TÂM HỒN CAO THƯỢNG (nguyên tác Les grands coeurs)
Tác giả: EDMOND DE AMICIS
Dịch giả: HÀ MAI ANH

52.- Trường câm điếc
Chủ nhật, ngày 28,
Sáng nay có người gọi cửa. Tôi nghe thấy cha tôi kêu tiếng ngạc nhiên:
- A ! Bác Giorđanô!
Bác là người làm vườn cũ nhà tôi quê ở Côrđôva. Sang Hylạp làm cho sở hoả xa ba năm, nay bác mới về, tay xách một gói lớn. Trông bác hơi già nhưng vẫn tươi tỉnh và vui vẻ nhu xưa. Cha tôi mời bác vào, nhưng bác có ý vội vã từ chối và hỏi luôn:
- Nhà tôi bình yên chứ? Cháu Luizya độ này thế nào?
Mẹ tôi đáp:
- Bình yên cả. Còn Luizya thì tôi mới vào thăm được mấy hôm nay. Bác Giorđanô mừng quá, gửi gói đồ rồi vào trường câm điếc thăm con. Cha tôi cho tôi đi theo. Đi đường, bác nói chuyện với tôi, có ý buồn:
- Tội nghiệp cho em Luizya! Mới lọt lòng ra đã phải chịu cái tật xấu xa. Nghĩ nỗi tôi không bao giờ được nghe thấy tiếng em gọi “cha” và em không bao giờ được nghe thấy tiếng tôi gọi “con ơi”!, những tiếng thân yêu phát ra tự tim huyết, thì tôi buồn không biết chừng nào! May mà có người mách và giúp cho em vào trường, tôi cũng đỡ phiền. Em vào đây từ năm lên 8, tính đến nay đã 11 tuổi rồi. Chắc em đã lớn lắm rồi, cậu nhi? Em đã nói chuyện được bằng dấu hiệu chưa? Em có vui không? hở cậu?
Tôi đáp:
- Trường câm điếc đây rồi. Bác vào sẽ biết.
Chúng tôi tới cổng, người gác ra hỏi. Bác Giorđanô nói:
- Tôi là cha em Luizya. Hôm nay xin phép vào thăm.
Người gác đáp:
- Các cô ấy đang chơi. Để tôi thưa với bà giáo. Mời ông vào tạm phòng khách.
Vài phút sau, cửa phòng mở. Một bà giáo dắt tay một cô gái nhỏ vào. Hai cha con nhìn nhau một lúc rồi ôm lấy nhau vừa khóc vừa mừng. Cô bé mặc áo chùng trắng, dọc đỏ, và đeo một cái yếm xanh. Vuốt ve con xong, bác Giorđanô lùi lại ngắm nhìn con gái rồi kêu to:
- Trời ơi ! Con tôi chóng lớn và xinh đẹp quá !… Thưa bà, bà là bà giáo dạy cháu. Xin bà bảo cháu ra một vài dấu hiệu để nói chuyện với tôi xem thế nào?
Bà giáo mỉm cười sẻ bảo cô bé đứng cạnh đang nhìn bà:
- Ông này là ai ?
Cô bé cười và phát ra một thứ tiếng như tiếng mọ nhưng rõ ràng:
- Thưa cô, cha – con – đấy!
Bác làm vườn sửng sốt và reo lên như một người điên:
- Con tôi biết nói à? Chết chửa! Thế mà tôi không biết. Con tôi biết nói rồi. Trời ơi! Con nói nữa cho cha nghe.
Bác Giorđôna ôm và bế con lên hai, ba lần, có vẻ sung sướng lắm.
- Thưa bà thế ra cháu không phải nói chuyện bằng hiệu, bằng ngón tay?
Bà giáo đáp:
- Ông Giorđanô ơi! Học bằng hiệu là lối cổ, lối ấy đã bỏ rồi. Bây giờ chúng tôi dạy theo lối mới gọi là phép “khẩu truyền” ông vẫn chưa rõ à?
- Thưa bà, tôi không hiểu, vì đã ba năm nay tôi đi ngoại quốc. Nhà có viết thơ nhưng tôi vẫn yên trí, “cháu biết nói” là “nói bằng hiệu”, chứ không ngờ cháu nói ra tiếng… Con ơi ! Con có biết không? Con trả lời đi!
Bà giáo đỡ lời:
- Ông ơi ! Cháu không nghe thấy gì đâu vì cháu điếc. Nhưng nhìn môi ông cử động, cháu có thể nhận ra ông nói câu gì. Tuy miệng cháu nói được, nhưng tai cháu vẫn không nghe thấy tiếng mình phát ra. Sở dĩ cháu nói thành tiếng là vì chúng tôi dạy cháu vừa vận động môi, vừa do lồng ngực và cuống họng phát ra từng “chữ” từng “vần”…
Bác làm vườn ghé vào tai hỏi con:
- Cha vào thăm, con có thích không?
