Chiếc lá cuối cùng

Tác giả: O. Henry

Ở một quận nhỏ phía tây Quảng Trường Washington có những phố nhấp nhô thật kỳ quặc chạy dài thành những dải nhỏ gọi là “những lối đi”. “Những lối đi” này làm thành những góc và đường lượn cong đến lạ. Một phố mà tự nó chạy ngang chạy dọc đến một đôi lần. Có một họa sĩ đã phát hiện ra khả năng giá trị của con phố này. Giả dụ có nhân viên nào đi thu tiền hóa đơn mua sơn, giấy và vải bạt vẽ mà phải đi qua con phố này chắc đột nhiên lại thấy mình trở lại chỗ cũ mà không thu được một xu tiền mua hàng nào!

Vậy là đám họa sĩ đổ đến Làng Greenwich cổ lỗ để săn tìm lấy những căn phòng áp mái kiểu Hà Lan có cửa sổ xoay về hướng đông, có đầu hồi từ thế kỉ XVIII, và giá lại rẻ. Sau đó họ mang từ Đại lộ Sáu đến những cốc vại bằng thiếc và một hay hai cái chảo hâm nóng thức ăn, và thế là họ lập nên một “khu nghệ sĩ”.

Trên tầng thượng của tòa nhà gạch ba tầng, thấp có Sue và Johnsy thuê làm phòng vẽ, “Johnsy” là tên quen gọi của Joanna. Một người đến từ Maine, còn người kia đến từ California. Họ gặp nhau ở quán ăn ‘Delmonico’ trên Đại lộ Tám trong một bữa ăn theo suất và thấy là họ có sở thích về hội họa, món xa-lát rau diếp xoắn và mặc áo có ống tay kiểu giám mục tương đắc đến mức họ cùng nhau lập nên phòng vẽ đó.

Chuyện đó xảy ra vào tháng năm. Đến tháng mười, một kẻ lạ mặt vô hình, lạnh lẽo mà bác sĩ gọi là Bệnh Viêm Phổi đã rình rập quanh khu văn nghệ sĩ, với ngón tay băng giá động chạm lung tung cả. Kẻ tàn phá này đã ngạo nghễ lan tràn ở Khu East Side, biến hàng tá người thành nạn nhân của nó, nhưng đôi bàn chân của nó vẫn từ từ đi qua cả khu hỗn mang gồm “những lối đi” mọc rêu phong và chật hẹp.

Kẻ gây Bệnh Viêm Phổi đó đâu có phải là một quân tử hào hiệp. Ai lại già cả như thế, thở không ra hơi, nắm tay thì đỏ như cội kia lại đang tâm đánh vào một cô gái nhỏ bé đã từng bị cơn gió tây miền California làm cho mất máu nhiều rồi. Nhưng lão vẫn cứ tấn công Johnsy và nàng nằm đó, hầu như không cử động trên chiếc giường sắt sơn, nhìn qua khung cửa sổ nhỏ của căn phòng kiểu Hà Lan vào phía bên trống trải của ngôi nhà gạch bên cạnh.

Một sáng, viên bác sĩ tất bật có bộ lông mày xám, rậm tua tủa mời cô Sue vào lối hành lang.

– Tôi phải thông báo cho cô hay rằng cô bạn của cô rất ít có cơ hội khỏi bệnh, chỉ có một trên mười cơ hội thôi – ông ta nói, tay lắc lắc chiếc cặp nhiệt độ cho thủy ngân xuống – Mà cơ hội đó chỉ là cô ấy có còn muốn sống nữa không thôi. Chứ cứ cái cung cách như mọi người ngồi chờ xếp hàng cho dân nhà đòn đến đưa đi thì cứ gọi là toàn bộ các sách dược điển cũng thành ngớ ngẩn hết. Cô bạn bé nhỏ của cô tỏ ra cương quyết không muốn khỏi bệnh. Thế cô ấy có ý định gì không?

– Cô ấy… cô ấy muốn một ngày nào đó vẽ Vịnh Naples – cô Sue nói.

– Vẽ ư? Thật phi lý! Thế cô ấy có nghĩ điều gì đáng để nghĩ, ví dụ về một người đàn ông chẳng hạn?

– Về một người đàn ông a? – Sue nói, giọng nghe như tiếng đàn loa nhỏ của người Do Thái – Liệu một người đàn ông có đáng… nhưng mà thôi, bác sĩ ạ, không có cái gì đại loại như vậy đâu.

