
7.- Trên rầm thượng. (1)
Thứ sáu, ngày 28
Chiều hôm tôi và em Xinvya cùng đi với mẹ tôi đem quần áo cho một người đàn bà nghèo mà người ta đã mách trong một tờ báo. Tôi mang gói, em tôi đã ghi sẵn tên tắt và địa chỉ người đàn bà ấy ra mảnh giấy cầm tay. Chúng tôi leo lên gác thượng một toà nhà cao lắm. Tới nơi, chúng tôi thấy một hành lang dài, hai bên có những căn phòng liên tiếp nhau. Mẹ tôi gõ cửa buồng cuối cùng. Một người đàn bà còn trẻ mặt bủn vóc vầy ra mở cửa. Trông cái khăn vuông trùm trên đầu, tôi nhớ hình như đã gặp bà này ở đâu thì phải. Mẹ tôi hỏi :
- Có phải bà là người mà người ta đã mách trên báo?
- Thưa bà vâng, chính chúng tôi.
- Đây, tôi mang lại cho bà ít quần áo. Người đàn bà nghèo khó kia cám ơn chúng tôi mãi không thôi. Lúc ấy, tôi trông thấy trong một góc nhà không đồ đạc và tối mò, có một cậu bé quay lưng ra phía chúng tôi. Cậu quì trước một cái ghế hình như đang mãi viết. Giấy để trên mặt ghế mà lọ mực thì dưới sàn. Không biết cậu ta làm thế nào mà viết được trong xó tối như vậy. Tôi đang tự hỏi thế, chợt trông thấy mớ tóc vàng hoe và cái áo dài lụng thụng, tôi nhận ra ngay anh Crôtxi, con bà bán hoa quả, tức là cậu bé liệt tay. Tôi bảo sẻ mẹ tôi, trong lúc mẹ anh đang gỡ gói quần áo. Mẹ tôi bấm :
- Im, đừng gọi, cậu ấy sẽ ngượng chăng. Nhưng, ngay lúc ấy Crôtxi quay ra; tôi bối rối, anh mỉm cười với tôi. Mẹ tôi liền đẩy tôi lại. Anh giơ hai tay chạy ra. Tôi liền ôm lấy anh hôn. Mẹ anh nói :
- Thưa bà, bà đã rõ, nhà chỉ có mình cháu với tôi. Cha cháu đi sang Mỹ đã sáu năm nay, không may vừa rồi tôi lại bị ốm không đi hàng được, phải bán dần đồ đạc để ăn. Cả đến cái bàn viết của cháu cũng không còn. Đèn đuốc cũng thiếu, cháu phải học mò trong bóng tối rất hại mắt. Nhưng cũng may là tôi còn có thể cho cháu ra trường và cháu được sách vở phát không. Thương hại cho cháu! Cháu chịu khó lắm! Có khi nhịn đói đi học. Thưa bà, tình cảnh chúng tôi thật là khổ sở quá !… Mẹ tôi lấy tất cả tiền trong ví bỏ vào tay người đàn bà khốn khổ, hôn anh Crôtxi rồi dân dấn nước mắt trở ra. Về nhà, mẹ tôi khuyên tôi rằng:
- Con ơi! Con hãy trông gương đứa trẻ nghèo khổ ấy đã phải học hành trong cảnh thiếu thốn và khó khăn. Về phần con, con có đủ mọi thứ cần dùng mà đôi khi con còn kêu sự học vất vả. Này ! Enricô ơi ! Một ngày làm việc của Crôtxi còn đáng công hơn cả một năm học của con. Chính những hạng học trò ấy phải cho phần thưởng danh dự mới phải. Cha tôi đã nghe được những lời mẹ tôi khuyên bảo tôi, vì thế ngay chiều hôm ấy, tôi thấy để trên bàn viết của tôi lá thư sau này :
(1) Ở bên Âu, những dân nghèo thường phải thuê nhà ở trên rầm thượng, tức là tầng gác sát mái nhà, cho được rẻ tiền.
