NGƯỜI ĐI TRONG MƠ (Tiếp theo 8)

Truy Tìm

Thức suốt đêm để canh đứa bé có một giấc ngủ ngon lành, đến gần sáng thì tôi đã ngủ thiếp đi. Đến khi có chú tiểu đến đánh thức thì tôi mới giật mình tỉnh dậy thì ánh mặt trời ban ngày đã rọi vào trong hang, tôi nhìn quanh thì không thấy Xuân Nhi đâu cả. Nó đã bỏ đi từ lúc nào không biết.

Tôi lật đật đứng lên chạy ra ngoài tìm xem đứa bé có ở bên ngoài hay không? Nhưng tìm quanh mãi không thấy nó đâu cả. Có lẽ Xuân Nhi đã ngạc nhiên hoặc sợ hãi vì nó không biết tôi là ai. Có lẽ nó thắc mắc sao lại có một người lạ hoắc lại ôm nó vào lòng trong lúc nó đang say sưa trong giấc ngủ. Và nó đã lặng lẽ trốn đi khi tôi chưa tỉnh giấc.

Vì quá chủ quan nên tôi đã để lạc mất đứa bé, đứa con gái của tôi trong tiền kiếp. Kiếp trước nó là Trần Bích Xuân, là con của Trần quang Diệu và tôi. Nó đã bị chết thảm bởi án tử hình khi chỉ mới có mười lăm tuổi do nhà Nguyễn áp đặt lên gia đình tôi và các tướng lãnh Tây Sơn khác. Nguyễn Ánh đã kết thúc triều đại Tây Sơn, giá như vua Quang Trung đừng đột ngột qua đời thì triều đại Tây Sơn được cũng cố hùng mạnh đã có thể tồn tại lâu hơn và có thể vì thế mà gia đình tôi đã không lâm vào thảm án.

Tôi đã đi tìm Xuân Nhi khắp vùng nhưng không thấy nó ở đâu, và tôi cũng đã lưu lại chùa Hang trong vài tuần lễ để xem đứa bé có trở lại ngủ trên ghế đá nữa không nhưng nó đã không trở lại. Cuối cùng, tôi hỏi ý kiến thì thầy Minh Tịnh khuyên rằng: “Hãy tìm sự trợ giúp của Hi Doãn”.

Tôi đã liên lạc với Hi Doãn và anh ấy đã đồng ý tới chùa Hang để giúp tôi tìm Xuân Nhi. Tôi đã không phải đợi lâu, ba ngày sau anh ấy đã có mặt. Chiến hữu có khác, anh ấy và tôi đã từng theo phò giúp Tây Sơn từ trong tiền kiếp, vì thế bây giờ cảm thấy thương nhau quá đỗi.

Buổi chiều Hi Doãn có mặt, anh ấy đã nói chuyện với nhà sư trụ trì của chùa và chúng tôi đã thực hiện buổi tụng kinh cầu an vài hôm sau. Nhiều phật tử trong vùng cũng đã đến tham gia tụng niệm, cầu cho các vong hồn tử sĩ được yên nghỉ và siêu thoát. Giữa chốn núi rừng hoang vu, tiếng mõ, lời kinh cất lên vang vọng, tâm hồn bỗng nghe ấm áp và thanh thản một cách lạ thường.

Hi Doãn đã có một buổi thuyết pháp thành công rực rỡ, tiếng vỗ tay không ngớt. Vì nghe có cao tăng Miến Điện đến thuyết giảng nên dân chúng kéo tới nhiều vô số kể, trong chùa đông nghẹt, chen chúc đến nỗi sư trụ trì phải cho tăng cường loa phát thanh mới giữ được trật tự, tôn nghiêm. Đa số phật tử có lòng tín ngưỡng cao, tin vào Phật pháp nên buổi thuyết pháp của Hi Doãn đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Anh ấy có kiến thức quá uyên bác, kể nhiều chuyện lạ quá hấp dẫn đến nỗi đám đông lên đến gần cả ngàn người mà vẫn trật tự lắng nghe. Nhiều người trong đó có các nhà sư há hốc mồm tỏ vẻ bị lôi cuốn và ngưỡng mộ Hi Doãn quá mức. Tiếng nói ấm cúng và thanh điệu trầm bổng của anh ấy lôi cuốn mọi người như thôi miên và mê hoặc.

Trong lúc Hi Doãn diễn thuyết, tôi đi loanh quanh tìm kiếm xem Xuân Nhi có đến hay không? Nhưng tôi chẳng thấy nó đâu cả. Thôi đành đợi Hi Doãn dùng công năng của anh ấy để đoán xem thằng bé đang ở nơi nào.

