NGƯỜI ĐI TRONG MƠ (Tiếp theo 10)

 

Hội Ngộ Anh Hùng

Kẻ thù đã biết nơi trú ẩn của tôi cho nên tôi phải di chuyển, cuối cùng tôi quyết định về Bình Định để tiện việc theo dõi và chăm sóc Xuân Nhi. Nhưng tôi đến và xin trú ngụ ở một địa điểm khác để Xuân Nhi không phải vì tôi mà gặp bất lợi. Tôi đến xin thầy trụ trì chùa Thập Tháp cho tôi cư ngụ ở tịnh xá bên trong nhà chùa và nhà sư đã chấp thuận.

Chùa Thập Tháp là một di tích tôn giáo có từ thời Nguyễn, tọa lạc huyện An Nhơn, Bình Định do Thiền sư Nguyên Thiều sáng lập vào năm 1665. Chùa có khung cảnh nên thơ, trầm mặc như một bức tranh sơn thủy nằm trên một ngọn đồi cây cối sầm quất, xanh tươi. Hồ sen trước cổng chùa sen nở thơm ngát. Chùa ở vị trí gần phía bắc kinh đô Đồ Bàn cũ, Tương truyền, khởi đầu chùa được xây bằng gạch của mười ngọn tháp đổ của người Chăm nằm ở phía sau đồi Long Bích, quanh chùa vẫn còn tìm thấy những dấu vết các nền tháp.

thapthap-9

Chùa Thập Tháp còn ba cái giếng nằm trong khu vườn Lãng Uyển ở trên đồi Long Bích, là nơi vua Chế Mân (Hoàng Đế Champa) cùng hoàng hậu Huyền Trân công chúa thường lui tới thưởng ngoạn, do vậy mà những giếng nước này là di tích Chiêm Thành còn lại.

Một đêm sau buổi tụng niệm cầu siêu cho các linh hồn tử sĩ, tôi trở về tịnh xá để thiền định. Nửa đêm, nghe bên ngoài kia có những âm thanh kỳ lạ nên tôi đứng dậy, bước ra xem chuyện gì. Xa xa có ánh lửa bập bùng, rồi tiếng tù và kêu lên càng lúc càng thôi thúc, rồi tiếng trống nhạc vang lên rộn rã, thúc giục, rồi tiếng kèn, sáo réo rắc, vui tươi, cuồng nhiệt, tất cả âm thanh, nhã nhạc cuốn hút tôi đi tới để xem việc gì đang xảy ra. Bỗng nhiên xuất hiện đám đông người đang nhảy múa, reo hò rất vui vẻ, náo nhiệt. Tất cả bọn họ đều phục sức Champa, hình như họ đang ăn mừng một lễ hội rất trọng đại nào đó.

Dần dần tôi phát hiện ra mình đang ở bên trong một kinh thành ChamPa, bên trong kinh đô, các ngọn đuốc được thắp sáng lên rực rỡ. Tất cả hình ảnh là một vương quốc Champa giàu sang, huy hoàng, tráng lệ hiện ra trước mắt. Ngự trên ngôi cao là một vị hoàng đế ChamPa uy nghi và đẹp đẽ, ngồi kế bên ngài hẳn là vị vương hậu khả ái. Chung quanh là các cận vệ dũng mãnh và các cung nữ yêu kiều đang hầu trà, dâng rượu.

Bỗng tiếng nhạc trỗi lên rộn ràng rồi xuất hiện những thanh niên khỏe mạnh đang khiêng một chiếc kiệu từ xa tiến về phía khán đài, tất cả diễn ra thật trang trọng. Khi chiếc kiệu được khiêng tới trước điện vua, một đám cung nữ vội vã xúm lại dìu một nàng con gái yêu kiều, diễm lệ bước xuống kiệu. Trông nàng cực kỳ xinh đẹp nhưng sao đôi mắt của nàng thắm đượm một vẻ u sầu vời vợi.