– Chà, thế thì đó chính là vì cô bạn ấy yếu quá rồi – viên bác sĩ nói – tôi sẽ cố gắng làm tất cả những gì khoa học từ trước đến nay có thể làm được. Nhưng cứ khi nào bệnh nhân của tôi bắt đầu đếm được những chiếc xe trong đoàn đưa tang thì lúc ấy coi như sự công hiệu chữa khỏi bệnh của thuốc chỉ còn có một nửa. Nếu cô làm thế nào mà hỏi được cô ấy về kiểu ống tay áo khoác mới cho mùa đông thì tôi hứa với cô là lúc này cơ may khỏi bệnh sẽ là một trên năm, chứ không phải một trên mười nữa.

Sau khi viên bác sĩ đi khỏi, Sue đi vào trong phòng vẽ, rồi khóc cho đến lúc chiếc khăn giấy Nhật Bản tan tơi tả ra thành bột giấy mới thôi. Sau đó cô nghênh ngang đi vào phòng Johnsy, tay cầm giá vẽ, miệng huýt sáo một điệu nhạc ragtime của người Mỹ da đen.

Johnsy nằm bẹp ra đấy, hầu như không động đậy, dù chỉ làm cho toàn bộ đồ giường lay động một chút cũng không. Mặt nàng hướng về cửa sổ. Sue ngừng huýt sáo, nghĩ là cô bạn của mình đang ngủ.

Sue sắp xếp giá vẽ và bắt đầu vẽ bằng mực một bức minh họa cho một câu chuyện trên tạp chí. Các họa sĩ trẻ phải mở đường đến Hội họa bằng cách vẽ tranh minh họa cho các truyện đăng trên tạp chí của các nhà văn trẻ là những người viết truyện để mở đường đến với Văn học.

Sue đang vẽ phác họa một cái quần cưỡi ngựa trông thật đẹp trong ngày trình diễn ngựa và một cái kính một tròng về một nhân vật yêng hùng, đó là một anh chàng chăn bò bang Idaho thì cô nghe thấy có tiếng nói khẽ, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Cô chạy bổ đến bên giường.

Mắt Johnsy mở to. Nàng đang nhìn ra ngoài cửa sổ và đếm ngược.

“Mười hai” – nàng nói và một lát sau – “mười một” – rồi đến – “mười” – và – “chín” – rồi đến – “tám” – và – “bảy” – gần như liền với nhau.

Sue lo lắng nhìn ra ngoài cửa sổ. Có gì ở đó mà đếm nhỉ? Chỉ là một cái sân trơ trụi, ảm đạm và bức tường trơ trụi của ngôi nhà gạch cách độ một chục mét. Có một giàn cây thường xuân già cỗi lắm rồi, vặn xoắn vào nhau, trông mục nát đến tận gốc, leo lên được đến nửa bức tường. Gió thu lạnh thổi táp lá cây chỉ còn trơ xương cành treo lủng lẳng, gần như trần trụi, trên những hòn gạch vỡ vụn.

– Cậu nhẩm đếm cái gì thế? – Sue hỏi.

– “Sáu” – Johnsy nói, gần như là một tiếng thì thầm – Giờ thì chúng rơi nhanh hơn. Cách đây ba ngày còn gần đến một trăm, khiến cho mình đếm đến đau cả đầu. Giờ thì quá dễ. Lại một cái nữa rụng rồi. Thế là chỉ còn lại có năm nữa thôi.

– Năm cái gì hả? Nói cho Sudie của cậu nghe đi.

– Những chiếc lá. Trên cây thường xuân ấy. Khi chiếc lá cuối cùng rụng thì mình cũng đi luôn đấy. Mình biết điều này đã ba ngày nay rồi. Thế bác sĩ không nói gì với cậu sao?

– Ồ, mình có nghe thấy nói đến điều ngốc nghếch ấy đâu – Sue phàn nàn, tỏ rõ sự khinh mạn – Thế những chiếc lá cây thường xuân già cỗi kia có liên quan gì đến việc cậu khỏe ra nào? Mà bình thường ra cậu rất yêu mến cây thường xuân lắm cơ mà, cô bạn gái ngớ ngẩn à. Đừng có ngỗng thế. Hừm, bác sĩ sáng nay có nói với mình là cơ hội cậu khỏe lại là rất sớm, để xem chính xác ông ấy nói gì nào, ông ấy nói cơ hội là một trên mười! Chà, thế là cơ hội chẳng tốt như là chúng ta đã có ở thành phố New York khi chúng ta đi xe trên phố hoặc đi bộ qua một tòa nhà mới sao. Thôi nào, cố gắng ăn chút nước súp thịt, để Sudie còn quay trở lại vẽ, rồi còn bán bức tranh đó cho biên tập tờ báo chứ, và sẽ mua rượu vang chát cho đứa con ốm yếu và thịt lợn băm cho bản thân thèm khát của mình nào.