8.- Học đường
Thứ sáu, ngày 28
” Enricô con ơi! Việc học đối với con hình như khó nhọc, mẹ con nói phải đấy. Cha chưa bao giờ trông thấy con đi học với cái dáng quả quyết và nét mặt hớn hở như cha mong muốn ! Con thử tưởng tượng nếu con ngồi không ở nhà thì ngày giờ của con sẽ trống trải biết là dường nào ! Cha chắc chỉ trong vòng một tuần lễ là con lại muốn trở lại nhà trường. Con ơi ! Hiện thời, không một đứa trẻ nào là không đi học. Con hãy nghĩ đến những người thợ làm lụng cặm cụi cả ngày, tối đến còn phải cắp sách đi học, những cô thiếu nữ suốt tuần lễ bị giam giữ trong xưởng, chủ nhật đến cũng rủ nhau đi học, những binh lính hết giờ luyện tập cũng đem ra học, viết. Cho đến những trẻ mù, trẻ câm, chúng cũng đều học cả. Mỗi buổi sáng, lúc con ra trường, con hãy nghĩ cùng giờ ấy, trong thành phố ta có tới 3 vạn đứa trẻ cũng như con đi “chầu” lớp học trong ba tiếng đồng hồ để được mở mang trí tuệ. Con lại nghĩ : xấp xỉ giờ này, con trẻ trong các nước trên hoàn cầu đều đi học cả. Con hãy tưởng tượng những trẻ lếch thếch trên những đường hẽm nhà quê, rảo bước trong các phố phường huyên náo, dưới bầu trời oi ả hay trong cơn mưa tuyết lạnh lùng: chúng đi thuyền ở những xứ lắm sông ngòi, cưỡi ngựa qua những cánh đồng mông quạnh, hoặc ngồi “xe trượt” trên những bãi băng giá lạnh. Chúng xuống lũng, lên đồi, chúng xuyên rừng lội suối, chúng vượt qua những ngọn đồi hẻo lánh hoang vu. Ăn mặc hàng nghìn lối khác nhau, nói bằng trăm thứ tiếng khác nhau, chúng đi một mình hay lũ năm lũ ba, sách cắp trong tay hay cặp đeo dưới nách. Từ ngôi trường cùng tột lấp trong ánh tuyết nước Nga cho tới nóc trường hẻo lánh lẩn trong khóm gồi xứ Ả rập, có tới hàng triệu triệu đứa trẻ cùng học một điều bằng những thể thức khác nhau. Con lại tưởng tượng cái tổ kiến học sinh ấy gồm có hàng trăm dân tộc khác nhau và cái trường hoạt động ấy, con có cái hân hạnh dự phần rồi con tự nhủ: ví phỏng một mai sự hoạt động ấy ngừng hẳn thì nhân loại sẽ trở lại đời mọi rợ, sẽ sa vào cõi tối tăm, sự hoạt động ấy là sự tiến bộ, là mối hy vọng, là ánh sáng vinh quang của thế giới vậy. Cố lên ! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia! Cố lên! Con ơi! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát. “
9.- Lòng yêu nước của cậu bé thành Pađôva (1)
(Truyện đọc hàng tháng) Thứ bảy, ngày 29.
Không, không bao giờ tôi chịu làm tên lính hèn nhát. Nếu ngày nào thầy giáo cũng kể cho tôi nghe như câu chuyện sáng nay thì có lẽ không bao giờ tôi muốn nghỉ học. Theo lời thầy thì mỗi tháng sẽ có một truyện mà truyện nào cũng nói về những thủ đoạn phi thường của một đứa trẻ con. “LÒNG YÊU NƯỚC CỦA CẬU BÉ THÀNH PAĐÔVA” đó là đầu đề câu chuyện sáng nay.