Bước tới trước bệ vua, nàng quỳ xuống cung kính. Vị hoàng đế Champa từ trên ngai cao bước xuống nắm tay dìu nàng đứng lên, rồi trao cho đám cung nữ đưa nàng về ngự bên chiếc ghế bên trái của ngai vua. Thì ra nàng cũng là vợ của vua Chiêm Thành. Các cung nữ bắt đầu hầu trà dâng rượu và kèn trống lại vang lên những khúc nhạc vui tươi réo rắc. Âm nhạc khiến cho tôi cảm thấy lòng mình cũng rộn ràng và tôi bỗng nhận ra mình đã hòa mình vào đám đông dân chúng cùng nhảy múa, reo hò tự lúc nào không biết.

Đột nhiên tất cả mọi chuyển động đều ngưng bặt chỉ duy nhất có tôi là đang múa máy chân tay. Không gian bỗng im lặng đến lạ thường, tôi nhìn lên ngai vàng thì cũng vậy, các nhân vật câm lặng, đứng yên như những pho tượng. Tò mò quá mức, tôi đánh bạo tính bước lên gần để ngắm trang phục của các vị vua chúa xem nó đẹp như thế nào thì tự dưng có một lực vô hình ngăn cản lại rồi bỗng nghe tiếng ai đó nói:

– Đó chỉ là những dấu ấn của quá khứ, nhà ngươi không thể chạm tới được.

Quá kinh ngạc, tôi dáo dác nhìn xung quanh xem ai vừa nói chuyện với tôi vậy. Đang loay hoay thì tôi bỗng giật mình nhận ra tiếng nói đến từ phía người con gái diễm lệ ấy và ánh mắt của nàng thật trang nghiêm và đầy uy lực:

– Những gì ngươi thấy chỉ là hình ảnh của quá khứ. Nàng nói

– Thế còn nàng? Nàng có phải là Huyền Trân Công Chúa của nước Đại Việt?

– Đúng vậy, nhưng ta đã không còn là Huyền Trân Công Chúa của quá khứ nữa.

– Nghĩa là sao ạ?

– Sau này, ngươi tự khắc sẽ biết, còn bây giờ hãy đi theo ta.

Nói xong nàng đưa tay vẫy gọi một con ngựa trắng từ xa đang đứng đợi, nó lập tức chạy đến. Huyền Trân nhảy phắt lên lưng ngựa rồi chìa tay ra cho tôi.

– Đi nào, nàng nói.

– Thưa công chúa, tôi với người là phận nam, nữ khác biệt. Tôi lưỡng lự,

Công chúa Huyền Trân bỗng ré lên cười ngất, tiếng nàng thật vui vẻ, lãnh lót.

– Nhà ngươi hãy trông lại xem mình là ai?

Tôi chợt nhìn lại và nhận ra mình cũng là phận nữ nhi giống như công chúa vậy. Thế là không còn do dự chi nữa, tôi nắm tay Huyền Trân rồi nhảy phắt lên ngồi phía trước và cầm lấy dây cương giật mạnh. Bạch Mã lao vút về phía trước phi nước đại rồi bất ngờ nhấc bổng cả hai bay vút lên trên cao các đỉnh ngọn cây, vượt qua các ngọn đồi và lao về hướng biển cả. Ngựa bay thật cao giữa trời đầy sao, khung cảnh thật tuyệt đẹp, lung linh, huyền ảo.

Từ xa tự dưng xuất hiện một quầng sáng bao bọc một mặt trăng tròn màu đen trông tương tự như hiện tượng nguyệt thực, ngựa đưa chúng tôi lao nhanh về phía đó. Thình lình một trận cuồng phong hất tung chúng tôi ra khỏi lưng ngựa, nhưng công chúa nắm chặt tay tôi giử lại rồi bay vút vào bên trong quầng sáng. Ánh sáng chói chang làm tôi bị lóa phải nhắm mắt lại, đến khi mở mắt ra thì thấy mình đang bay trên những cánh đồng hoa thơm bát ngát, bạch mã trở lại đón chúng tôi rồi tiếp tục cuộc hành trình. Bây giờ, tôi đang lọt vào một thế giới hoàn toàn khác với địa giới.

– Công chúa, chúng ta đang ở đâu thế này?