Chiều tắt nắng, khi mọi người đã ra về hết, tôi nhờ một nhà sư thắp cho chúng tôi hai ngọn đèn trước bàn thờ Phật ở trong hang. Hi Doãn và tôi ngồi xếp bằng trước bàn thờ để thiền định, tập trung tinh thần để phán đoán về Xuân Nhi.

Nửa đêm, tôi bỗng thấy mình và Hi Doãn lọt vào một vùng tối đen như mực khiến tôi phải vận công lực để cố nhìn thấy trước mặt, Hi Doãn cũng như vậy. Hình như chúng tôi đang ở trong một cái hang tăm tối. Thình lình tôi giật mình trông thấy hai con mắt sáng lên trong bóng tối, có một con vật gì đang quan sát hai chúng tôi. Bỗng tôi nghe một tiếng “ùm” và nước bắn tạt vào người lạnh toát, hình như sinh vật kia đã lao xuống nước và tẩu thoát. Vì bất ngờ bị lạnh nên tôi run bắn người và hoàn hồn tỉnh giấc, Hi Doãn cũng bị lạnh nên nhập thần trở lại.

– Anh có đoán là chúng ta vừa ở đâu không? Sau khi định thần lại, tôi hỏi Hi Doãn.

– Tôi có cảm giác là mình đang ở trong một hang động không có ánh sáng.

– Tôi cũng vậy. Tôi vừa trả lời, vừa gật đầu đồng ý với ý kiến của Hi Doãn.

– Anh có nhìn thấy con vật gì đó không? Hi Doãn hỏi tôi.

– Có, tôi nhìn thấy đôi mắt của nó sáng trong bóng tối và chắc trông thấy chúng ta nên nó đã lao xuống nước bơi đi mất.

– Có thể nào sinh vật đó lại là Xuân Nhi của anh hay không? Hi Doãn hỏi.

– Xuân Nhi, sao mắt nó lại sáng như mắt mèo vậy? Cũng có thể mắt nó đã thích nghi với bóng tối. Tôi lưỡng lự trong giây lát rồi gật đầu.

– Thôi chúng ta hãy nghỉ ngơi rồi mai sẽ tính.

– Ok, Hi Doãn. Cám ơn anh đã trợ giúp.

– Không có gì đâu Nguyên Hãn. Chúng ta là đồng đội mà. Ngủ ngon.

– Ok, ngủ ngon.

Tôi và Hi Doãn trở ra mấy băng ghế đá, mỗi người tự tìm chỗ ngã lưng. Chúng tôi đã quen với lối sống thích nghi nên không chỗ nào là không ngủ được, chỉ cần chui mình vào một cái túi để giữ ấm là xong.

Dòng sông ngầm

Sáng hôm sau, chúng tôi tỉnh giấc một cách sảng khoái. Sau khi vệ sinh cá nhân xong, chúng tôi được sư trụ trì của nhà chùa thết đãi buổi điểm tâm chay bằng xôi đậu phọng và uống trà nóng. Trong lúc ngồi nói chuyện, tôi hỏi nhà sư trụ trì về các hang động trong vùng thì ngài nhắc ngay đến đường xuống âm phủ phía trước hiên chùa. Tương truyền khi còn sống, một trụ trì các đời trước của chùa có đi thử, càng đi càng thấy sâu thăm thẳm, khó đi nên đành quay trở lại. Thế là tôi và Hi Doãn quyết định khám phá lối đi này, chắc là Xuân Nhi thường xuyên ẩn náu trong đó.

Chúng tôi chuẩn bị ba lô, thức ăn và một vài dụng cụ. Quan trọng là phải có đèn pin và tôi dùng bao nylon trong suốt để bọc lại đề phòng trong trường hợp phải lặn xuống nước đèn vẫn sáng nhờ không thấm nước. Tới khoảng giữa trưa, tôi, Hi Doãn bắt đầu xuất hành đi vào đường xuống âm phủ.

Đường hang quanh co và lởm chởm, đi vào một ít lâu thì không còn chút ánh sáng mặt trời nào có thể lọt tới nơi được. Chúng tôi phải dùng tới đèn pin, tôi đã cẩn thận mang nhiều pin dự trữ và tất cả đều bỏ vào bao nylon được buột chặt. Hang càng đi càng thấy sâu, có chỗ chúng tôi phải bò vì trần quá thấp. Đến một khúc quanh chúng tôi lọt vào một không gian rộng hơn, chỗ này có thể chứa được bốn đến năm người, nhưng hình như nó đã là đường cùng. Tôi thấy hơi hoang mang, vì nếu hang là một đường cùng thì không giống với lời người trong chùa thuật lại rằng người ta từng thả một quả bưởi có khắc dấu xuống hang và ít lâu sau thấy nó trôi ngoài cửa biển, nước mưa đã chui vào hang và kéo nó đi. Vậy thì sao tới đây đã bí lối?