Cô bé ngẩn người đứng im. Bà giáo cười bảo bác Giorđanô:
- Luizya không trả lời vì không được nhìn miệng ông nói. Bây giờ ông quay lại trước mặt cháu và nhắc lại câu ông vừa nói thì cháu hiểu ngay.
Người cha nhìn mặt con, nói:
- Cha đã về, cha không đi nữa, con có sung sướng không?
- Cha về và không bỏ con đi nữa, con rất lấy làm sung sướng.
Bác làm vườn hỏi thử con mấy câu nữa:
- Tên mẹ con là gì?
- Antônia.
- Tên chị con là gì?
- Andêlacđa.
- Trường này gọi là trường gì?
- Trường câm điếc.
- Hai lần mười là bao nhiêu
- Hai mươi.
Bác làm vườn rất hoan hỉ, quay lại nói với bà giáo:
- Thưa bà, chúng tôi cảm ơn bà một trăm lần, một nghìn lần. Và xin bà tha lỗi cho chúng tôi là kẻ quê kệch, không biết giải bày thế nào để cảm ơn bà.
Bà giáo nói:
- Không những cháu đã biết nói, cháu còn biết viết và biết tính nữa. Cháu biết hết cả tên những đồ vật thường dùng, biết đôi chút về sử ký và địa dư. Hiện giờ cháu đang ở lớp sơ đẳng. Học hết hai năm nữa cháu sẽ có một nền học thức phổ thông và có thể đi làm việc. HIện đã có nhiều em học ở đây ra bán hàng cho các hãng buôn rất đắc lực… Chúng cũng làm được đủ bổn phận như người thường.
Chợt có tiếng trẻ tập đọc ở trên trường đưa xuống bác làm vườn thấy lạ, lắng tai nghe. Bà giáo bảo:
- Ông để tôi gọi một em ở lớp dự bị xuống đọc ông nghe.
Nói xong, bà ra hiệu cho người gác gọi. Lát sau người gác đưa một cô bé 8, 9 tuổi xuống. Cô này mới vào đây được ít lâu. Bà giáo há mồm như người đọc chữ Ơ ra hiệu cho cô học trò đọc theo. Cô bé đọc:
- Ô.
- Không phải thế.
Nói xong, bà giáo liền cầm hai bàn tay học trò, một để vào cổ họng mình, một để vào ngực mình rồi tự đọc:
- Ơ.
Cô bé nhận kỹ luồng hơi ở ngực phát ra và đi qua cuống họng thế nào rồi bắt chước đọc lại rất đúng:
- Ơ…
Rồi vẫn dùng cách ấy, bà dạy cô bé đọc những chữ C và Đ. Bác làm vườn nghĩ một lúc nói:
- Thưa bà, dạy như thế này mất nhiều công và phải kiên nhẫn lắm mới được. Thiết tƣởng ở trên đời này không có thứ phần thưởng gì xứng đáng để đền công các bà… Thưa bà, tôi có thể chào và cảm ơn bà đốc đƣợc không?
- Bà đốc không có đây. Nhưng có một người khác mà ông đang cảm ơn. Theo lệ ở đây thì những trò bé thường giao cho trò lớn trông nom như người chị, người mẹ trong nhà. Cháu Luizya ở đây giao cho một em17 tuổi trông nom. Em này là con một người làm bánh ở với Luizya rất tốt. Hai năm nay, chính em ấy đã giúp Luizya mặc áo, đội mũ, đã dạy Luizya khâu vá và lúc nào cũng ở cạnh Luizya…
- A ! Này ! …Luizya ơi! Mẹ con ở đây tên là gì?
Luizya cười đáp:
- Catêrina, tử tế lắm!
Người gác theo hiệu bà giáo chạy đi một lúc thì có một cô câm điếc khoẻ mạnh, tươi tỉnh, tóc vàng, áo dọc đỏ và yếm xanh xuống. Trông thấy người lạ, đôi má ửng hồng, cô cuối đầu cười nụ. Luizya chạy lại nắm tay Catêrina và nói:
- Catêrina.
Bác Giorđanô bèn bắt tay Catêrina và nói:
- Cảm ơn em. Ta chúc cho em và gia quyến em được hưởng phúc lành. Em hãy nhận lấy những lời chúc tụng thành thực của một người thợ, một người cha khốn khổ em ạ!
Cô bé chỉ vuốt ve Luizya không trả lời. Bà giáo nói:
- Ông có thể cho Luizya về ngay bây giờ.
- Xin phép bà cho cháu vè Côrđova, mai tôi sẽ đưa cháu lên.
Luizya chạy vào đội mũ, khoác măng tô rồi ra với cha. Trước khi ra về, bác Giorđôna có đưa một đồng tiền vàng xin cúng vào nhà trường, nhưng bà giáo không nhận, bỏ vào túi gilê Luizya và nói:
- Ở đây, chúng tôi không lấy một vật gì của ai cho cả. Và ông đã phí bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới kiếm được đồng tiền… Chúng tôi rất cảm động về lòng chân thành của ông và xin cảm ơn ông.
