôi đã nhìn thấy những thước phim của tiền kiếp còn lưu lại trong trí nhớ của Hi Doãn chứ tôi không giao tiếp với những linh hồn đó. Vì thế chỉ có tôi nhìn thấy hình ảnh của các nhân vật Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân thôi chứ họ là những hình ảnh được ghi lại thì làm sao giao tiếp với tôi được.

Nghĩa là, tôi đã xem thấy khúc phim chiếu lại hình ảnh kiếp trước của tôi chứ không phải tôi và nữ tướng là hai nhân vật khác nhau. Hèn gì bà ấy không thèm nhìn hay trả lời tôi một tiếng là phải. Nghĩ cũng hơi tức.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.