
41. Lòng cháu
( Truyện đọc hàng tháng )
Hôm ấy, nhà thằng Pherucsio lặng ngắt hơn ngày thường. Cha nó là chủ một hiệu tạp hoá nhỏ, ra Phorli cất hàng, mẹ nó cũng theo đi, nhân tiện để chữa mắt cho một đứa cháu gái, đến hôm sau sau hai người mới về được. Người vú già, cơm chiều xong cũng xin phép về thăm con. Vì thế ở nhà chỉ còn một bà cụ già liệt chân với đứa bé 13 tuổi, tên gọi Pherucsio. Nhà này nhỏ, thấp ở chơ vơ cạnh đường cái ra Phorli ly sở tỉnh Rômanh. Sau nhà có vườn trồng rau, xung quanh rào giậu. Cạnh nhà là một toà khách sạn cháy đổ đã hai tháng nay, bỏ không. Bốn mặt là những cánh đồng dâu, xa xa thấp thoáng mấy làng xóm cô tịch. Đêm ấy, đồng hồ sắp điểm 12giờ, bên ngoài trời tối như mực, mưa rơi tầm tã, gió thổi ào ào. Bà lão vẫn còn thức, ngồi tựa lưng trong cái ghế bành ở buồng ăn, là một gian bày lủng củng những bàn ghế cũ và chỉ cách vườn rau có một bức vách mỏng. Bà cụ có vẻ lo buồn và nóng ruột, mỗi tiếng động lại làm cho bà phải lắng tai. _ Cạch ! cạch ! Có tiếng gõ cửa. Lần này đích thực là thằng Pherucsiô đi chơi về. Người ướt như chuột, đầu tóc rũ rượi vì mũ bị gió đánh bay xuống hố ! Trán nó sưng vều bằng quả ổi vì nó đi đánh nhau bị ném đá phải. Không những thế nó còn thua bạc nữa, trong túi có đồng nào hết sạch ! Ánh sáng ngọn đèn dầu tuy lù mù leo lắt, bà cụ cũng nhìn thấy vẻ tiều tuỵ của cháu. Bà hỏi chặn mấy câu, hiểu ngay “ông cháu” đã đi đánh nhau và bị thua bạc. Biết không thể giấu được nữa, Pherucsio liền thú mọi tội. Bà cụ vốn thương cháu nhất nhà nên nức nở khóc.
- Cháu ơi ! Thực là cháu chẳng thương bà, không thế sao cháu nhân lúc cha mẹ vắng nhà đi chơi bời lêu lỏng như vậy ? Để bà ro ró một mình ở nhà, cháu thực nhẫn tâm! Này Pherucsio ơi! Ta bảo cháu đã sa vào con đường đen tối nó sẽ đưa cháu tới những chốn xấu xa nhơ nhớp ! Ta đã trông thấy nhiều đứa trẻ bắt đầu lêu lỏng như cháu rồi sau thành ra những kẻ bất lương. Trước hết trốn nhà đi chơi, đánh nhau với bạn, ham mê cờ bạc rồi dần dần từ cái đấm đi đến lưỡi dao, từ cờ bạc đến việc làm xằng, từ việc làm xằng đến việc ăn cướp ! Pherucsio tựa lưng vào tủ, cúi gằm mặt đứng nghe.
Bà cụ vừa khóc vừa nói tiếp:
- Từ chỗ cờ bạc đến chỗ ăn trộm, ăn cướp không xa đâu cháu ạ. Cháu không trông gương thằng Môzini ở vùng này là một thằng đầu trộm đuôi cướp, mới 24 tuổi đã hai lần ngồi tù. Mẹ nó, ta cũng quen. Bà ta buồn rầu về con rồi mất. Cha nó thất vọng cũng bỏ sang Thuỵ Sĩ. Ta biết nó từ khi nó hãy còn nhỏ. Thằng Môzini lúc đầu cũng lêu lỏng như cháu, rồi mỗi ngày một hư đốn thêm. Nếu cháu không nghe bà thì sau này cha mẹ cháu cũng sẽ phải chịu một số phận như cha mẹ thằng Môzini, chứ chẳng không!