– Đây là thượng tầng thứ sáu, thánh địa của những anh hùng vị quốc vong thân, chốc nữa ngươi sẽ thấy.

Bỗng từ xa có một người phi ngựa về hướng chúng tôi, đến khi giáp mặt thì người ấy hỏi:

– Thưa công chúa, có phải đây là nữ tướng Bùi Thị Xuân ngày xưa?

– Phải. Tôi và Huyền Trân đồng thanh trả lời.

– Sư tỷ, chị có nhận ra em không?

– Người là ai?

– Chị không nhớ là chị đã tặng em bốn chữ Thiết Côn Vô Địch đó sao?

Ký ức của quá khứ bỗng nhiên ùa về làm tôi cảm động quá mức, hai hàng lệ tự dưng không cầm được. Hình ảnh Võ Đình Tú một mình một ngựa lăn xả giữa làn tên mũi đạn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Cả người và ngựa cùng đổ quỵ và hy sinh một cách cao cả. Ôi sao mà liệt oanh và bi thương đến thế. Tôi không nói được lời nào mà nước mắt cứ trào ra, Đình Tú cưỡi ngựa đến gần nắm lấy vai tôi rồi bảo:

– Không sao chị, bây giờ em đã yên lành rồi. Chúng ta đi thôi. Nói rồi Đình Tú quay ngựa lại rồi ra hiệu cho chúng tôi đi tiếp.

Chúng tôi vượt qua những ngọn đồi, ngang qua những cánh rừng thơ mộng, vượn hú, chim kêu, bướm bay từng đàn nhởn nhơ trong khung cảnh thanh bình êm ả khiến linh hồn tôi như chìm đắm trong ảo mộng. Bỗng xuất hiện một tòa thành phía sau cánh rừng, một toán quân phi ngựa về phía chúng tôi, Đình Tú đưa thẻ lệnh bài và bọn họ để cho chúng tôi đi tiếp.

Vào trong thành thấy xuất hiện một thị trấn mua bán sầm quất, dân chúng qua lại nhộn nhịp, mọi người cười nói vui vẻ, không thấy ai thể hiện sự lo lắng buồn phiền gì cả. Đình Tú dẫn chúng tôi đến một một ngôi đình, trong sân đình hình như đang diễn ra một lễ hội náo nhiệt, tiếng trống, chiên vang lên nhộn nhịp.

Thì ra bên trong đang diễn ra một buổi biểu diễn và thi đấu võ thuật. Một người đang cưỡi ngựa bắn cung biểu diễn bách phát, bách trúng trong mọi tư thế. Có lúc anh ta bắn tên trong khi đứng hẳn trên lưng ngựa, có lúc bắn trong tư thế ngã ngựa, có lúc treo mình lủng lẳng bắn tên dưới bụng ngựa, ở mọi tư thế tên đều trúng phốc hồng tâm, mọi người vỗ tay reo hò không ngớt.

Đột nhiên, Võ đình Tú múa côn xông vào tấn công, cung thủ bỏ ngựa nhảy xuống đất rồi giương cung bắn tới tấp. Những mũi tên xé gió bay vut vút, dây cung rung bần bật liên hồi, nhưng lạ thay, tất cả các mũi tên đều bị Đình Tú gạt văng trở ra, thậm chí có mũi tên bay ngược lại trúng phóc vào hồng tâm khiến mọi người kinh ngạc kêu ó và vỗ tay reo hò náo nhiệt khắp cả đấu trường.

Đúng vào lúc biểu diễn đang lúc hào hứng nhất thì có tiếng còi báo hiệu dừng cuộc chơi, mọi người đang dáo dát nhìn xem chuyện gì đang xảy ra thì có một kỵ sỹ oai phong lẫm liệt phi ngựa ra giữa bãi và giơ thanh đại đao lên cao dõng dạc nói:

– Các chiến hữu, anh em có biết tin vui gì không?

– Tin gì? Mọi người đồng thanh la lên.

– Bất ngờ không các bạn, một chiến hữu lâu đời của chúng ta, nữ tướng Bùi Thị Xuân. Ông ta vừa nói vừa chỉ tay về phía tôi.

