ĐỨA CON TIỀN KIẾP
Tôi về Bình Định để tìm kiếp sau của Xuân Nhi. Đầu tiên, tôi đến quán cơm từ thiện của Gấu Đen dò la xem có cậu con trai nào bị tâm thần nào đến quán này để ăn cơm từ thiện hay không? Tôi đã đến đây trong nhiều tuần lễ nhưng vẫn chưa thấy có ai khả dĩ là Xuân Nhi của tôi cả.
Tên gọi Gấu Đen không còn được ai nhắc đến nữa, thay vào đó mọi người gọi anh ta là Thiện Nhẫn là pháp danh do thầy trụ trì chùa Pháp Bảo ban cho. Ngoài việc làm chủ quán cơm, Thiện Nhẫn còn mở ra một lớp dạy võ thuật Tây Sơn, huấn luyện cho rất nhiều người nhất là cho phụ nữ, con gái biết võ thuật để phòng vệ bản thân. Sau lần được gặp lại người mẹ thân yêu dù là trong mơ, anh ta đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ của mình, một lòng hướng thiện và ra sức giúp đỡ những người có hoàn cảnh sống bi đát giống như anh đã từng trải qua. Nhìn thấy được như vậy, tôi cảm thấy tim mình dâng trào một niềm vui khôn tả xiết. Đó thật sự trở thành động lực mạnh mẽ giúp tôi bước tiếp con đường mà sư phụ và thầy Minh Tịnh đã vạch ra cho mình. Tôi càng lúc càng cảm nhận tình cảm gắn bó với vùng đất Tây Sơn như đã có sẵn trong máu thịt mình tự bao giờ và lòng quyết tâm tìm cho được Xuân Nhi trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nghe lời khuyên của thầy Minh Tịnh, tôi lại xin trú ngụ tại thiền viện Pháp Bảo là nơi thầy gửi gắm linh hồn bà mẹ của Gấu Đen tới quy y cửa Phật. Thiền viện này tọa lạc trên bờ của một nhánh sông Côn, khúc chạy dọc theo rặng Trường Sơn chuẩn bị đổ ra cửa biển, vì thế trông nơi này thật thoát tục, thanh tịnh nhưng không kém phần trang nghiêm.
Bước chân lên ngưỡng cửa Phật, trông thấy đức Thích Ca Mâu Ni ngồi uy nghiêm nơi chánh điện và tượng các vị La Hán bao bọc hai bên, con người bỗng cảm thấy chùng lại, lòng trần gột sạch; Bao nhiêu muộn phiền, vương vấn đều bị bỏ lại sau lưng, hồn lâng lâng theo tiếng mõ, lời kinh vang dội giữa mênh mông đất trời bao la, hùng vĩ.
Thiện Nhẫn cũng thường xuyên tới nơi này tu tập. Anh ta đều đặn mỗi tuần ba lần đến thiền viện để tụng kinh, niệm Phật một lòng sám hối tội lỗi với niềm tin cầu mong cho linh hồn của mẹ mình được siêu thoát. Thì ra đây cũng là việc có sắp đặt của thầy Minh Tịnh, chính đại ca Gấu Đen thuở nào sẽ trở thành một trong những chiến binh xuất sắc trong biệt đội siêu hình của chúng tôi trong một tương lai gần tới. Thầy Minh Tịnh vẫn còn nguyên bản lĩnh của người anh hùng Nguyễn Huệ, một chiến lược gia xuất sắc biết sử dụng nhân tài, tập hợp được những người có đủ năng lực giúp ông hoàn thành đại cuộc.
Tôi hay ngồi thiền dưới tán cây bồ đề trước sân chùa vào lúc bảng lảng bóng hoàn hôn, khi ánh mặt trời màu vàng cam dần tắt. Một hôm, khi trời sụp tối chỉ còn một chút ánh sáng vương lại sau ngọn tre, Tôi bỗng thấy từ trong đại sảnh, một ni cô vừa gõ mõ vừa khoan thai bước về phía tôi ngồi còn cách vài mươi bước thì dừng lại:
– Nam mô A Di Đà Phật, xin thí chủ niệm tình tha thứ cho tôi hỏi đôi điều có được không ạ?
– Xin sư cô cứ hỏi. Biết người kia hỏi mình, tôi vẫn ngồi yên vị và trả lời
– Có phải thí chủ là người từng thâm nhập vào giấc mơ của đứa con trai tội nghiệp của tôi không ạ?