Pherucsio đứng im. Thực ra nó cũng là một đứa trẻ cũng có chút lương tâm, chỉ phải cái tính bướng bỉnh và khó bảo. Thấy Pherucsio đứng im bà cụ lại nói:
- Cháu ơi, cháu không có một câu gì để hối hận à ? Cháu thử trông kỹ thân hình bà xem có còn sống được bao lâu nữa ? Cháu không nên nhẫn tâm làm cho người sinh ra mẹ cháu đã quá già yếu,suy nhược, đang nằm kề miệng lỗ, còn phải đau lòng, còn phải rơi lệ! Ngày còn bé sao cháu yêu bà, quí bà thế? Đến bây giờ bà già yếu không đi lại được là lúc cần có cháu để an ủi thì cháu lại…
Nghe đến đây Pherucsio cảm động quá toan chạy lại với bà, bỗng có tiếng sột soạt ở ngoài vườn, nó dừng lại lắng tai. Trời mƣa nặng hạt. Cửa vườn lại có tiếng động, lần này bà cụ nghe thấy, giật mình hỏi cháu. Pherucsio nói khẽ:
- Thưa bà, mưa!
Bà cụ lau nước mắt nói tiếp:
- Cháu hãy hứa với bà: từ nay về sau, cháu sẽ không làm cho bà phải đau lòng nữa!
Bỗng cửa vườn lại có tiếng kẹt! Bà cụ xám ngắt kêu:
- Cháu ra xem. Không phải trời mƣa… Song bà lại bảo:
- Nhưng thôi, cháu cứ đứng đây.
Rồi bà cầm tay Pherucsio kéo lại cạnh bà. Cả hai bà cháu đều nín thở. Chỉ thấy tiếng mưa ào ào. Một lát sau, hai bà cháu đều phát run lên vì có tiếng người đi ở gian bên cạnh. Pherucsi ô cất giọng run run hỏi:
- Ai đấy?
Không tiếng trả lời. Pherucsi ô mặt tái mét, hỏi dồn:
- Ai đấy? Ai đấy?
Vừa hỏi xong, thì hai bà cháu đều rú lên một tiếng: Có hai ngƣời đàn ông nhảy vào trong buồng! Một người sấn lại, một tay nắm chặt lấy Pherucsio, một tay bịt miệng nó; còn người kia thì chạy lại bóp cổ bà già. Người thứ nhất nói:
- Muốn sống thì im mồm!
Người thứ hai giơ dao và kêu:
- Suỵt!
Cả hai ngƣời đều đeo mặt nạ đen, người thứ nhất hỏi khẽ Pherucsio:
- Tiền bạc bố mày để đâu?
Pherucsi ô, hai hàm răng lập cập thưa:
- Ở đằng kia….trong tủ.
Người kia bảo:
- Mày theo tao!
Rồi lôi nó lại trước tủ giúi nó xuống đất,lấy hai chân kẹp lấy cổ , còn một tay cầm đèn lồng, một tay cạy tủ. Vơ vét xong, chúng dọa hai bà cháu nếu kêu cứu, chúng sẽ lộn lại “sửa” cả hai. Chợt có tiếng người đi và hát ở ngoài đường cái. Tên trộm thứ hai vung mặt ra ngoài mạnh quá làm rơi mặt nạ. Bà lão kêu to:
- Môzini!
Tên trộm thét lớn:
- Đồ khốn nạn ! Không thể để mày được!
Nói xong, giơ dao thẳng cánh đâm bà lão! Đồng thời, Pherucsio chạy ôm choàng lấy bà để chắn mũi dao. Hai tên trộm đạp tắt đèn tẩu thoát, Pherucsio bỏ bà ra và thụt xuống đất, hai chân quỳ, đầu gục vào lòng bà. Bà lão hoàn hồn gọi cháu:
- Pherucsiô ơi! Cháu đáp:
- Bà ơi ! _ Chúng đi cả rồi chứ?
- Phải!
- Chúng không giết bà?
- Vâng?
- Chúng không giết bà?
- Không…bà thoát nạn. Chúng chỉ lấy tiền thôi. Nhưng cha cháu đã mang gần hết số tiền đi cất hàng, chả còn gì!
Bà cụ thở một hơi dài như trút một gánh nặng. Pherucsio vẫn quỳ và ôm lấy bà, thở hổn hển nói:
- Bà ơi ! Bà yêu quý của cháu ơi! Bà vẫn yêu cháu chứ? …Thế mà, cháu cứ làm phiền lòng bà…
- Không, cháu đừng nói thế, bà không nghĩ đến chuyện ấy nữa, bà quên cả rồi, bà yêu cháu bà vô cùng!