Trong lúc tôi đang bất ngờ vì đột nhiên có người giới thiệu mình trước đám đông, thì Võ Đình Tú đến kế bên nói nhỏ với tôi:

– Anh ấy là Võ Văn Dũng thủ lĩnh của Tây Sơn thất hổ tướng đó chị.

Hiểu ra tôi bèn cưỡi ngựa ra giữa bãi thi đấu và giơ tay chào, mọi người reo hò náo nhiệt, quăng cả mủ,nón lên cao chào mừng tôi như một anh hùng thắng trận trở về làm tôi cảm thấy vui mừng khôn tả.

– Xin cám ơn thịnh tình của các Huynh đệ. Không ngờ tôi lại có ngày gặp lại các huynh đệ Tây Sơn Thất Hổ tụ tập lại tại nơi đây, tôi vui mừng lắm. Nói xong tôi đưa tay dụi nước mắt chực trào ra vì quá xúc động.

Mọi người lại vỗ tay reo hò không ngớt. Thật không ngờ, linh hồn của các anh hùng vị quốc vong thân của triều đại Tây Sơn lại đều tụ họp tại nơi này. Tôi quay lại nói ra suy nghĩ của mình với công chúa Huyền Trân, nàng gật đầu rồi khẻ nói:

– Còn nữa, nhà ngươi sẽ còn phải ngạc nhiên nữa cho coi.

Tiểu Sử Công Chúa Huyền Trân

(Trích từ Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

HuyenTranCong Chua

Huyền Trân công chúa; sinh năm 1287, mất 09 tháng 01 năm 1340, là công chúa đời nhà Trần, Hòa thân công chúa, là con gái của Trần Nhân Tông, em gái của Trần Anh Tông.

Năm 1306, Huyền Trân công chúa được gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân (tiếng Phạn: Jaya Sinhavarman III) để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên – Huế đến phía bắc Quảng Trị ngày nay). 1 năm sau, Chế Mân chết, Huyền Trân công chúa được Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung cướp về.

Câu chuyện về Huyền Trân công chúa được truyền tụng trong dân gian, không chỉ vì lý do chính trị mà còn về khía cạnh văn hóa thơ, ca nhạc cũng như nghệ thuật sân khấu. Điều này khiến Huyền Trân công chúa trở thành công chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam

Công chúa không rõ tên thật, theo dã sử Đền thờ Huyền Trân công chúa tại Huế, bà được cho là hạ sinh vào năm 1289, mẹ công chúa có thể là Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu – trưởng nữ của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Tuy nhiên, cũng có khả năng bà là con gái của Tuyên Từ hoàng hậu, em gái của Khâm Từ hoàng hậu.

Năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận lời mời, du ngoạn vào Chiêm Thành, được Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân tiếp đãi nồng hậu, có ở lại trong cung điện Chiêm Thành gần 9 tháng. Khi ra về, Thái thượng hoàng có hứa gả con gái cho Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là Vương hậu Tapasi, người Java (Indonesia ngày nay). Sau đó nhiều lần, Chế Mân cử sứ sang hỏi về việc hôn lễ, nhưng nhiều quan lại nhà Trần phản đối, chỉ có Văn Túc vương Trần Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung chủ trương tán thành.

Năm Bính Ngọ, Hưng Long năm thứ 14 (1306), tháng 6, Chúa Chiêm Thành là Chế Mân dâng hai châu Ô, Rý (còn gọi là Lý) làm hồi môn, vua Trần Anh Tông khi đó mới đồng ý gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Công chúa khi về Chiêm Thành, được phong làm Vương hậu thứ 2 với phong hiệu là Paramecvari

Năm Đinh Mùi (1307), vào tháng 5, quốc vương Chế Mân chết. Nghĩa là chỉ một năm sau khi cuộc liên hôn giữa Đại Việt và Chiêm Thành diễn ra. Thế tử Chế Đa Da sai sứ thần Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng và có thể cũng để báo tang sự việc này.