Bất giác tôi giật mình và chợt nhận ra mình đang đối thoại với một linh hồn của một người đã khuất. Nhưng tôi bình tỉnh trả lời:
– Dạ đúng vậy thưa sư cô. Nhưng xin người niệm tình tha thứ vì tôi phải làm theo mệnh lệnh.
– Không, tôi phải cảm ơn ngài mới đúng. Chính nhờ thế mà con trai tôi đã được trở về với chánh đạo và linh hồn tôi mới trở nên thanh thản mà theo nương nhờ cửa Phật. Nay tôi xin ngài cho tôi làm một việc gọi là đền đáp.
– Dạ xin sư cô đừng vướng bận, làm việc nghĩa, trong lòng tôi rất vui vẻ.
– Xin ngài hãy cho tôi nói. Đây là một việc hệ trọng mà ngài đang rất quan tâm.
Việc gì nhỉ? việc gì hệ trọng mà có liên quan đến tôi nhất thời tôi nghĩ không ra? Thôi cứ để sư cô nói ra. Tôi nghĩ như thế và nói:
– Dạ việc gì xin sư cô cho biết ạ!
– Đó là nơi ở của người mà ngài muốn tìm. Cậu ấy trú ngụ tại chùa Hang. Ngài tới đó tìm ắt sẽ gặp.
Tôi bỗng nghe tim mình se thắt lại vì tin tốt lành này:
– Xin nhận nơi đây là tấm lòng tri ân của tôi. Tôi mừng quá, thật không biết lấy gì mà báo đáp.
– Không, đó là việc tôi phải làm, chỉ xin ngài thỉnh thoảng ghé thăm Thiện Nhẫn và ủng hộ nó trên con đường chánh đạo là tôi mãn nguyện lắm rồi.
– Vâng, tôi xin hứa sẽ quan tâm đến anh ấy.
– Mô Phật, xin chư Phật mười phương gia hộ, độ trì cho ngài.
Nói xong Ni cô quay lưng lại đi vào đại sảnh và biến mất. Tôi giật mình hồi tỉnh, trong lòng tự dưng bồi hồi xúc động vì đã biết manh mối của đứa con gái của mình trong tiền kiếp. Ngày mai tôi sẽ lên đường tới chùa Hang để tìm Xuân Nhi.
MÁU CHẢY RUỘT MỀM
Tôi đến chùa hang dò la tung tích của Xuân Nhi cả ngày mà vẫn chưa thấy gì nên lại ngồi nghỉ chân trên các bậc thang tại lối vào. Thiên Sanh Thạch tự (Thạch Cốc), nằm ở lưng chừng núi Chùa thuộc địa phận thôn Hội Khánh. Để vào chùa, phật tử phải vượt qua con đường bằng những bậc đá quanh co. Mọi người kể lại rằng khi trời đang nắng hạn, nếu nghe trên núi có tiếng “ồ ồ” như người ta xay lúa thì liền sau đó trời sẽ đổ mưa. Ngược lại, nếu trời đang mưa tầm tã mà nghe tiếng “ồ ồ” như trên thì trời sẽ nắng ngay lập tức. Vì đặc điểm để người ta đặt tên núi là La Hơi.
Vào Chùa Hang thì phải khom lưng mới vào được. Hang tuy nhỏ nhưng mang nét đẹp riêng của chốn núi rừng hoang vu, bí hiểm. Ở chùa Hang có hai con đường: Đường lên trời và đường xuống âm phủ. Bên tay phải phía trên bàn thờ của chùa Hang có một lỗ “thông hơi” là đường lên trời. Phía dưới “mái che” của chùa có một đường hầm chạy xuống gọi là đường xuống âm phủ.
Leo lên mái hiên ở cửa hang nhìn thấy bốn bề là những đá núi cheo leo, hùng vĩ, những đồng ruộng bát ngát, và biển, trời bao la, bát ngát.
