QUÁCH CHƯƠNG
Khi còn bé tôi đã bị hấp dẫn bởi giang hồ sông nước vì muốn đi theo chị tôi. Thuở ấy tôi còn quá bé, tôi không được đi khỏi con hẻm trước nhà, thấy chị tôi đi chơi tôi muốn đi theo, chị tôi nói là đi ra bờ sông xem, tôi không hiểu sông là gì chỉ nghe chị tôi nói nó có màu xanh đẹp lắm, tôi cũng không biết màu xanh là gì nên đòi đi theo để xem, nhưng ba tôi không cho chị tôi dẫn tôi đi vì sợ tôi gặp nguy hiểm. Chính vì thế mà ý muốn khám phá ra sông nước là gì lại ngày càng thôi thúc trong tôi.
Cho đến một hôm, khi tôi đã lớn cứng cáp hơn thì ba tôi đã đồng ý cho chị tôi dẫn tôi ra sông để xem cho biết, nhưng dặn chị tôi phải trông coi tôi cho cẩn thận, con nít xuống sông bị chết chìm là những lo lắng của bậc cha, mẹ nên ba tôi phải dặn đi dặn lại chị tôi là phải luôn luôn trông chừng em rồi mới cho chúng tôi đi.
Vừa mới đi vòng quanh vài con hẻm, đến một xóm khác, đã thấy xuất hiện những con mương nhỏ. Chị tôi kéo tay tôi chỉ cho tôi xem những đàn cá liềm kiềm và lòng tong đang bơi lượn dưới dòng nước trong vắt, lẫn trong những đám rong xanh. Ôi lần đầu tiên được thấy những con cá bơi lội tung tăng tôi bỗng ngạc nhiên và khoái chí làm sao, có đứa trẻ khác nhào xuống mương lội bắt cá tôi cũng muốn làm như nó nhưng chị tôi cản lại không cho. Rồi chị tôi lại dẫn tôi đi tiếp qua con đường đất, hai bên là hai hàng dừa xanh, phía sau là những cái ao cá thật lớn, có đàn vịt trắng đang tung tăng bơi lội kêu oang oát, cạp cạp, thỉnh thoảng có anh vịt chúi đầu xuống nước để bắt cá hay rửa mỏ gì đó. Ôi tâm trí trẻ thơ tôi lúc đó như được mở tầm mắt ra , khám phá hết cái này đến cái khác, tôi càng lúc càng tò mò, háo hức vô cùng.
Chúng tôi tiếp tục đi ra một chút nữa thì tới con đường đất đỏ lớn hơn, đó là đường Thái Lập Thành, hai bên đường nhà nào cũng đào ao thả cá. Thuở ấy, người ta vẫn sống phổ biến trong những căn nhà lợp lá hoặc nhà cất bằng gỗ, lợp mái ngói âm, dương, chưa có nhiều nhà xây bằng gạch, cát, xi măng, cũng chưa xuất hiện nhà xây lầu, nhà có gác gỗ là ngon lành lắm rồi. Tôi còn nhớ lúc ấy trên đường vẫn còn những vũng nước lớn, khi đi qua chúng tôi phải xắn quần lên, nòng nọc bơi tung tăng trong vũng, tôi không biết gì tưởng là cá nên lấy tay bắt, không ngờ tôi lại bắt được nó một cách dể dàng. Nhưng chị tôi bắt tôi phải thả chúng lại, chúng là cá cóc, không phải là cá, tôi thắc mắc hoài, sau này mới biết.
Đi tiếp tới nữa thì đã tới sông, dưới sông các anh chị lớn đang bơi lội, vẫy vùng, trong đám đó có ông anh trai của tôi nữa. Chị tôi kêu anh tôi ơi ới, nói sẽ về mét ba tôi về tội tắm sông, nhưng anh tôi không nghe vì anh tôi biết bơi nên Ba, Má tôi không cấm đoán. Ôi tôi cũng muốn tắm lắm, nhưng chị tôi quyết chí không cho, và giải thích cho tôi về sự nguy hiểm của sông nước, tuy tôi cũng không hiểu gì mấy, nhưng cũng thấy sờ sợ.