Năm trước, một chiếc tàu Tây Ban Nha dời bến Bardêlôna (2) để đi Giênôva (3). Trên tàu, trừ người Tây Ban Nha, còn có một số người Pháp, người Italia, người Thuỵ Sĩ, và nhiều người khác nữa. Trong bọn hành khách người ta nhận thấy một đứa trẻ độ 11 tuổi, ăn mặc nhơm nhếch, đứng riêng một chỗ và nhìn những người kia bằng đôi mắt hầm hầm. Nó nhìn như thế cũng không phải hẳn là không có cớ. Cha mẹ nó là nông dân ở gần Pađôva, cố nhiên là nghèo túng, hai năm trước vì tham tiền đã cho nó đi ở với một người chủ xiếc rong. Người này dạy nó một vài món nhảy, lộn rồi bắt nó theo sang Pháp và Tây Ban Nha. Nó bị hành hạ luôn tay và ăn uống không đủ. Đến thành Bardêlôna, không thể chịu được cái đời sống khổ ải ấy nữa, đứa trẻ khốn nạn liền trốn chủ đến cầu cứu viên lãnh sự Italia. Động mối thương tâm, viên lãnh sự xin cho nó một chỗ trong tàu nói trên và cho nó một lá thư giới thiệu cùng ông thị trưởng thành Giênôva nhờ ông trả về cho cha mẹ nó, là người đã bán nó như một con vật. Thằng bé còm gầy yếu đuối và mặc bộ quần áo rách. Người ta cho nó ngồi phòng hạng nhì. Hành khách ai cũng nhìn nó, có người hỏi nó song nó không trả lời. Nó có vẻ căm ghét mọi người vì những sự khắc khổ và hành phạt đã làm cho nó oán hận và không có cảm tình.
Tuy nhiên, có ba người hành khách đã khéo làm cho nó hé răng. Nó kể chuyện nó bằng tiếng Italia pha giọng Tây Ban Nha. Ba người khách kia không phải là dân Italia nhưng cũng thương nó, cho tiền để nó nói chuyện, nghe cho đỡ buồn. Đồng thời, có mấy thiếu phụ đi qua, ba ông quí khách hãnh diện ném thêm tiền xuống bàn loảng xoảng và nói: “Cầm lấy ! Cầm lấy nữa này !” Đứa bé sung sướng, vơ tiền bỏ túi, cảm ơn rồi vào phòng. Nó buông màn cửa xuống ngồi yên lặng và nghĩ đến những việc nó sẽ phải làm. Nó nghĩ : với số tiền ấy, nó sẽ được ăn no, không phải thèm nhạt như trước. Khi tới Giênôva, nó sẽ sắm một bộ cánh mới để thay bộ quần áo nó đeo hai năm trời nay, rách như tổ đỉa. Nó lại định để ra một ít tiền đem về cho cha mẹ, chắc là được săn đón và quí hoá hơn là về tay không. Số tiền ấy đối với nó là một món tiền to. Ngồi sau rèm cửa, nó trừ đi tính lại và trong lòng thấy khoan khái nhẹ nhàng.
Lúc ấy, ba người khách nói trên đang ngồi ở buồng ăn, quây quần uống rượu và nói chuyện về những cuộc du lịch của mình cùng phong tục những nước đã đi qua. Tình cờ, câu chuyện nhằm vào nước Italia. Một người bắt đầu phàn nàn về khách sạn, người chê về xe lửa. Cuối cùng, rượu say, họ thi nhau nói xấu tất cả những gì thuộc về nước Italia. Người thứ nhất nói biết thế, họ sẽ di du lịch xứ Lappôn (4) (ở cực bắc châu Âu) còn hơn sang nước Italia. Người thứ nhì nói quả quyết rằng ở Italia hắn gặp toàn thị những phường quỷ quyệt và những quân cường đạo. Người thứ ba nói thêm rằng:
- Những nguời tùng sự nước Italia không biết chữ. Người thứ nhất nói :
- Đó là một dân tộc ngu dốt ! Người thứ nhì tiếp :
- Bẩn thỉu !
- Và ăn …
Người thứ ba định nói câu “ăn cắp” nhưng chưa dứt lời thì một trận mưa toàn tiền vàng và bạc hắt vào mặt những người ấy rơi tung toé xuống bàn và trên sân. Ba người hầm hầm đứng dậy xem trận mưa dữ ấy ở đâu ra thì lại bị ném thêm. Cậu bé thành Pađôva vén rèm thò đầu ra thét bằng giọng khinh bỉ :
- Cầm lại tiền của các người. Ta không thèm nhận của bố thí của những kẻ đã lăng mạ nước ta.