– Cậu không cần phải có rượu vang nữa làm gì – Johnsy nói, hai mắt nàng dán vào cánh cửa sổ. – Lại một chiếc lá nữa rụng rồi. Không, mình không muốn ăn nước súp thịt đâu. Như vậy chỉ còn lại bốn chiếc lá. Mình muốn được chứng kiến chiếc lá cuối cùng rơi trước khi trời tối. Và lúc đó mình cũng đi thôi.

– Johnsy thân yêu ơi – Sue nói, ngả người phía trên nàng – cậu hứa với mình là hãy nhắm mắt lại và không nhìn ra ngoài cửa sổ cho đến khi mình làm xong công việc được không? Ngày mai mình phải nộp những bức tranh này rồi. Mình cần ánh sáng chứ không mình đã kéo màn che cửa sổ xuống rồi đấy.

– Thế cậu không vẽ ở buồng khác được sao? – Johnsy hỏi một cách lạnh lùng.

– Tớ thích ở đây với cậu cơ – Sue nói – Vả lại, mình không muốn cứ phải nhìn mãi vào những chiếc lá cây thường xuân ngớ ngẩn kia.

– Chừng nào cậu xong việc thì bảo mình nhé – Johnsy nói, nhắm mắt lại, nằm trắng bệch và không nhúc nhích như một bức tượng bị đổ ấy – vì mình muốn nhìn thấy chiếc lá cuối cùng rơi. Mình chán phải đợi chờ. Mình chán phải suy nghĩ. Mình muốn thả hết mọi thứ, không muốn cầm giữ vật gì nữa, rồi trôi tuột xuống, xuống mãi, giống như những chiếc lá mệt mỏi, đáng thương kia vậy.

– Cố ngủ đi. Mình phải chạy đi gọi Behrman lại làm người mẫu cho mình vào vai một thợ mỏ già ẩn dật. Mình chỉ đi một loáng thôi. Cậu đừng có mà cựa quậy người cho đến khi mình về đấy.

Ông già Behrman là một họa sĩ sống ở tầng trệt, ngay dưới căn hộ của hai người. Ông ta đã ngoài sáu mươi tuổi và có bộ râu của nhà tiên tri Moses theo bức tượng của Michael Angelo cong xuống từ đầu con Nhân Dương xuôi dọc theo thân con tiểu yêu. Behrman là hiện thân của sự thất bại trong hội họa. Đã bốn mươi năm ông cầm cây bút lông mà không sao đến gần được Nàng Hội Họa của mình. Lúc nào ông cũng đau đáu định vẽ một kiệt tác, nhưng chưa bao giờ ông bắt tay vào làm được điều đó. Đã bao năm nay ông chẳng vẽ được gì trừ thi thoảng bôi bôi quét quét cho đám làm ăn buôn bán hoặc quảng cáo. Ông cũng chẳng kiếm được mấy khi ngồi làm mẫu cho mấy họa sĩ trẻ đó trong khu nghệ sĩ, những người không có tiền để trả cho những người mẫu chuyên nghiệp. Ông uống rượu như uống nước lã, vậy mà vẫn luôn mồm nói đến kiệt tác sắp tới của mình. Ngoài những chuyện trên thì ông là một ông già nhỏ con, nhưng dữ tợn, người thường mắng mỏ như tát nước vào mặt những kẻ hèn yếu, song ông là người tự coi mình là con chó giữ nhà cho hai nữ họa sĩ trẻ sống ở tầng trên.

Sue thấy Behrman nồng nặc mùi hương quả bạch xù trong cái ổ tăm tối của ông ta ở dưới nhà. Tại một góc nhà có đặt một tấm bạt còn trống trơn trên giá vẽ, mỏi mắt chờ đến hai mươi lăm năm nay mong sao nhận được nét vẽ đầu tiên của kiệt tác đó. Cô liền kể cho ông ta nghe về ước muốn viển vông của Johnsy và cô sợ biết nhường nào khi Johnsy, một người gầy yếu và mỏng manh là thế, sẽ rơi như chiếc lá, khi mà sự níu kéo của nàng vào với thế gian này ngày một yếu đi như vậy.