Chị tôi kéo tôi đi tiếp về phía cây cầu khỉ, cây cầu bắt qua bên kia bờ sông, là bên địa phận khác dẫn về vùng Tân Định hoặc Bà Chiểu, bên kia đầu cầu là một ngôi chùa. Nhìn xuống những khe tấm ván bắt cầu là dòng nước xanh đang chảy cuồn cuộn khiến tôi vô cùng sợ hãi, nhưng chị tôi cõng tôi đi qua nên cũng không sao, chúng tôi vào trong chùa, ngôi chùa này hoàn toàn là dạng nhà sàn bắt trên sông, không trang nghiêm như những ngôi chùa xây nhưng cũng thờ cúng đầy đủ các tượng Phật. Bao bọc chung quanh chùa là ruộng hoa sen, hoa sen nở màu hồng và trắng thật là đẹp, y hệt cảnh thần tiên. Ngày nay có lẽ tôi sẽ còn không bao giờ có thể tìm thấy được một cảnh chùa mát mẻ và thiên nhiên như vậy.
Dòng sông, bến nước, con đò là những gì gắn liền với đời sống người dân Sài Gòn thuở ấy. Chính vì thế mà thơ, ca, nhạc, họa đều có khắc họa hình ảnh sông, nước là những gì thể hiện của nếp sống ngày xưa mà bây giờ nó càng ngày càng bị nhấn chìm vào quên lãng của người dân thành thị. Khi cuộc sống càng ngày càng hiện đại hơn thì người ta không còn nhớ đến, nghĩ đến một thời lạc hậu nữa.
Nhưng với tôi, đó là sự mất mát to lớn, còn đâu nữa những ngày tháng êm đềm của ngày xưa đó, những ngày xưa yêu dấu, khi tôi thường xuyên lang thang trong những con hẻm đất, vòng ra bờ sông, leo lên cây cầu khỉ gập ghềnh để ngắm những buổi bình minh, nhìn mặt trời dần lên từ phía chân trời xa tắp sau cánh đồng rau muống bát ngát và những rặng dừa nước, hít thở sảng khoái cái không khí mát mẻ của buổi ban mai, lòng tràn ngập những nỗi hân hoan vô bờ bến.
Có khi nhìn dòng nước trong xanh chảy cuồn cuộn dưới chân cầu, vòng quanh những rặng dừa nước rồi lẫn dưới bãi thảm rau muống xanh bát ngát và những đám lục bình có hoa màu tim tím. Mặt trời lặn dần sau những đám mây hồng, cam rực rỡ vào lúc trở chiều, thôi thúc trong tôi những niềm cảm hứng khôn nguôi. Tôi vội vàng chạy về nhà lấy cọ, viết, màu nước vẽ lên giấy hình ảnh mặt trời màu cam, ẩn hiện trong những đám mây xám bàng bạc trên cánh đồng nhuộm vàng rực rở của ánh sáng ban chiều, khiến lòng tôi bỗng cảm thấy lâng lâng bay bổng.
Chính những không gian hồn hậu ấy mới khiến cho lòng người cảm nhận được nghệ thuật. Tôi còn nhớ mãi niềm cảm xúc liên tưởng tới những cảnh trời chiều như trong bài thơ của bà Huyện Thanh Quang mà tôi được học vào năm lớp đệ lục ( Lớp 7):
TRỜI CHIỀU BẢNG LẢNG BÓNG HOÀNG HÔN,
TIẾNG ỐC XA ĐƯA LẪN TRỐNG ĐỒN.
GÁC MÁI, NGƯ ÔNG VỀ VIỄN PHỐ,
GÕ SỪNG, MỤC TỬ LẠI CÔ THÔN.
NGÀN MAI LÁC ĐÁC CHIM VỀ TỔ,
DẶM LIỄU SƯƠNG SA KHÁCH BƯỚC DỒN.
KẺ CHỐN CHƯƠNG ĐÀI, NGƯỜI LỮ THỨ,
LẤY AI MÀ KỂ NỖI HÀN ÔN ?