Bằng giọng run run, cậu bé gắng sức nói tiếp:
- Cháu cứ làm phiền lòng bà, nhưng…bao giờ cháu cũng yêu bà trên tất cả mọi người. Bà có tha thứ cho cháu không? Tha cho cháu, bà ạ!
- Ừ, bà tha lỗi cho cháu. Bà hết lòng tha lỗi cho cháu. Cháu chưa tin à ? Cháu yêu dấu của bà ơi ! Cháu hãy đứng dậy. Bà không mắng cháu nữa đâu! Cháu giỏi lắm! Đi thắp đèn đi… Cố lên! Đứng dậy, Pherucsiô ơi!
Cậu bé đáp, giọng yếu dần:
- Cám ơn bà. Bây giờ cháu yên lòng lắm. Bà ơi ! Bà có nhớ cháu bà không ? Bà không bao giờ quên cháu Pherucsio của bà chứ?
Thấy cháu nói vậy, bà cụ thất kinh vỗ vai cháu gọi:
- Pherucsiô ơi !
Và cúi xuống nhìn mặt cháu. Cậu bé nói thì thào trong hơi thở:
- Bà nhớ cháu nhá! Cháu nhờ bà hôn mẹ cháu…cha cháu…em Luygina…Lạy bà…bà ơi! Bà cụ kinh ngạc lay đầu cháu và kêu:
- Pherucsi ô ơi ! Cháu làm sao thế? Trời ơi ! Không biết làm sao cháu tôi lại thế này? Tội nghiệp cháu tôi! Ai cứu cháu tôi với… Tỉnh dậy, cháu ơi!
Nhưng Pherucsio không trả lời. Cậu bé anh hùng ấy, bị lưỡi dao đâm suốt lưng, máu ra lênh láng vừa thở hơi cuối cùng, trong lòng rất sung sướng vì đã cứu bà thoát chết !
42.- Chú phó nề trong phút hiểm nghèo
Thứ bảy , ngày 18
Bệnh tình “chú phó nề” mấy hôm nay có phần trầm trọng. Thầy giáo bảo chúng tôi lại thăm. Garônê, Đêrôtxi và tôi, ba người rủ nhau đi. Chúng tôi có hỏi thử cậu quý phái Nôbix, quả nhiên cậu chối từ một cách lãnh đạm. Cả đến anh Vôtini cũng thoái thác nữa, có lẽ anh sợ đến đấy, vôi sẽ giây bẩn bộ quần áo mới của anh chăng? Tan học chiều, chúng tôi lại thăm anh Antôniô tức “chú phó nề” mà chúng tôi thường gọi đùa.
Trời mưa như trút ! Garônê đứng dừng ở giữa phố, lắc mấy đồng xu trong túi bảo chúng tôi:
- Các anh định mua gì cho Antôniô?
Đêrôtxi và tôi liền bỏ thêm tiền mua được 3 quả cam lớn. Chúng tôi leo cầu thang đến “rầm thượng”. Đến cửa nhà anh Antôniô, Đêrôtxi liền tháo bội tinh bỏ túi. Tôi hỏi anh:
- Sao lại tháo ra?
Anh đáp:
- Cất mề đay, vào người không, có lẽ tiện hơn.
Chúng tôi gõ cửa, cha anh Antôniô ra mở, người cao lớn, nét mặt đầy vẻ lo lắng buồn rầu. Ông hỏi:
- Các cậu là ai?
Garônê đáp:
- Chúng tôi là bạn cùng lớp với anh Antôniô, chúng tôi lại thăm và biếu anh mấy quả cam.
Ông phó nề lắc đầu đáp:
- Tội nghiệp cho em! Không chắc em còn ăn được quà của các cậu cho nữa không!
Nói xong, ông lấy tay áo gạt nước mắt rồi dẫn chúng tôi vào chỗ anh Antôniô nằm. Mẹ anh đang quỳ và gục đầu bên cạnh giường không biết chúng tôi vào. Trên tường treo mấy cái bàn chải , một cái cuốc và một cái sàng để sàng vôi.. Ở góc nhà có cái thùng sắt và mấy cái bay.
