TÂM HỒN CAO THƯỢNG (Tiếp theo 5)

TÂM HỒN CAO THƯỢNG (nguyên tác Les grands coeurs)

Tác giả: EDMOND DE AMICIS

Dịch giả: HÀ MAI ANH

17.- Tính khoe khoang

Thứ hai, ngày mồng 5

Hôm qua, tôi đi chơi với anh Vôtini và cha anh. Khi qua phố Đôra, chúng tôi thấy anh Xtađia đang quay lại đá vung mấy người bạn đã vô ý dẫm phải chân anh trong khi anh mãi nhìn một bản địa đồ treo trong hiệu sách ( vì anh học cả ở ngoài trường ). Chúng tôi gọi, anh chỉ hơi chào trả, thực là thiếu lịch sự! Chúng tôi mặc anh và thẳng đường đi. Tôi để ý nhìn anh Vôtini thì bao giờ anh cũng ăn mặc xa hoa quá thể, đối với một đứa trẻ con như anh. Giày da dê, áo nẹp thêu, mũ phớt trắng, đồng hồ vàng. Anh ra bộ giương giương tự đắc lắm, nhưng lần này thì bị nhụt ! Cha anh thủng thỉnh đi sau, còn anh và tôi thì chạy trước. Chúng tôi đến một cái ghế đá, đã thấy có một cậu bé cúi đầu ngồi nghỉ, vẻ mệt nhọc. Một người đàn ông nữa, có lẽ là cha cậu, đi tản bộ dưới bóng cây, xem báo. Hai chúng tôi cùng ngồi ghế. Anh Vôtini len ngồi giữa tôi và cậu bé và tìm cách làm cho cậu chú ý đến mình. Anh giơ một chân lên hỏi tôi:

  • Anh đã xem đôi giày bốt tin kiểu “sĩ quan” của tôi rồi chứ ? Anh nói thế cốt để cậu bé kia nhìn đôi giày mới của anh nhưng cậu bé không hề liếc mắt. Thấy vô hiệu, anh bỏ chân xuống rồi vừa trỏ vào những cái “lon” kim tuyến ở tay áo, vừa liếc sang cậu bé mà bảo tôi rằng:
  • Này anh! Lối viền này coi rợn quá! Tôi định thay bằng bộ cúc bạc! Nhưng cũng phí lời, vì cậu bé ngồi yên như thường. Anh Vôtini liền đặt mũ lên ngón tay trỏ quay tít. Cậu bé nhất định không nhìn. Tức mình, anh rút luôn đồng hồ, mở nắp cho tôi xem các bánh xe. Nhưng cậu hàng xóm vẫn không nhúc nhích. Tôi hỏi:
  • Đồng hồ anh mạ vàng ? Anh đáp:
  • Không. Bằng vàng cả.
  • Nhưng bao giờ người ta cũng pha ít bạc vào.
  • Không. Tôi cam đoan với anh rằng đồng hồ tôi toàn vàng. Rồi cố ý bắt cậu bé kia phải trả lời, anh giơ đồng hồ ngang mặt cậu và nói:
  • Này anh coi, có phải bằng vàng cả không ?

Cậu kia trả lời cụt ngủn.

  • Tôi không biết.

Như bị trêu chọc, Vôtini kêu:

  • A ! A ! Làm bộ nhỉ ! Anh vừa kêu thì cha anh lại. Ông nhìn cậu bé rồi vội bảo anh:
  • Im ! Xong ông ghé vào tai anh nói nhỏ:
  • Đứa bé khốn nạn này mù, con ạ ! Vôtini nhìn kỹ cậu bé thì thấy hai con ngươi trơ như cùi nhãn. Anh kinh ngạc, cứng người, mắt nhìn xuống đất, lẩm bẩm:
  • Chết chửa ! Mình không biết… Cậu bé mù, hiểu cả, nở một nụ cười tử tế thoảng qua nét buồn nói:
  • Không hề gì… Xét ra, Vôtini là một kẻ hợm mình thực, nhưng lòng anh không độc vì từ lúc ấy, anh kém vui và có vẻ nghĩ ngợi

18.- “Chú phó nề”