Chú thích : (1) Padoue. (2) Barcelone. (3) Gênes. (4) Laponie.
10.- Em bé quét mồ hóng
Ngày mồng một tháng mười một
Chiều qua tôi sang trường Nữ Học để đưa cho cô giáo em Xynvya bản tiểu truyện “Cậu bé thành Pađôva” mà cô muốn xem. Trong trường có tới 700 nữ sinh. Khi tôi đến học trò đang ra về, ai nấy đều hớn hở vì được nghỉ mấy ngày nhân dịp lễ “Chư Thánh”. Đối diện cửa trường, bên kia đường cái, có một đứa bé quét mồ hóng, chân tay quần áo đen thủi, đứng quay vào tường, gục đầu vào cánh tay khóc nức nở. Hai ba cô học trò lớp hai lại gần hỏi tại sao, nhưng nó cứ khóc và không trả lời. Bọn học trò lại hỏi:
- Anh có việc gì? Sao lại đứng đây mà khóc? Nó bèn nhấc cánh tay để lộ một gương mặt hiền lành và nói đi quét mồ hóng từ sáng đến lúc ấy được 3 hào, vô ý bỏ vào túi thủng, tiền rơi mất cả. Nó không dám về sợ chủ đánh. Nói xong lại tru lên khóc và gục mặt vào cánh tay như một kẻ chán đời. Lũ học trò bé quay lại nhìn nhau, cho là quan trọng lắm. Một bọn khác cũng xúm lại: bé có, lớn có, con nhà nghèo, con nhà giàu có, thẩy đều cắp cặp trong tay. Một cô trong bọn, người đã lớn và trên mũ có gài chiếc lông xanh, móc trong túi ra hai xu, bảo chị em:
- Tôi còn có hai xu. Chúng ta quyên vậy. Cô áo đỏ nói:
- Tôi cũng có hai xu. Trong bọn ta, làm gì lại chả thu được ba hào. Nói xong, hai cô hô hào:
- Chị Amêlya, chị Lighya, chị Anna ơi ! Mỗi chị một xu! Chị nào có xu nữa không? Mấy cô đem tiền định mua vở và mua hoa, thấy thế cũng vui lòng bới ra cho. Vài em bé cho cả tiền kẽm. Cô mũ gài lông xanh nhặt tiền và đếm to:
- Tám, mười, mười lăm ! Còn thiếu nhiều ! Một thiếu nữ nghiêm trang có lẽ là cô trợ giáo đi qua thấy thế, cho một hào. Cả bọn đều vỗ tay. Còn thiếu năm xu nữa. Một em bé reo:
- Kìa các chị lớp bốn đã đến, các chị ấy có nhiều xu ! Quả nhiên, bọn học trò lớp bốn đến và bỏ nhiều tiền. Bấy giờ, có tới trăm cô nữ sinh đứng xúm xít vòng trong vòng ngoài, vây chặt đứa bé, bày ra một cảnh đẹp mắt vô cùng: Một cậu bé lọ lem điểm giữa các cô gái xinh tươi, làn tóc phất phơ, áo mầu rực rỡ. Ba hào đã đủ, nhưng tiền vẫn ném vào. Mấy em bé không tiền cũng cố len vào cho vài chùm hoa vì các em cũng muốn dự vào việc phúc. Chợt người gác trường kêu to: Bà Đốc! Các cô chạy tán toạn như một đàn chim sẻ bay vù. Còn trơ lại thằng bé quét mồ hóng đứng lau nước mắt. Hai tay nó không những đầy xu mà ở khuy áo, miệng túi và trên mũ còn giắt bao nhiêu là hoa! Tiền nhiều, hoa đẹp, cậu bé bây giờ thấy mình sung sướng như một ông Hoàng, vừa đi vừa hát!