Tôi không biết là có sớm quá hay không? Đó là tâm lý bình thường hay khác thường? Các bạn đồng trang lứa có ai giống tôi thuở đó hay không? Nhưng lúc ấy tôi chỉ mới đang học lớp 7 ( Đệ Lục ) mà đã biết để ý tới một người bạn gái trong lớp và cứ đi sau lưng cô ấy sau mỗi lần tan lớp. Giống y hệt bài hát NGÀY XƯA HOÀNG THỊ của nhạc sĩ PHẠM DUY phổ nhạc từ bài thơ của tác giả PHẠM THIÊN THƯ vậy:
Em tan trường về Đường mưa nho nhỏ Em tan trường về Đường mưa nho nhỏ Ôm nghiêng tập vở Tóc dài tà áo vờn bay Em đi dịu dàng Bờ vai em nhỏ Chim non lề đường Nằm im giấu mỏ Anh theo Ngọ về Gót giày lặng lẽ đường quê Em tan trường về Anh theo Ngọ về Chân anh nặng nề Lòng anh nức nở Mai vào lớp học Anh còn ngẩn ngơ ngẩn ngơ Em tan trường về Mưa bay mờ mờ Anh trao vội vàng Chùm hoa mới nở Ép vào cuốn vở Muôn thuở còn thương còn Thương Em tan trường về Anh theo Ngọ về Em tan trường về Anh theo Ngọ về Môi em mỉm cười Man man sầu đời tình ơi Bao nhiêu là ngày Theo nhau đường dài Trưa trưa chiều chiều Thu đông chẳng nhiều Xuân qua rồi thì Chia tay phượng nở sang hè | Rồi ngày qua đi qua đi qua đi Như phai nhạt mờ Đường xanh nho nhỏ Như phai nhạt mờ Đường xanh nho nhỏ Hôm nay tình cờ Đi lại đường xưa đường xưa Cây xưa còn gầy Nằm phơi dáng đỏ Áo em ngày nọ Phai nhạt mây màu Âm vang thuở nào Bước nhỏ tìm nhau tìm nhau Xưa tan trường về Anh theo Ngọ về Nay trên đường này Đời như sóng nổi Xóa bỏ vết người Chân người tìm nhau tìm nhau Ôi con đường về Ôi con đường về Bông hoa còn đẹp Lòng sao thấm mềm Ngắt vội hoa này Nhớ người thuở xưa thuở xưa Xưa tan trường về Anh theo Ngọ về Xưa tan trường về Anh theo Ngọ về Đôi chân mịt mù Theo nhau bụi đỏ đường mưa Xưa theo Ngọ về Mái tóc Ngọ dài Hôm nay đường này Cây cao hàng gầy Đi quanh tìm hoài Ai mang bụi đỏ đi rồi Ai mang bụi đỏ đi rồi Ai mang bụi đỏ đi rồi |
NGÀY XƯA HOÀNG THỊ / Trình bày: NGỌC HẠ
Tình của tôi giống tương tự như bài hát nhưng khác là tôi không biết trao vội vàng cành hoa mới nở mà chỉ biết đi tò tò phía sau của cô bạn học chung lớp mà thôi. Nhà của cô ấy phải đi từ Tân Định qua một cây cầu gỗ đường Trần Khắc Chân để vào những khu xóm giống như khu cù lao thông qua Bà Chiểu hoặc Phú Nhuận, chính vì thế mà tôi hay thích đi qua cây cầu khỉ và những ruộng rau muống để tới trường thay vì đi ngoài đường lộ gần hơn.
Thuở ấy rất là ngây thơ lắm, chính vì thế mà sau này tôi mới hiểu tại sao một đứa trong đám bạn gái học chung lớp tự nhiên thì thầm với mấy đúa khác là nhìn mặt tôi khờ hết mức, làm tôi nghe thấy được vừa tức lại vừa quê quá độ, mà không biết tại sao tự dưng con nhỏ đó nói vậy.
Thật ra tôi không chủ tâm để ý người bạn gái ấy, chỉ vì do một lúc chúng tôi đang ngồi trò chuyện chung trong đám bạn thân, cô ta bỗng quay qua khen tôi vẽ đẹp, lời khen ấy chẳng khác nào mật rót vào lòng khiến tim tôi vô cùng xao xuyến , đâm ra ngày đêm tơ tưởng . Lúc ấy tôi mới biết thế nào là thấm thía câu ca dao khá là phổ biến: ” Nhớ ai ra ngẫn vào ngơ / Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai”. Mỗi buổi chiều về nhà tôi cứ vào ra, thơ thẩn, ôm ấp nỗi thương thầm , nhớ trộm khôn nguôi.