Đang thắc mắc thì Hi Doãn nắm tay tôi khẻ lắc:

– Anh có nghe tiếng gì không?

Tôi lắng tai nghe thì thấy có tiếng chuyển động nhè nhẹ của một ai đó hay một sinh vật nào đó rất gần. Tôi cố lắng nghe và lần tới nơi xuất phát của nó nhưng vẫn không nhìn thấy gì. Không biết làm sao nên tôi lấy tay vỗ vào vách đá xem có phát hiện ra cánh cửa bí mật nào không? Bất chợt, tôi lần tay xuống dưới sát mặt đất dưới vách đá bỗng phát hiện ra một khe hẹp. Rọi đèn pin quan sát thì tôi nhận ra khe hẹp này đủ lớn để có thể trườn mình qua được dù có hơi khó.

Hi Doãn cũng nhận ra, anh hất hàm ra dấu, và tôi quyết định trườn qua khe đá để đi tiếp. Tôi rút trong người một con dao găm cầm trong tay để có thể phòng ngự nếu chẳng may bị tấn công. Tôi nằm quay mặt lên trần và bắt dầu dùng chân để đẩy người qua, khe quá hẹp nên tôi buột phải quay mặt sang bên phải để không bị vướng lổ mũi lên trần. Cuối cùng đầu tôi cũng lọt qua nhưng tối quá mức không nhìn thấy gì cả. Tôi cố rướn người lên một chút nữa, rút tay phải cầm dao qua và quơ vài nhát xem có động tỉnh gì không. Không có gì xảy ra, tôi lại rút tay trái đang cầm đèn pin qua để quan sát. Sau cùng tôi cũng cố ép ngực mình qua và chịu một chút trầy xước, tôi đã lọt qua được bên trong. Dùng đèn pin quét xung quanh, tôi chợt nhận ra không gian bên đây rộng hơn.

– Hi Doãn, anh có trườn qua được không? Tôi gọi Hy Doãn đang còn ở bên kia.

– Ok, anh qua được thì tôi cũng qua được.

Hi Doãn còn trườn qua nhanh hơn tôi vì anh ấy hơi ốm hơn tôi một chút. Cuối cùng chúng tôi cùng ở bên đây hang động. Chúng tôi bắt đầu đi tiếp, bên này chúng tôi được đi thẳng lưng, không phải bò như lúc đầu nữa. Đột nhiên chúng tôi phải dừng lại vì phía trước toàn là nước. Thì ra nơi này có một con sông ngầm trong lòng đất, không biết nó chảy về đâu? Chắc là ra cửa biển.

Đang do dự thì Hi Doãn hất hàm ra dấu cho tôi nhìn về một góc tối phía bên phải, tôi bất giác phát hiện hai con mắt sáng như mắt mèo trong bóng đêm đang nhìn chúng tôi. Tôi rọi đèn pin về phía ấy. Bỗng “ùm” một tiếng và nước bắn tung lên văng vào người tôi và Hi Doãn lạnh ngắt. Đã biết trước sự việc nên tôi vội vã quăng ba lô trở lại, chỉ giữ cây đèn pin và lao xuống dòng nước. Đứa bé trai đang ngụp lặng ở phía trước, nó bơi cũng khá nhanh nhưng càng lúc nó càng đuối sức, tôi cố hết sức bơi rượt theo. Tới lúc đứa bé bỗng buông tay chìm xuống thì tôi vừa kịp túm tóc nó kéo lại. Không để cho thằng bé ôm chân mình, dùng hết sức bình sinh, tôi đẩy nó một cái thật mạnh trồi lên khỏi mặt nước. Đúng lúc Hi Doãn cũng vừa kịp bơi tới, anh túm lấy vai áo của nó cố lật mặt của nó ngửa lên khỏi mặt nước rồi bơi kéo vào bờ. Tôi cũng tiếp với anh một tay. Thằng bé đã uống nước nên đã ngất đi. Chúng tôi gấp rút đưa nó lên bờ để làm hô hấp.