Theo Đại Việt sử ký chép lại, Trần Anh Tông khi đó nghe rằng theo tục nước Chiêm, Quốc vương chết thì Vương hậu phải lên giàn hỏa để tuẫn tang. Trần Anh Tông liền cử Hành khiển Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu công chúa. Trần Khắc Chung thành công, cứu được công chúa và đưa xuống thuyền, đưa công chúa về Đại Việt bằng đường biển. Cuộc hải hành này kéo dài tới một năm và theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Trần Khắc Chung đã tư thông với công chúa.

Trong cuộc hành trình trở về, công chúa còn đi theo Thế tử Đa Da, vì vậy về sau không ít người cho rằng Thế tử là con của công chúa. Tuy nhiên xét theo hành trạng có thể cử sứ thần sang báo tang, Thế tử rất có thể chẳng phải là con của Huyền Trân công chúa, và việc đi cùng với công chúa về là do lý do chính trị nào đó mà thôi.

Về sau, Đại Việt sử ký không còn bất kỳ ghi chép nào về hành trạng của công chúa.

Theo dã sử và thần tích tại đền thờ của bà, sau khi bà trở về Thăng Long thì theo di mệnh của Thái Thượng hoàng, công chúa xuất gia ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh). Công chúa thọ Bồ tát giới và được ban pháp danh Hương Tràng.

Cuối năm Tân Hợi (1311), Hương Tràng cùng một thị nữ trước đây, bấy giờ đã quy y đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay thuộc Nam Định), lập am dưới chân núi Hổ để tu hành. Sau đó, am tranh trở thành điện Phật, tức chùa Nộm Sơn hay còn gọi là Quảng Nghiêm Tự.

Bà mất ngày mồng 9 tháng giêng năm Canh Thìn (1340). Dân chúng quanh vùng thương tiếc và tôn bà là Thần Mẫu và lập đền thờ cạnh chùa Nộm Sơn. Ngày công chúa mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế.

Các triều đại sau đều sắc phong công chúa Huyền Trân là thần hộ quốc. Nhà Nguyễn ban chiếu ghi nhận công lao của công chúa Huyền Trân “trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng”, nâng bậc tăng là “Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần”

Tiểu Sử Võ Đình Tú

(Trích từ Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Võ Đình Tú (1799), tự Tuấn Chi, hiệu Thiết Hán , là một tì tướng của nhà Tây Sơn, được người đương thời liệt vào Tây Sơn thất hổ tướng.

Ông sinh trưởng trong một nhà hào phú ở thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Bản tính hào phóng, trung thực và can đảm. Thuở nhỏ, ông được một nhà sư dạy cho binh pháp và võ nghệ. Tương truyền, nhà sư này, không rõ họ tên, mặt mày xấu xí, ăn bận rách rưới; hễ những trẻ con trong xóm, trông thấy ông thì kéo nhau đến chọc ghẹo. Sách Nhà Tây Sơn kể:

Võ Đình Tú, lúc bấy giờ mới 14 tuổi, nhưng đối với nhà sư trên lại hết sức lễ phép và thường bưng cơm nước hoặc bánh trái đến cúng dường…Một hôm, trời nổi mưa to gió lớn, rồi tầm tã suốt ngày. Đêm đến, mưa tạnh gió ngừng, người trong nhà không thấy Đình Tú đâu cả. Mà trong thôn, nhà sư cũng bặt tăm. Người nhà quyết đoán là Tú đã bị vị tu sĩ bắt cóc…

Mười năm sau, Đình Tú trở về. Bấy giờ, ông đã là một thanh niên mạnh khỏe, chẳng những côn quyền xuất chúng, binh pháp tinh thông mà còn có tài bắn cung, nhảy cao, cưỡi ngựa; nhưng vẫn giữ được tính thần phác.

Về nhà, ông đóng cửa đọc sách, không lấy vợ và giao du với ai, trừ người anh họ là Võ Văn Dũng. Đến khi ba anh em nhà Tây Sơn tụ nghĩa, Võ Văn Dũng theo về rồi giới thiệu Đình Tú với Tây Sơn Vương (Nguyễn Nhạc), và được vị chủ tướng này thân hành đến rước. Hăng hái giúp việc quân, Võ Đình Tú được Nguyễn Huệ tin yêu như ruột thịt; còn Bùi Thị Xuân cũng vì quý tài ông, mà tặng một lá cờ đào có thêu bốn chữ vàng: “Thiết côn vô địch”.