Chủ nhật, ngày 11

Hôm nay “Chú phó nề” lại tôi chơi, chú mặc áo cũ của cha chữa lại, hãy còn nguyên cả vết vôi và thạch cao. Anh Antôniô vui tính lắm, mới gặp anh lần đầu mà cha tôi đã thích. Vừa tới cửa, anh lột mũ cát két đẫm tuyết bỏ túi rồi thủng thình bước vào như bộ người thợ mệt, nhìn bên nọ, nhìn bên kia, mặt tròn như quả táo, mũi thì tẹt. Vào phòng ăn thấy bức ảnh “Chú hề gù”, anh liền “nhăn mõm thỏ” ai trông thấy cũng phải tức cười. Chúng tôi chơi xếp nhà cửa. Anh khéo tay quá, bầy những cầu và tháp rất tài tình. Anh cặm cụi và kiên tâm như một nhà nghề. Trong khi xếp đồ chơi anh kể chuyện cho chúng tôi nghe. Nhà anh ở một gác xép. Tối tối, cha anh đi học lớp lao động để tập đọc. Năm nay anh mới tám tuổi rưỡi. Cha anh cao lớn như người khổng lồ, vào cửa hay chạm đầu, mà người anh thì bé nhỏ trái hẳn với cha. Coi y phục của anh thì biết cha mẹ anh thương anh lắm. Áo anh đã kép thêm cho đỡ rét: ca vát đã do tay mẹ anh thắt rất diêm dúa và sạch sẽ.

Bốn giờ chiều, chúng tôi ăn quà ngay ở ghế trường kỷ. Lúc anh đứng lên, tôi thấy một vết trắng dây vào lưng ghế chực lau đi thì không hiểu sao cha tôi giữ tay tôi lại, rồi sau nhằm lúc không ai chú ý, cha tôi tự chùi lấy. Trong lúc nô đùa, anh đánh đứt một cái khuy áo, mẹ tôi đơm lại cho anh. Anh đỏ mặt, sững người nhìn mẹ tôi khâu và nín thở, có lẽ anh đang áy náy vì đã làm phiền mẹ tôi. Tôi cho anh xem những bức vẽ hoạt kê, anh bắt chước những bộ nhăn nhó trong tranh rất hệt khiến cha tôi phải bật cười. Hôm nay, “chú phó nề” được một ngày vui quá, lúc về quên cả đội mũ. Ra khỏi hè, như để tỏ lòng biết ơn, chú còn quay lại “nhăn mõm thỏ” với tôi một lần nữa. Antôniô về rồi, cha tôi bảo:

  • Con ơi ! Con có biết tại sao cha không cho con chùi ghế trong lúc bạn con còn ở đó ? Vì làm thế tựa như mắng bạn đã làm bẩn? Những vết trắng ấy, con có rõ ở đâu ra không? Đó là ở quần áo của cha anh đã quệt phải trong khi làm việc. Những “dấu cần lao” ấy, ta phải kính trọng. Đó là cát bụi, đó là vôi, sơn: chứ không phải là dơ bẩn. Sự cần lao không bôi bẩn bao giờ. Thấy một người thợ đi làm về, con không nên nói: Người này bẩn ! Con phải nói: Trên áo người này có nhiều vết cần lao. Những điều ấy, con nên ghi lòng. Con phải quí mến “chú phó nề” kia, trước hết vì đó là bạn con, sau nữa đấy là con một người lao động.

19.- Quả cầu tuyết

Thứ sáu, ngày 16

Tuyết xuống mãi ! Vì tuyết mà sau buổi học sáng nay đã xảy ra một chuyện đáng tiếc. Một lũ học trò ra khỏi cửa trường được một quãng, liền viên tuyết ném nhau, những hòn nặng và rắn như đá. Lúc ấy trên hè đông người đi lại. Một người khách qua đường kêu:

  • Đừng ném nữa ! Những thằng ranh kia ! Thì ngay lúc ấy, bên kia đường có tiếng rú lên, một ông già, hai tay bưng mắt, đang bước lảo đảo, cạnh có đứa bé con kêu cứu ầm ĩ.

Mọi người đổ đến. Ông già khốn khổ đã bị một quả cầu tuyết trúng mắt. Lũ học trò chạy trốn. Tôi đang đứng ở cửa một hiệu sách đợi cha tôi vào mua, thấy mấy anh bạn chạy lại đứng ngoài tủ kính giả vờ xem: nào anh Garônê, nào anh Côretti, nào “chú phó nề”, nào anh Garôpphi. Lúc ấy, mọi người đều xúm xít chung quanh ông già bị nạn; một viên cảnh binh dậm doạ hỏi:

  • Đứa nào ? Đứa nào ném ? Bắt nó ra đây ! Người ta tìm những đứa trẻ con khám xem tay ai ướt. Garôpphi đứng cạnh tôi mặt xám như gà cắt tiết. Công chúng vẫn gào:
  • Đứa nào ? Đứa nào ném?

Tôi thấy anh Garônê bảo anh Garôpphi:

  • Ra đi ! Anh cứ ra nhận đi ! Đừng để người khác bị bắt oan.