Tôi tìm chỗ bằng phẳng đặt nó nằm ngay ngắn trên mặt đất và dùng tay đỡ cổ thằng bé, lấy ngón tay trỏ moi hết đờm giải để cổ họng nó không bị nghẽn. Tôi bắt đầu thổi ngạt cho nó còn Hi Doãn dùng hai bàn tay đè vào nhau và nhấn với lực chừng mực vào xương lồng ngực thằng bé ở một nhịp độ vừa phải. Khoảng vài phút, bất chợt thằng bé nấc một tiếng và ọc nước trong mồm ra hết. Bằng phản xạ tự nhiên, nó rít một hơi thật mạnh rồi bắt đầu thở trở lại. Chúng tôi thở phào nhẹ nhỏm vì thằng bé đã được cứu sống.

Tôi tiếp tục xoa, vuốt tay chân và cơ thể cho thằng bé không bị lạnh. Được một lúc thì nó tỉnh lại. Lần này nó không còn tỏ ra sợ chúng tôi nữa vì dường như nó ý thức được chính chúng tôi đã cứu, đang chăm sóc và không làm hại gì nó cả.

– Sao con lại phải trốn tránh mọi người ở tận nơi này vậy? Khổ quá vậy con! Tôi nói xong hai hàng nước mắt tự nhiên tuôn trào lai láng, nghĩ lại chuyện nó và tôi cùng bị voi hành hình trong tiền kiếp tôi không thể cầm lòng được nữa.

Thằng bé không trả lời nhưng nó tự nhiên lấy tay chùi nước mắt cho tôi. Hình như bản năng từ tiền kiếp vẫn tồn tại trong con người của nó. Nó đưa tay bá cổ và xà vào lòng của tôi khiến tình thương trong trái tim tôi bỗng trào dâng mạnh mẽ. Tình Mẫu tử hay tình Phụ tử đây tôi không thể phân biệt được, dẫu sao cũng là tình thương thiêng liêng dành cho người thân yêu của mình.

– Con hãy theo ta về nhà nhé con? Tôi nói khe khẽ.

Thằng bé gật đầu nhưng không nói tiếng nào. Nó dường như hiểu hết những gì tôi nói nhưng nó không phát biểu gì vì có lẽ lâu rồi nó không hề tiếp xúc với ai. Tôi cảm thấy đau lòng quá mức.

– Thôi chúng ta trở ra nha? Hi Doãn đề nghị, tôi gật đầu đồng ý.

– Con theo bác Hi Doãn ra trước nha, ta đi theo sau. Thằng bé gật đầu một cách ngoan ngoãn, lúc này tôi mới phát hiện ra nó có một khuông mặt đẹp tựa thiên thần, khuông mặt của Xuân Nhi trong tiền kiếp.

Hi Doãn trườn mình ra trước, thì ra lúc chui ra dể hơn. Ba người chúng tôi nhanh chóng trở ra và bắt đầu hành trình bò trở về cửa hang. Vì bé con nên Xuân Nhi di chuyển nhanh thoăn thoắt, nó luôn đi trước và luôn quay lưng lại đợi tôi còn ở phía đằng sau.

– Con ngoan lắm. Ra tới cửa hang, tôi xoa đầu Xuân Nhi và nói với nó như vậy

Xuân Nhi há miệng cười toe toét, trông nó thật hạnh phúc. Chúng tôi lấy thức ăn và nước uống ra, tôi đưa cho Xuân Nhi một nắm xôi, nó đưa tay giật lấy rồi ăn ngấu nghiến. Nhìn nó ăn thấy thương quá. Tội nghiệp nó làm sao!

Sau khi ăn uống no nê, Xuân Nhi nắm tay tôi kéo ra hàng ghế đá dưới mái hiên chùa ngồi nghỉ. Lúc này tôi mới sực nhớ tới miệng hang, đường xuống âm phủ, nằm ngay trước mái hiên, thật là lý thú làm sao. Có một con sông ngầm ngay trước mặt mà không ai hay biết cả. Tôi nói với Hi Doãn hãy cất dấu điều bí mật này đừng cho ai biết.

Trời đã tắt nắng, chúng tôi lại phải ngủ lại trước mái hiên chùa. Xuân Nhi nằm ôm bụng tôi và ngủ thiếp đi một cách nhanh chóng, trẻ thơ có khác. Sáng mai, chúng tôi sẽ từ giã các nhà sư và bắt chuyến xe lửa sớm trở về nhà. Xuân Nhi vẫn còn sợ người lạ nên tôi phải sẽ mua vé trọn nguyên một phòng dành riêng cho ba người để nó không phải sợ hãi nhiều trong suốt chuyến đi.

<<< Trở Lại 7

>>>Đọc Tiếp 9

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.