Ông già Behrman hai mắt đỏ như cội cứ thế tuôn trào nước mắt, miệng hét lên tỏ rõ sự khinh thường và nhạo báng trước những sự tưởng tượng đến là ngốc ấy.

– Thật vớ vẩn! – Ông ta kêu lên – Trên đời này có ai lại ngu đến thế, nằm chịu chết vì mấy chiếc lá rơi khỏi cái cây dây leo chết tiệt kia không? Tôi chưa nghe thấy ai nói đến điều đó bao giờ. Không, tôi nhất quyết sẽ không ngồi làm mẫu cho cái con người khổ hạnh ngốc nghếch đó đâu. Tại sao cô lại để cho công việc ngốc nghếch đó lọt vào đầu cô ta cơ chứ? Ôi, cô Johnsy bé nhỏ đáng thương ơi!

– Cô ấy yếu lắm rồi, ông ạ. Vả lại cơn sốt đã để lại chấn thương não nên cô ấy cứ mơ mộng vẩn vơ đến là lạ thế đấy. Nhưng mà thôi, ông Behrman ạ, ông không đồng ý ngồi làm mẫu cho tôi cũng được, không cần đâu. Nhưng theo tôi, ông đúng là ông già lẩm cẩm, hay nói nhảm nhí, thật đến ngán.

– Cô đúng là đàn bà con gái có khác. Thế ai nói là tôi không ngồi làm mẫu nữa hả? Thôi nào, tôi sẽ đi cùng với cô đây. Trong nửa giờ đồng hồ liền, tôi đã ra sức nói là tôi đã sẵn sàng ngồi làm mẫu rồi cơ mà. Trời! Đây đâu có phải là nơi dành cho một người tốt như cô Johnsy đây phải nằm ốm cơ chứ. Đến ngày nào đó tôi sẽ tạo ra một kiệt tác và chúng ta sẽ đi chỗ khác. Trời! Thật đấy.

Khi hai người đi lên gác thì Johnsy đang nằm thiếp đi. Sue kéo màn che cửa sổ xuống và ra hiệu cho ông Behrman đi vào phòng khác. Vào đến bên trong, họ sợ hãi nhìn chăm chú cây thường xuân ngoài cửa sổ. Rồi họ nhìn nhau một lát mà không nói gì. Mưa lạnh lẽo vẫn rơi rả rích, có xen lẫn cả tuyết. Ông già Behrman trong chiếc áo sơ mi xanh cũ rích ngồi xuống làm mẫu một thợ mỏ ẩn dật trên chiếc siêu nước lộn ngược thay cho tảng đá.

Khi Sue tỉnh dậy trong một giấc ngủ được một tiếng đồng hồ vào sáng hôm sau, cô thấy Johnsy hai mắt mở to, trông dại, đang nhìn chăm chú vào cái rèm cửa xanh đã kéo xuống che.

– Kéo rèm lên đi! Tớ muốn được ngắm nhìn – nàng thì thào ra lệnh.

Sue đành phải làm theo một cách mệt mỏi.

Nhưng kìa! Sau cơn mưa tầm tã, xối xả cùng với gió gầm thét kéo dài suốt cả đêm đó, thì nổi lên trên bức tường gạch là một chiếc lá cây thường xuân. Đó là chiếc lá cuối cùng, vẫn còn xanh ở gần cuống, nhưng khía răng cưa đã đượm màu vàng úa. Nó đung đưa một cách gan góc trên cành cách mặt đất đến hai thước.

– Đó là chiếc lá cuối cùng đấy – Johnsy nói – Tớ cứ nghĩ chắc nó đã rơi từ lúc đêm cơ. Tớ nghe thấy tiếng gió thổi. Chắc hôm nay là nó rơi thôi và tớ sẽ chết cùng lúc đó.

– Ôi, bạn thân yêu ơi! – Sue nói, ngả bộ mặt mệt mỏi của mình xuống gối – Hãy nghĩ đến tớ chứ, cho rằng cậu không nghĩ gì đến bản thân rồi. Mình sẽ biết làm gì đây?

