Thơ VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Duyên mùa loạn

Người đi ta cũng lên đường

Trông ra khói lửa mà thương phong trần.

Biết bao giờ gặp cố nhân

Cho ta lại được có lần cầm tay?

Lời kia xin tạc dạ này

Mong đừng quên, lúc đổi thay cuộc cờ.

Một đi nắng đợi mưa chờ

Bèo mây ai dám hững hờ lòng ai…

Đường khuya nhớ buổi kề vai

Đèn khuya nhớ lúc canh dài trao yêu.

Rồi đây khói sớm men chiều

Say bao nhiêu lại bấy nhiêu ngậm ngùi.

Nước non thề cũ khôn nguôi

Giống đa tình vẫn muôn đời tình si.

Người ơi, ta biết tặng gì?

Mượn vần thơ gửi hồn đi theo cùng!

Mây sóng tình thơ

Đêm đêm Bắc-hải Thái-bình đương

Hai chiếc bao lan dài nhớ thương.

Mượn nguyệt cầu kia làm tín trạm

Mây tình lang gửi sóng tình nương.


Ký hiệu truyền ra gợn nổi chìm

Mang theo từng tiếng đập con tim

Đàn vào hơi thở ai trinh nữ

Mộng trắng thơ vàng tóc bạch kim.


Hai cõi chênh nhau một góc ngày

Trăng lên phương đó lặn phương này.

Đôi ta chẳng thể cùng chung bóng

Mà tiếc vầng trăng đẹp tối nay.


Ai gạt giùm ta trục địa cầu

Xiên về bên trái của châu Âu?

Để ta chung một vòng kinh tuyến

Khỏi bị Thời-gian chia rẽ nhau!


Cuồng vọng mà thôi… giọt lệ tràn,

Thời-gian vẫn kết với Không-gian

Thành hai ngọn giáo “tung-hoành độ”

Xé mãi lòng ta đến nát tan.


Đành gây trầm gọi gió Đông-phương

Nổi lửa thần giao đốt dặm trường

Tâm sự phóng lên bờ Tĩnh-hải

Cho vầng trăng chuyển xuống Tây-sương.


Cực-tử màu chen sắc Ngoại-hồng

Ngàn tia sầu nhớ vút hư không

Băng qua Nguyệt-trạm về nơi ấy

Là gã thi nhân đã cháy lòng.


Nàng cũng thi nhân… có khác gì,

Mắt xanh ngàn thuở lại hồ ly.

Trái tim nàng: chiếc thiên nga trắng,

Đâu nỡ đành riêng để gã si!


Cho nên trời Bắc-hải mây nao

Mỗi Thái-bình đương lúc sóng trào

Hai ngả bao lan cùng họa nhịp

Mở vòng tay đón một ngôi sao.

Đời vắng em rồi say với ai

Trai lỡ phong vân gái lỡ tình,

Này đêm tri ngộ xót điêu linh,

Niềm quê sực thức lòng quan ải,

Giây lát dừng chân cuộc viễn trình.


Tóc xoã tơ vàng nệm gối nhung,

Đây chiều hương ngát lả hoa dung,

Sóng đôi kề ngọn đèn hư ảo,

Mơ kiếp nào xưa đã vợ chồng.


Quán rượu liền đêm chuốc đắng cay,

Buồn mưa, trăng lạnh; nắng, hoa gầy.

Nắng mưa đã trải tình nhân thế

Lưu lạc sầu chung một hướng say.


Gặp gỡ chừng như truyện Liểu Trai.

Ra đi chẳng hứa một ngày mai.

Em ơi! lửa tắt, bình khô rượu,

Đời vắng em rồi, say với ai?


Phương Âu mờ mịt lối quê Nàng

Trăng nước âm thầm vạn dặm tang.

Ghé bến nào đây, người hải ngoại

Chiều sương mặt bể có mơ màng?


Tuyết xuống phương nào, lạnh lắm không?

Mà đây lòng trắng một mùa đông.

Tương tư nối đuốc thâu canh đợi,

Thoảng gió… trà mi động mấy bông.

Vũ Hoàng Chương (5 tháng 5 năm 1916 – 6 tháng 9 năm 1976). Nhà thơ sinh tại Nam Định, nguyên quán tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Văn phong của ông được cho là sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương.

Thuở nhỏ, ông học chữ Hán ở nhà rồi lên học tiểu học tại Nam Định. Năm 1931 ông nhập học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, đỗ Tú tài năm 1937.

Năm 1938 ông vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ đi làm Phó Kiểm soát Sở Hỏa xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh – Na Sầm.

Năm 1941, ông bỏ Sở hỏa xa đi học Cử nhân toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở để đi dạy ở Hải Phòng. Trong suốt thời gian này, ông không ngừng sáng tác thơ và kịch. Sau đó trở về Hà Nội lập “Ban kịch Hà Nội” cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Năm 1942 đoàn kịch công diễn vở kịch thơ Vân muội tại Nhà hát Lớn. Cũng năm đó ông gặp Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng và hai người thành hôn năm 1944.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông về Nam Định và cho diễn vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, Vũ Hoàng Chương tản cư cùng gia đình về Thái Bình, làm nghề dạy học. Đến 1950, gặp lúc quân Pháp càn đến ruồng bắt cả nhà, ông bỏ miền quê, hồi cư về Hà Nội nơi dạy toán rồi chuyển sang dạy văn và làm nghề này cho đến 1975.

Năm 1954, Vũ Hoàng Chương di cư vào Nam ở Sài Gòn, tiếp tục sáng tác và dạy học ở các trường trung học và Đại học Văn khoa Sài Gòn.

Năm 1959 ông đoạt “Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc” của Việt Nam Cộng hòa với tập thơ Hoa đăng. Trong năm này ông sang Âu châu tham dự Hội nghị Thi ca Quốc tế tại Bỉ.

Năm 1964 ông tham dự Hội nghị Văn bút Á châu họp tại Bangkok; năm sau, 1965 lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Bled, Nam Tư. Năm 1967, ông lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Abidjan, thủ đô Côte d’Ivoire.

Thời gian 1969-1973 Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam. Năm 1972 ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc lần thứ hai. Ông còn được vinh danh là “Thi bá” Việt Nam.

Ngày 13 tháng 4 năm 1976, bị Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bắt giam tại khám Chí Hòa. Bệnh nặng đưa về nhà được 5 ngày thì ông mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.