Anh Antôniô sao mà còm và xanh thế? Anh nằm đờ và thở khò khè. hai chân anh ủ dưới cái áo ngoài của cha anh hãy còn loang lỗ những vết vôi. Ngày thường bạn tôi xinh thế, vui thế, bây giờ nom khác hẳn đi, biết đến bao giờ anh mới lại có trò “nhăn mõm thỏ” với chúng tôi? Garônê đặt một quả cam bên gối, cạnh mặt Antôniô. Ngửi thấy hơi, anh quay lại cầm quả cam rồi lại bỏ rơi xuống và nhìn Garônê không chớp mắt. Garônê lên tiếng:
- Tôi là Garônê đây ! Anh có nhận ra không?
Một nụ cười nhợt nhạt thoáng qua trên miệng, bệnh nhân cố đưa tay ra, Garônê đỡ lấy và đưa lên miệng hôn rồi nói:
- Anh Antôniô ơi! Cố lên! Anh ạ. Mai kia anh khỏi, anh lại đi học với chúng tôi. Thầy giáo sẽ cho anh ngồi cạnh tôi. Anh có bằng lòng không?
Cậu “phó nề” không nói gì. Mẹ cậu bỗng dưng nức nở khóc:
- Antôniô ơi! Nếu con có mệnh hệ nào thì mẹ cũng không sống được!
Ông chồng gạt đi nói:
- Thôi, im đi ! Khóc mãi tôi đến phải điên mất.
Rồi ông quay lại bảo chúng tôi:
- Cảm ơn các cậu. Xin các cậu hãy trở về nhà, ở đây buồn lắm!
Antôniô lại nhắm nghiền đôi mắt lại như người sắp chết. Garônê nói:
- Thưa ông, có việc gì tôi xin làm giúp.
Ông đáp:
- Cảm ơn các cậu có lòng quí hoá… Chúng tôi không có việc gì cả.
Nói xong, ông đưa chúng tôi ra cửa. Nhưng xuống đến lưng chừng cầu thang chúng tôi nghe có tiếng gọi!
- Anh Garônê, anh Garônê ơi!
Chúng tôi vội lộn lên. Ông phó hơi mừng, chạy ra bảo:
- Cậu Garônê ! Cháu vừa gọi cậu. Đã ba hôm nay cháu không nói năng gì, thế mà vừa rồi cháu gọi được cậu hai lần.Thực là một triệu chứng hay!
Anh Garônê liền bảo chúng tôi:
- Các anh về trước. Tôi ở lại. Nói xong, anh theo ông phó vào nhà.
Ra về, thấy mắt anh Đêrôtxi nhỏ lệ, tôi hỏi:
Anh thương Antôniô lắm, phải không?
Anh ấy đã nói được, tất sẽ khỏi. Đêrôtxi đáp:
- Tôi cũng tin thế, nên không nghĩ đến Antôniô…Tôi đang nghĩ đến anh Garônê, anh ăn ở với bầu với bạn như thế thực đã chí tình, ai trông thấy cũng phải đem lòng quí mến.
43.- Viện dục anh
Thứ ba, ngày mồng 4,
Sáng qua cơm nước xong, tôi theo mẹ tôi lại viện dục anh (1) để nhờ bà Giám đốc trông nom giúp em gái anh Prêcôtxi. Tôi chưa được vào viện dục anh lần nào hôm nay đến đây, tôi lấy làm thích lắm.
Viện này có tới 200 trẻ em vừa con trai con gái. Chúng tôi đến gặp giờ ăn của các em bé. Hai cái bàn dài bày giữa phòng, hai bên mép bàn đều đục những lỗ tròn, mỗi lỗ đựng một chiếc bát gỗ màu nâu đầy cơm và đậu, cạnh đặt cái thìa thiếc con. Lúc chúng tôi bước vào, thấy hai ba em bé ngã và cứ nằm xoài ra đất cho đến lúc cô giáo đến đỡ dậy. Nhiều em vừa vào bàn ngoài thấy cơm tưởng phần của mình cầm luôn thìa xúc ăn, nhưng cô giáo vội kêu: “vào nữa đi!” chúng liền bỏ thìa, kéo nhau vào bàn trong.
Chúng bắt đầu ăn. Cảnh tượng vui mắt làm sao! Em này ăn bằng hai thìa em kia ăn bốc; nhiều em nhặt từng hột đậu bỏ túi, trái lại cũng có em gói đậu vào đầu khăn ăn, lấy tay nghiền nát vứt đi. Chỗ này mất em mãi nhìn ruồi bay quên cả ăn, chỗ kia, mấy em vừa ăn vừa ho: cơm bắn ra bàn như mưa. Người ta sẽ bảo đó là một cái chuông gà! nhưng dù sao, hai dãy dài gồm những trẻ em dung mạo hồng hào với những mớ tóc đỏ buộc dài màu sặc sỡ đã bày ra một bức hoạ linh động và vui mắt vô cùng! Một cô giáo hỏi:
- Đố các em biét: cây lúa mọc ở đâu?