Vào thời gian đó, chúng tôi đã được học môn Giảng văn mà môn này lại chia ra làm hai phần đó là: ” Kim văn và cổ văn”. Lúc ấy chúng tôi rất quý mến cô giáo như một người mẹ thứ hai của mình, cô thường khuyên chúng tôi nên tìm những quyển sách hay để đọc như sách: “NHỮNG TÂM HỒN CAO THƯỢNG của dịch giả Hà Mai Anh, QUÊ NGƯỜI hay DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ của tác giả Tô Hoài, các tác phẩm của các nhà văn của Tự Lực Văn Đoàn, hoặc các tác phẩm của các nhà văn Nhật Tiến hay Duyên Anh v.v…
Có lần tôi đã xung phong lên thuyết trình cuốn truyện nhỏ có tựa là XÓM NHỎ của tủ sách Hoa Xanh mà tác giả là ai bây giờ tôi không nhớ nổi, hay là thuyết trình về tác phẩm CON ĐƯỜNG SÁNG của nhà văn Hoàng Đạo. Kỹ năng của chúng tôi lúc đó khi lên thuyết trình là kể lại tóm tắt nội dung câu chuyện, chúng tôi được về nhà soạn ra rồi khi vào lớp, đem lên cầm đọc một lèo trước cả lớp, lâu lâu phải ngẩng mặt lên nhìn mọi người ở dưới giống như xướng ngôn viên đài truyền hình vậy. Kể xong thì các bạn ở dưới được quyền nhận xét, có thắc mắc gì thì thuyết trình viên phải giải thích cho tường tận. Tuy mỗi lần lên thuyết trình như vậy tôi đều thấy rất run, sau đó cũng lấy được bình tỉnh. Những luyện tập như vậy sau này đã có ảnh hưởng rất tốt cho chúng tôi sau này.
Cũng nhờ nghiên cứu các tác phẩm mà tôi nhớ mãi bài thơ TÌNH TUYỆT VỌNG được nhà văn Khái Hưng trích dịch từ một bài thơ của một nữ văn hào mà tên người này nếu cần tôi phải mở ra xem lại trong loạt truyện ngắn gộp chung trong tập ANH PHẢI SỐNG của hai nhà văn Khái Hưng và Nhất Linh. Ngay cả tên truyện ngắn có bài thơ này tôi cũng không nhớ nỗi, hình như là TIẾNG SÉT ÁI TÌNH thì phải. Lời của bài thơ như sau:
Lòng ta mang một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thu
Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay
Hỡi ơi người đó ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân
Còn gì nữa thì đã quá lâu rồi tôi không tài nào nhớ hết, chỉ biết rằng lời bài thơ đã làm cho tôi nhớ thương cô bạn gái ngày ấy một cách da diết. Cảm giác đó người ta thường gọi là ” Nỗi đau dịu dàng ” hay là ” Nỗi cay đắng ngọt ngào ” với tôi đều đúng hết.
Cô bạn ngày xưa ấy cũng có giọng ca rất hay, rất truyền cảm. Những buổi liên hoan lớp Cô ấy thường được các bạn yêu cầu ca bản ĐÒ CHIỀU hay DUYÊN QUÊ nghe rất hay và gây nhiều cảm xúc. Bây giờ, đôi khi nghe ca sĩ PHƯƠNG DIỄM HẠNH hát những bản nhạc thân quen ngày xưa ấy , tôi bỗng hồi tưởng lại giọng hát của cố nhân thuở nào, chạnh lòng muốn được gặp lại những bạn cũ ngày xưa mà thời gian đã làm trôi dạt đi phương trời nào không còn biết nữa.