Nhưng Johnsy không đáp lại. Điều cô liêu nhất trên đời này là một linh hồn khi đang sẵn sàng đi tiếp chuyến đi xa đầy huyền bí. Sự mơ mộng dường như cứ bám lấy nàng ngày một mạnh mẽ hơn mỗi khi lần lượt những sợi dây ràng buộc nàng với tình bạn và với trần thế đã lỏng ra.

Ngày một tàn đi và dẫu cho có qua ánh hoàng hôn thì họ vẫn có thể nhìn thấy lá cây thường xuân kia đang bám vào cuống cây leo bám vào tường. Rồi khi đêm tràn đến, cơn gió bắc lại nổi lên, trong khi mưa vẫn rơi xối xả vào những cánh cửa sổ và ào ào đổ xuống đầu hồi thấp của ngôi nhà kiểu Hà Lan đó.

Khi trời còn đủ sáng Johnsy, một con người vô cảm, lại ra lệnh kéo rèm cửa lên.

Lá cây thường xuân vẫn còn đó.

Johnsy nằm nhìn lá cây đó mãi, rồi nàng gọi Sue đang quấy nồi cháo gà trên bếp ga.

– Mình là một cô gái tồi, Sue ạ – Johnsy nói – Có cái gì đó làm cho chiếc lá cuối cùng đó vẫn nằm trơ ra để bêu riếu mình là con người xấu xa đến nhường nào. Chỉ có tội lỗi mới muốn chết thôi. Giờ đây có thể cậu mang đến cho mình chút cháo để ăn và một ít sữa có một chút rượu vang đỏ trong đó, à mà thôi; hãy mang đến cho mình cái gương soi cầm tay cái đã; rồi lấy mấy cái gối chèn quanh người mình để mình ngồi dậy được nhìn cậu nấu ăn chứ.

Một giờ đồng hồ sau, nàng nói.

– Sudie ơi, đến một ngày nào đó mình ước gì vẽ được Vịnh Naples.

Đến chiều thì viên bác sĩ đến và khi ông ta về thì Sue có cớ đi ra ngoài hành lang.

– Cơ hội là như nhau giữa sống và chết, cô ạ – viên bác sĩ nói, tay nắm lấy bàn tay run rẩy, gầy gò của Sue – Nếu chăm sóc tử tế thì cô sẽ thắng. Bây giờ tôi phải đi khám cho một ca bệnh khác ở dưới nhà. Tên ông ta là Behrman, tôi nghĩ cũng đại loại là họa sĩ hay sao ấy. Ông ta cũng bị viêm phổi. Ông ta già và yếu quá, mà bệnh lại nặng. Không có hy vọng gì cho ông ta cả, nhưng hôm nay ông ta sẽ đi bệnh viện để cho được thoải mái hơn.

Ngày hôm sau viên bác sĩ nói với Sue:

– Cô ấy đã qua vòng hiểm nghèo. Cô đã thắng rồi đấy. Lúc này là cho ăn bổ và chăm sóc tốt, thế thôi.

Rồi chiều hôm đó, Sue vào giường chỗ Johnsy nằm, vui vẻ ngồi đan một chiếc khăn quàng vai bằng len màu rất xanh nhưng cũng chẳng để làm gì, rồi quàng một cánh tay quanh người Johnsy, quanh những chiếc gối và mọi thứ khác.

– Mình có điều này kể cho cậu nghe, cưng của tớ ơi. Cái ông già Behrman chết vì viêm phổi ở bệnh viện vào hôm nay rồi đấy. Ông ấy ốm có hai ngày thôi. Người quản lý nhà thấy ông ta vào cái sáng hôm đầu tiên nằm đau đớn, yếu ớt trong căn phòng dưới nhà. Giày và quần áo của ông ta ướt sũng và người lạnh cóng. Họ không thể mường tượng ra là ông ấy đã đi đâu vào cái đêm khủng khiếp như thế cơ chứ. Rồi họ thấy có cái đèn vẫn còn sáng và một cái thang bị kéo ra khỏi chỗ của nó và mấy cây bút lông nằm lỏng chỏng và một bảng pha màu vàng và xanh lẫn lộn trên đó, mà kìa, cậu hãy nhìn ra ngoài cửa sổ kìa, vào chiếc lá thường xuân cuối cùng trên tường. Cậu có bao giờ tự hỏi là tại sao nó không bao giờ lay động khi có gió thổi không? Ôi, cưng yêu ơi, đó là một kiệt tác của ông già Behrman đấy; ông ấy vẽ nó vào cái đêm chiếc lá cuối cùng rơi xuống đấy.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.