Khi nhà Tây Sơn khởi nghĩa, Võ Đình Tú được phong chức Đại Tổng lý. Cùng với Bùi Thị Xuân, ông quản lý và phòng thủ doanh trại ở vùng Tây Sơn. Biết Đặng Xuân Phong là một tráng sĩ, cũng giỏi côn quyền như mình; ông đã cùng Bùi nữ tướng đến mời và được ông này ra giúp.

Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế, phong Võ Đình Tú làm Thái úy. Khi Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Xuân, có Đình Tú đi theo. Ở đây, có lần ông và Đặng Xuân Phong bị Bùi Đắc Tuyên (khi ấy mới làm Thị lang bộ Lễ) xui trổ tài đấu côn, để mua vui cho Thái tử Nguyễn Quang Toản. Vị nể vị vua tương lai, nên hai ông miễn cưỡng tuân lệnh. Biết được, vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) liền quở trách tất cả, và cấm tuyệt Đắc Tuyên không được bày trò làm mất thế thống đại thần.

Năm 1792, vua Quang Trung mất, Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) nối ngôi, Bùi Đắc Tuyên được sủng ái lên làm Thái sư, rồi mỗi ngày một thêm lộng quyền, khiến nội bộ sinh nạn bè phái, kình chống lẫn nhau.

Nghe lời bàn Trần Văn Kỷ, Võ Văn Dũng gấp rút dẫn quân về Phú Xuân, bí mật phối hợp với Nguyễn Văn Huấn, Phạm Công Hưng vây bắt Bùi Đắc Tuyên ngay ở phủ của vua Cảnh Thịnh, rồi cho dìm nước đến chết.

Tướng Trần Quang Diệu hay tin dữ, kéo binh về, đóng ở bờ Nam sông Hương. Võ Văn Dũng liền đem quân bản bộ đóng ở bờ Bắc sông Hương, mượn lệnh vua để chống lại Quang Diệu. Nhờ Võ Đình Tú lấy tình thân quen của cả đôi bên, nên hòa giải được mối hiềm khích giữa hai vị tướng này.

Đến khi ấy, thì vua Cảnh Thịnh lại sợ Võ Đình Tú, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng; vốn là bạn bè cũ, nay lại ở gần nhau e bất lợi cho mình, bèn phong Đình Tú chức Binh bộ Tham tri, sai vào coi quân ở Quy Nhơn và Phú Yên.

Tháng 3 năm Kỷ Mùi (1799), chúa Nguyễn Phúc Ánh cử đại binh ra đánh Quy Nhơn. Sách Nhà Tây Sơn kể:

Khi ấy, Võ Ðình Tú đi kinh lý Phú Yên được tin quân Nguyễn Phúc Ánh đổ bộ Quy Nhơn, vội kéo quân về, đi thẳng lên Cần Úc đánh quân Võ Tánh. Hai bên kịch chiến suốt hai ngày đêm, Võ Tánh trá bại, Nguyễn Huỳnh Đức phục binh trên núi với cung tên và súng đạn. Võ Ðình Tú bị mắc mưu giục quân đuổi theo. Tên trên núi bắn xuống như mưa, chen vào những tiếng súng nổ. Quân Tây Sơn bị trúng tên lớp chết lớp bỏ chạy. Ðình Tú tả xung hữu đột, cây thiết côn gạt phăng bao nhiều mũi tên bắn vun vút vào người và ngựa. Nhưng không thể tránh khỏi đạn đồng. Bị thương nặng, máu chảy dầm mình, đuối sức ngã gục trên lưng ngựa. Ngựa hí một tiếng dài, nhảy ra khỏi trận tuyến, chạy một mạch về Phú Phong. Ðến nhà thì ngựa ngã lăn ra chết. Võ Ðình Tú cũng đã lạnh hết chân tay. Ðó là vào cuối tháng 4 năm Kỷ Mùi (1799).

 

<<<Trở Lại 9

>>>Đọc Tiếp 11

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.