Garôpphi run như cầy sấy, đáp:

  • Nhưng tôi có định ném ông ta đâu !
  • Dù sao anh cũng phải làm bổn phận của anh.
  • Tôi sợ lắm.
  • Không việc gì, anh cứ theo tôi. Viên cảnh binh và công chúng càng gào to:
  • Đứa nào ? Bắt bằng được ! Nó ném vỡ kính đâm mù mắt ông già rồi! Nghe thấy thế Garôpphi rủn người như sắp ngã xuống đất. Garônê quả quyết giục:
  • Cứ ra, tôi sẽ bênh vực cho anh. Nói xong, Garônê đưa Garôpphi ra và ôm đỡ anh như một bệnh nhân. Trông thấy, công chúng hiểu ngay đó là tội nhân, họ hung hăng kéo đến. Garônê đứng che cho bạn và nói:
  • Có phải mười người lớn định đánh một đứa trẻ con không? Họ đều thôi. Viên cảnh sát đến lôi Garôpphi qua đám đông người điệu vào một cửa hàng là chỗ người ta đã đưa ông già vào ngồi tạm. Trông ông già, tôi nhận ngay ra là một người làm công trọ ở tầng gác thứ tư, nhà tôi ở. Ông ngồi tựa lưng vào ghế, tay cầm mùi soa ấp mắt người cháu đứng cạnh ông. Garôpphi mặt tái mét vừa khóc vừa nói:
  • Tôi có định ném cụ ấy đâu. Tôi lỡ tay… Hai ba người đẩy mạnh anh vào hàng và thét:
  • Phải quỳ xuống xin lỗi ! Nhưng, ngay lúc ấy, có hai cánh tay mạnh mẽ nâng anh dậy và một giọng quả quyết buông ra:
  • Thưa các ngài, không được!

Đó là ông hiệu trưởng trường tôi: ông đã nhìn rõ tấn kịch ấy. Garôpphi nức nở khóc, hôn tay ông già. Ông lão rờ đầu và xoa tóc anh, tỏ ý tha thứ cho một đứa trẻ đã biết hối. Lát sau, người ta cho Garôpphi về. Cha tôi cũng kéo tôi về. Đi đường cha tôi hỏi:

  • Enricô ơi ! Gặp những trường hợp như thế, con có can đảm ra thú lỗi không?

Tôi đáp:

  • Thưa cha, có.
  • Con giữ lời chứ?
  • Vâng, con xin thề với cha như thế !

20.- Các cô giáo trường tôi

Thứ bảy, ngày 17

Hôm nay, Garôpphi ra trường có vẻ lo lắng vì chắc thế nào cũng bị thầy giáo quở phạt. Nhưng ông Perbôni nghỉ mà thầy giáo phụ cũng không đến, chỉ có bà Crôme là bà giáo có tuổi nhất trường đến dạy thay. Hôm nay bà có vẻ buồn vì con bà ốm. Bà bước chân vào lớp, học trò đã làm rầm lên. Bà chậm rãi nói: “Các con nên trọng mái tóc bạc của ta một chút ! Ta không những là một bà giáo, ta còn là một người mẹ ! “. Ai nấy đều nín thít. Ngỗ nghịch như anh Phơranti cũng đành chịu nói thầm. Cô Đelcati, dạy em tôi lên thay bà Crôme, còn lớp cô thì để cho cô “Mụ nhà dòng ” coi giúp; người ta hay gọi thế vì cô hay mặc đồ thâm. Cô da trắng, tóc trơn, mắt sáng, giọng lại thanh tao hình như trời sinh ra chỉ để đọc kinh cầu nguyện. Tuy nhiên cái giọng êm ái ấy cũng có oai quyền, khiến cho đám trẻ phải kinh sợ; những trẻ nghịch ngợm nhất ở trước mặt cô cũng phải thúc thủ. Trong trường còn một cô giáo nữa tôi rất quí mến là cô giáo lớp sơ đẳng. Cô sắc mặt hồng hào, má lúm đồng tiền, đầu đội mũ gài lông đỏ. Cô tính tình hoà nhã, trên môi lúc nào cũng nở một nụ cười, dạy học rất vui. Cô luôn luôn gõ thước xuống bàn hoặc vỗ tay cho học trò ngồi im. Lúc học trò ra, cô thường theo sau để giữa cho chúng đi thẳng hàng, xóc cổ áo cho em này, gài khuy áo cho em khác, theo ra tận đầu phố cho chúng khỏi đánh nhau, ngọt ngào nói với cha mẹ chúng về nhà đừng đánh phạt chúng. Em nào ho thì phát kẹo thuốc, em nào rét thì cho mượn bao tay. Lúc nào, cô cũng bị học trò vây đón tíu tít, kẻ kéo khăn quàng. Người lôi cổ áo… Cô chịu khó lắm, vừa dạy chữ vừa dạy vẽ. Cô đi làm để nuôi mẹ và em.

<<<Trở về

Đọc Tiếp>>>

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.