Trời ngã về chiều nên không còn ai ở lại, chỉ có chú tiểu lo phận sự quét dọn cho sạch sẽ. Tôi cúi người len qua cửa hang đến ngồi tọa thiền trước bàn thờ Phật. Gió trở về chiều thổi luồn vào làm trong hang đã lạnh lại càng lạnh hơn. Nhưng nhờ qua khổ luyện nên tôi hoàn toàn có thể chịu được. Thấy có người ở lại nên một vị sư đã thắp cho tôi một ngọn đèn dầu rồi đi xuống nhà nghỉ. Trời càng lúc càng sụp tối, giữa hoang vu núi rừng màn đêm bao phủ không còn thấy gì chung quanh nữa cả. Trong không gian cô tịch chỉ có tiếng côn trùng, ếch nhái nỉ non, tôi ngồi một mình chìm đắm trong sự êm ả, mênh mông, lòng không chút hoảng sợ, chỉ tập trung vào ký ức để cố hình dung ra hình dáng của Xuân Nhi.
Nửa đêm tôi bỗng nghe tiếng la thất thanh của đứa con gái:
– Mẹ ơi, cứu con với mẹ ơi!
Tiếng kêu thét bên tai khiến tôi cảm thấy đau quặng thắt tim gan, tôi nhìn thấy đứa con gái thân thể lõa lồ bị xiềng xích. Một con voi khổng lồ đang tiến tới trước mặt nó. Xuân Nhi, con gái của tôi, nó đang đối mặt với án tử hình và nó đang vô cùng sợ hãi. Lòng tôi đau như cắt, nhưng tay chân của tôi cũng đang bị trói không thể làm gì để cứu lấy con mình. Tôi ráng lấy hết nghị lực để bình tỉnh nói với Xuân Nhi:
– Mẹ không thể cứu con được, chân tay mẹ cũng bị trói buộc cả. Thôi con ạ, thà chết cùng cha mẹ còn hơn là sống với kẻ thù. CON NHÀ TƯỚNG KHÔNG ĐƯỢC KHIẾP NHƯỢC.
Tôi tập trung ý chí thét lên câu cuối cùng để truyền sức mạnh tinh thần cho đứa con gái yêu quý của mình. Xuân Nhi nghe xong thì đứng yên, nhắm mắt lại không tỏ vẻ hoảng loạng nữa. Con voi giơ vòi, quặp lấy Xuân Nhi hất tung lên trên không. Lòng tôi nghe từng cơn đau quặng thắt, cơ thể rã rời vì bất lực, không thể làm gì để cứu sống đứa con của mình được.
“Á Á Á !!!” Xuân Nhi thét lên một tiếng kinh hoàng, khủng khiếp khi con voi ngước lên dùng đôi ngà để hứng. Thân thể đứa con gái từ trên cao rớt xuống cắm phập sâu vào đôi ngà voi sắc lịm như lưỡi kiếm, máu vọt bắn ra tứ bề đỏ lòm.
– “CON ƠI!!!” Đau đớn quá tôi thét lên một tiếng kinh hoàng vang dội, như bị muôn ngàn mũi tên bắn vào tim, tôi hoàn toàn ngất lịm không còn biết gì nữa cả.
– Nương tử, nương tử. giữ con lại mau.
Tôi bỗng hoàn hồn tỉnh dậy khi nghe tiếng của gọi của Quang Diệu và nhìn thấy ánh sáng tràn ngập trong hang. Bất thần tôi nhìn thấy một đứa con trai đang nằm trên ghế đá bật đứng dậy quơ tay đấm loạn xạ và co giò đạp tứ phía. Chợt nhận ra đứa trẻ như đang bị mộng du nên tôi tiến đến gần bên nó để có thể có hành động kịp thời che chở nếu như nó gặp nguy hiểm. Thằng bé vừa quờ quạng chân tay vừa la ú ớ không ra tiếng, được một lúc thì nó lại nằm xuống ngủ tiếp.
Bằng thái độ của người làm cha, làm mẹ, tôi lại kế bên và ẵm nó ôm vào lòng của mình, khe khẻ, nhẹ nhàng, âu yếm, vuốt ve lên mái tóc xanh của đứa trẻ. Hôn lên trán của đứa bé, tôi nhìn thấy nét mặt của nó thư giãn ra trong trạng thái yên bình, thanh thản.
Tôi đã thức suốt một đêm để ấp ủ, sưởi ấm và vỗ về giấc ngủ cho Xuân Nhi, đứa con tội nghiệp của tôi trong tiền kiếp. Nó đã có một giấc ngủ ngon lành trong sự ấm áp của tình yêu thương vốn thiếu hụt bấy lâu nay.