DUYÊN QUÊ / Trình bày: QUANG LÊ- NGỌC HẠ
Cũng thời gian đó là thời gian thịnh hành và là đỉnh cao của bài hát THÀNH PHỐ BUỒN của nhạc sĩ Lam Phương. Mặc dầu là một học sinh rất ham học và luôn luôn muốn tới trường mỗi ngày để được há hốc mồm mà nghe các thầy cô giảng bài một cách say mê, tôi cũng không tránh khỏi sự cám dổ của các buổi trình diễn văn nghệ nên đã bắt đầu biết cúp cua để xem ca sĩ Chế Linh hát bài Thành phố buồn cho bằng được. Vả lại từ trường tôi học ở Tân định mà ra Trung tâm xổ số kiến thiết đâu có bao xa. Thuở ấy sau mỗi lần xổ số kiến thiết quay xong thì luôn luôn là các buổi biểu diễn văn nghệ, có cả các tiết mục tấu hài của các danh hề Khả Năng, Phi Thoàn, Thanh Hoài, Thanh Việt, Tùng Lâm v.v… Những lần cúp cua đó thật là đáng đồng tiền, bát gạo. Sau khi xem văn nghệ xong, đi bộ lang thang ra con đường Duy Tân đầy bóng mát của hai hàng cây sao, vừa đi, vừa ngẫm lời bài ca, lòng tôi bỗng bâng khuâng, xao xuyến và nhớ người thương da diết. Tưởng tượng đến hình ảnh cô bạn về làm dâu nhà người, tim tôi bỗng thấy buồn bã và thương nhớ khôn nguôi.
THÀNH PHỐ BUỒN / Trình bày: CHẾ LINH
Khác với bây giờ, nền giáo dục ngày xưa ảnh hưởng nhiều của Nho Giáo, dạy con người đi tìm chân thiện mỹ và sống lối sông của người Quân Tử. Ngày xưa khi trai gái quen nhau hoặc có tình ý với nhau thì chỉ có việc nắm tay nhau thôi cũng là khó khăn lắm, bởi vì ông, bà, cha, mẹ và ngay cả nhà trường cũng đều giáo dục câu :” Nam, nữ thọ thọ bất thân”. Con gái là không được cho con trai nắm tay vì như vậy có thể coi như là mất danh giá gia đình. Chính vì thế mà dì của tôi khi còn đi học đã trở về nhà khóc sướt mướt, bù lu, bù loa vì bị một người con trai nắm tay. Dì tôi khi ấy cứ nghĩ là mình sẽ có bầu vì bị nắm tay, bởi vì ông, bà tôi cấm đoán không được cho con trai nắm tay, nếu để cho nó nắm tay thì sẽ mang bầu, làm mất danh giá gia đình, đâu có biết đâu là từ lúc nắm tay tới lúc mang bầu thì cũng phải có quá trình nhất định.
Cũng vì vậy mà học sinh thời ấy chỉ có những mối tình thầm yêu, trộm nhớ mà thôi. Lâu lâu mới có vài anh chị chạy theo phong trào Happy ( Phong trào bận quần ống loe hay quần ống xì gà, con trai để tóc dài bắt chước thần tượng John Lennon của ban nhạc The Beatles) phá rào cản cổ hủ, dẫn tới mấy chị bị xem là có chửa hoang. Cô nào bị có chửa hoang thì coi như là đừng hòng nhìn mặt bạn bè, vì như thế là nhục lắm.
Người ta nói tình yêu bắt đầu từ ánh mắt cũng đúng. Khi tâm tư tôi ngày đêm tưởng nhớ nàng thì chỉ mong tới giờ đến lớp để gặp lại hình bóng ấy cho vơi đi nỗi nhớ nhung khắc khoải. Những khi đám bạn ngồi tụ họp nói chuyện trên trời, dưới đất thì đó là những dịp cho ánh mắt của người thầm thương, trộm nhớ trông chờ ánh mắt của nhau. Khi chạm thấy ánh mắt của cô ấy thì lập tức như có một luồng điện hay sấm sét gì đó khiến cho tôi choáng ngay lập tức, luồng điện sinh học truyền mạnh từ đôi mắt, xoáy vào ngay điểm giữa hai chân mày rồi tỏa khắp cơ thể gây khẽ rùng mình, tim bỗng tăng trào những nhịp đập sung sướng và thỏa mãn.