Chúng đồng thanh đáp như giọng đọc sách:
- Lúa – mọc – trong – ruộng
Tôi đoán câu này có lẽ ở trong một bài tập đọc. Cô giáo lại bảo:
- Giơ tay lên!
Tức thì một loạt cánh tay xinh nhỏ với những cánh tay hồng, trắng như những con bươm bướm giơ lên. Ăn xong đến giờ chơi. Các em đều chạy lại lấy giành đồ ăn treo ở tường và xách ra vườn. Chúng tản mác mỗi em một nơi để lấy thức ăn trong giành như bánh tây, kẹo, phó mát, trứng luộc, đỗ luộc, đùi gà ra ăn tiệc nữa. Trong nháy mắt, mặt vườn đã rắc đầy những mảnh bánh chẳng khác chi người ta vãi mồi để nhử chim. Chúng ăn bằng nhiều kiểu lạ lùng gặm, nhấm, la liếm, mút mát như những giống thỏ, chuột và mèo. Ba bốn em lấy que chọc chiếc trúng luộc như để tìm của bên trong, chúng làm rơi đến nửa chiếc xuống đất xong lại cúi xuống kiếm từng miếng một như tìm hạt ngọc, chẳng để sót tí nào. Em nào có món gì ngon thì hàng chục em khác đến quây quần chung quanh, ra vẻ thèm thuồng. Một cậu bé có chiếc bánh ngọt, bạn đến xin, cậu chỉ giơ tay dính đường cho mút.
Mẹ tôi ra giữa vườn, xoa đầu em này rồi lại vuốt ve em kia. Các em khác đua nhau chạy lại vây lấy mẹ tôi, em nào cũng ngẩng mặt lên chực mẹ tôi hôn. Một cậu cho mẹ túi múi cam cắn giở, cậu thứ nhì cho cái vỏ bánh, cô thứ ba biếu mẹ tôi một chiếc lá cây. Trong sân, lúc ấy hết chỗ này đến chỗ kia có chuyện, cô giào phải chạy đi chạy lại để xử kiện. Một cô bé tru lên khóc vì không tháo được nút khăn mùi xoa. Mấy cô nữa tranh nhau hai hột táo, cào cấu nhau rồi kêu khóc rầm rĩ. Một cô bé trèo lên ghế ngã, bị ghế đè không sao đẩy ra được, khóc thét lên!
Lúc sắp về, mẹ tôi ôm ba, bốn em bé vào lòng, tức thì các em ở bốn phía, miệng còn dính kẹo hoặc nhớt nhát nước cam, kéo lại muốn được mẹ tôi bế như các em kia ; rồi em này nắm lấy mẹ tôi để xem nhẫn, em kia kéo dây để xem đồng hồ, em khác nhảy lên với bím tóc mẹ tôi. Các cô giáo bảo mẹ tôi:
- Bà phải để ý, kéo chúng làm hỏng áo bà.
Nhưng mẹ tôi không lấy điều ấy làm quan trọng, cứ đùa với chúng và vuốt ve chúng như thường. Lúc chúng tôi chào bà Giám đốc và các cô giáo để ra về, cả bọn dều chạy lại, tranh nhau đến trước, túm lấy mẹ tôi và đồng thanh kêu:
- Lạy bà ạ ! (Cám ơn bà)
Sau cùng chúng tôi được ra thoát. Các em nhỏ còn gí sát mũi vào hàng rào sắt để nhìn theo. Chúng thò tay ra ngoài vẫy chào:
- Cám ơn bà ạ! Mai bà lại đên chơi nhé!
Qua bức giậu do những bàn tay đâm ra tua tủa như những đoá hoa hồng, mẹ tôi bắt tay suốt lượt . Ra ngoài phố, mẹ tôi rơm rớm nước mắt, có ý nhớ bầy trẻ vừa thăm, nhưng trong lòng thấy sung sướng như đi xem một đám hội về và bên tai vẫn còn vẳng nghe thấy tiếng riu ríu:
- Mai bà lại đến chơi nhá ! Cám ơn bà!
Chú thích: (1) Viện dục anh: nơi nuôi dưỡng trẻ em mồ cô