Cảm giác say đắm của ánh mắt là chính niềm thôi thúc mạnh mẽ khiến tôi cứ mãi trông chờ được gặp nàng mỗi ngày để được nạp thêm năng lượng. Nạp xong thì cảm thấy hưng phấn mãnh liệt, cảm thấy yêu đời, yêu người không biết mệt mõi, cuộc sống dâng trào biết bao nhiêu ý nghĩa tươi đẹp, ca hát suốt ngày và thấy cuộc đời đầy tương lai tươi sáng. Cuộc đời là cả một màu hồng không hề bám một chút nào vẫn đục của cuộc đời.
Bây giờ, kỷ niệm cứ theo nhau kéo về trong tôi, khiến tôi nhớ lại biết bao nhiêu là hình ảnh của ngày xưa. Tôi còn nhớ những ngày bắt đầu nghỉ Tết, chúng tôi được nghỉ từ lúc 23 đưa ông Táo về trời. Đám bạn thân trong lớp học rủ nhau đi cúng Lăng Ông Bà Chiểu để xin sâm. Lăng ông ngày đó rất là tôn nghiêm nhưng cũng mang đầy vẻ thơ mộng, chợ Tết được bày bán chung quanh Lăng vô cùng náo nhiệt, vui vẻ, đầy đủ tất cả các loại bông, hoa, bánh mứt, các ông đồ bày hàng viết chữ Nho:
MỖI NĂM HOA ĐÀO NỞ
LẠI THẤY ÔNG ĐỒ GIÀ
BÀY MỰC TÀU, SÁCH, VỞ
BÊN PHỐ ĐÔNG NGƯỜI QUA
Hoa Mai vàng, trắng và các loại Mẫu Đơn, Thược Dược … đua nhau khoe sắc màu tươi thắm, khiến cho hồn tôi cảm thấy phơi phới, sức sống của mùa Xuân trong tôi trào dâng mãnh liệt.
Chúng tôi gồm ba nam, ba nữ, hai anh nam kia tuy học chung lớp nhưng lớn hơn tôi 1-2 tuổi, ba người bạn gái thì đồng tuổi với tôi trong đó có một cô được xem là hoa khôi trong trường học, một cô thì bình thường và cô còn lại là cô ca hay mà tôi để ý. Không ai biết là tôi có tình cảm với cô ấy vì đó là mối tình thầm kín mà tôi không hề bày tỏ với ai.
Cô bạn hoa khôi thì có gương mặt rất đẹp, gương mặt hồng hào và đẹp một cách thánh thiện, một phần giống Phật bà Quan Âm, một phần giống như tranh vẽ thiếu nữ Tây Phương khiến cho một trong hai người bạn tôi tên là H đã thương cô ấy một cách say đắm nhưng rất buồn và tuyệt vọng. Vì H khi ấy rất nghèo, từ miền Trung vào Nam, phụ việc cho một người chú ruột để đi học, còn cô gái thì gia đình đã hứa hôn rồi, mặc dầu tuổi chỉ mới 12-13 mà thôi. Khi biết H thương mình thì thông qua người bạn kia, cô ấy chỉ biết nhắn lại rằng thôi H đừng buồn nữa mà hãy ráng quên đi, vì cô đã hứa hôn và sắp lấy chồng rồi. Nếu như bây giờ có dịp gặp lại mới biết cô bạn ấy đã bao nhiêu đứa con, nhan sắc còn được bao nhiêu phần mặn mà hay thời gian và nếp sống nhọc nhằn của xã hội đã làm tan biến đi tất cả.
Thuở đó tôi cũng thích nhìn ngắm vẻ đẹp của cô bạn hoa khôi, nhưng tất cả tâm hồn tôi là cô bạn kia, mặc dầu cô ấy cũng bình thường như bao cô gái khác. Tất cả chỉ vì lời mật ngọt rót vào lòng kia thôi. Chính những tình cảm đó đã cho tôi biết bao là cảm xúc, những cảm xúc mà tôi nghĩ rằng giới trẻ sau này không thể nào có được, vì nó hòa quyện vào không gian của những ngày xưa thân ái, với mọi người là lòng thương yêu nhiều hơn ganh ghét, không gian mà những bài hát xưa khi ấy mới thật là có nghĩa, còn bây giờ đối với giới trẻ thành thị hiện tại không có gì để còn có thể để gây ấn tượng được.
Những dấu ấn của thời gian còn đó, mà cảnh xưa hầu như đã tan biến lâu rồi, vì thế đôi khi nghe lại nhữnhg bản nhạc xưa mà tôi bỗng chạnh lòng nhớ về đường xưa lối cũ:
QUA BẾN, NƯỚC XƯA LÁ HOA VỀ CHIỀU
LẠNH LÙNG, MỀM ĐƯA TRONG NẮNG LƯA THƯA
KHI ĐẾN CUỐI THÔN CHÂN BƯỚC KHÔNG HỒN,
NHỚ SAO LÀ NHỚ ĐẾN NGƯỜI NGÀY XƯA
Hoặc là:
VƯỢT NGÀN MÂY XANH BIẾC, VƯỢT NÚI CAO CHẬP CHÙNG, CHIỀU NAY ANH TRỞ LẠI TÌM EM.
SÔNG NƯỚC TRÔI LỮNG LỜ, CON ĐÒ XƯA VẪN CHỜ, MÀ SAO BÓNG NGƯỜI ĐÂU HỮNG HỜ.
NẮNG CHIỀU / Trình bày: KIM ANH, DOANH DOANH
Thời gian trôi qua và những gì thuộc về quá khứ, dĩ vãng chỉ còn lại trong ký ức, thuộc về ký ức và mãi mãi không tìm lại được nữa. Đôi khi tôi nghĩ giá như cuộc đời hiện tại chỉ như là một giấc mơ, khi tỉnh giấc thì mình vẫn còn nhỏ và chung quanh tôi vẫn còn đó những người thân yêu đã ra đi.
THUYỀN KHÔNG BẾN ĐỔ / Trình bày: NHƯ QUỲNH
Tôi còn nhớ là tôi có một giấc mơ, nội dung ra sao thì hầu như tôi không còn khả năng để lục lại trong bộ não để kể cho các bạn, nhưng trong giấc mơ đó tôi có cảm giác thật khỗ sở như bị đày đọa khủng khiếp. Hình như giấc mơ đó không có hình ảnh mà chỉ có tâm trạng, bây giờ khi kể lại cho các bạn thì tôi chợt nhớ và nhận ra rằng hình như khi tôi thoát ra khỏi giấc mơ đó chính là tôi đã trở về từ cõi chết. Đúng rồi khi đó tôi đã rất mừng vì mình còn sống, giấc mơ đó là giấc mơ tôi thấy mình đang chết. Không biết là lúc ấy tôi sắp chết khi ngủ hay không, nhưng hình như tôi bị cảm giác ngạt thở giống như mình bị nhốt trong một cái hòm tối tăm mà tâm trạng thì như bị đày ải trong nỗi thống khổ khủng khiếp. Tôi cố thoát ra tình trạng đó và ước rằng là mình đang mơ. Thoát ra khỏi giấc mơ đó chẳng khác nào trở về từ địa ngục vậy. Giấc mơ đó xảy ra đã lâu lắm rồi, khi tôi mới học khoảng lớp 7-8 gì thôi, và tôi đã tỉnh dậy sau một giấc ngủ trưa hè ngột ngạt kéo dài tới chiều sụp tối. Thoát được giấc mơ đó là nỗi mừng vô hạn, giống như mình được trở về một thực tại vui sướng từ một kiếp khác vô cùng thống khổ. Nếu tôi nhớ không lầm thì tôi đã tỉnh dậy sau giấc mơ này là nhờ người em trai tôi đã đánh thức tôi dậy vì thấy tôi ngủ đã quá lâu mà đã sắp tới giờ ba, má tôi trở về. Tôi phải dậy để nấu cơm cho mọi người ăn. Có lẽ nhờ đó mà tôi đã thoát chết vì ngạt thở không chừng.
Giá như bây giờ tôi có thể thoát ra khỏi thực tại để trở về sống lại trong quá khứ của thời gian ấy. Nếu như có tồn tại một cỗ máy thời gian đưa tôi về lại thời gian những ngày xưa. Tất cả, chỉ còn lại là những nuối tiếc như lời tôi viết trong những câu thơ sau đây:
Tôi vẫn mơ về một dòng sông,
Nơi có tình yêu quá mặn nồng,
Nơi đó lòng tôi bao thương nhớ,
Nơi đó hồn tôi nỗi nhớ mong.