Hai cha con chào bà giáo và dắt nhau ra. Ra đến đường, cô bé nhảy nhót kêu to:
- Hôm nay, trời đẹp quá!
53.- Đi ngoài phố
53.- Đi ngoài phố
Thứ ba, ngày 30,
Hôm kia, khi con ở trường câm về, con đã xô phải một người đàn bà. Lần sau, con phải có ý tứ hơn vì ở phố con cũng có bổn phận. Lúc ở nhà, khi ở trường, con đã giữ gìn cử chỉ của con được đứng đắn, cớ sao ra phố là nơi công chúng qua lại, con lại sao lãng?
Con ơi ! Con nên nhớ những khi gặp những người già nua, những kẻ nghèo khó, những đàn bà ôm dắt trẻ thơ, những kẻ tàn tật, những người khuân vác nặng nề, những người đầu tang tóc rối, con phải nhường bước. Ta phải kính trọng tuổi thọ, cảnh cơ hàn, tình mẫu tử, cảnh tàn tật, sự lao khổ và sự tử vong. Mỗi khi con thấy xe đến chân mà người ta không biết, nếu là người lớn thì con gọi bảo, nếu là trẻ con thì con chạy dắt vào. Đứa trẻ kia đứng khóc một mình, con chạy lại hỏi han, dỗ dành hoặc chỉ bảo. Cụ già nọ đánh rơi cây gậy, con lại nhặt giúp. Gặp trẻ con cãi nhau, con đứng lại can ngăn. Gặp người lớn đánh nhau, con hãy tránh xa để khỏi phải nhìn tấn kịch thương tâm nó sẽ làm trơ rắn lòng con. Gặp người bị trói giải qua đường, con không nên nhập bọn với những kẻ tò mò độc ác mà nhìn người ta, vì có khi họ là người oan uổng, vô tội. Khi có đám ma đưa qua, đừng cười, nói với bạn con nữa, hãy ngả mũ chào, vì biết đâu ngày mai, nhà con cũng sẽ có người tạ thế. Trông thấy những trẻ em trường Bà Phước xếp hàng đi qua, mù loà có, câm điếc có, què quặt có, mồ côi có, vô thừa nhận có, con nên giữ thái độ và tưởng tượng rằng đó là những số phận xấu số và những tấm lòng từ thiện của loài người đang diễn ra trước mặt con. Có ai hỏi thăm đường, con phải trả lời cho có phép. Đừng chế nhạo ai, đừng chạy nhảy, đừng nô đùa, đừng hò reo, đừng xô đẩy, phải giữ luật đi đường.
Con phải biết rằng chỉ liếc mắt trông qua cách cử chỉ của nhân dân đi ngoài phố mà người ta có thể xét đoán được trình độ giáo dục của cả một dân tộc. Ở xứ nào mà con nhìn thấy những điều thô bỉ ở ngoài đường, tất con sẽ nhìn thấy những điều thô bỉ ở trong nhà.
Nếu một mai con phải đi xa, con sẽ thấy hình ảnh thành phố con là nơi chôn nhau cắt rốn, là chốn quê hương của tuổi thơ hiển hiện luôn luôn trong óc con. Ở thành phố ấy, con đã tập đi những bước thứ nhất do tay mẹ con dắt; ở thành phố ấy, con đã học bài thứ nhất do thầy con dạy, và ở đấy con đã làm quen với những người bạn thứ nhất trong đời con. Vậy con hãy yêu tỉnh thành con cùng là phố xá và dân sự, hễ ai nói động đến thành phố con, con phải hết lòng bênh vực.
Cha con.
54.- 32 độ
Thứ sáu, ngày 16,
Bây giờ đã sang tiết hè, trời nóng quá ! Người đã thấy nhọc và kém vẻ tươi tắn của mùa xuân. Cổ và chân đã thấy mỏi, đầu muốn ngả, mắt muốn nhắm. Anh Nêlli khổ về nóng nực, mặt mũi xanh xao thỉnh thoảng lại gục đầu xuống vở ngủ một giấc dài. Anh Garônê khôn hơn, bao giờ cũng có ý dựng sách trước mặt để thầy giáo khỏi nhìn thấy đôi mắt đỏ ngầu. Còn anh Nôbix cứ kêu ra rả rằng lớp đông người quá, không đủ không khí thở.
Coi đó, có thể biết: mùa hè đến: mùa hè đến, chúng tôi đã cố gắng biết là bao nhiêu để học tập. Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy cây cối xanh tốt, bóng rợp rung rinh như muốn khêu gợi sự nô đùa mà tôi buồn.Ngày nào cũng phải ngồi giam trong buồng học với cái nóng nung người như thế này thì thực là khó chịu quá! Tuy nhiên, mỗi khi thấy mẹ tôi đón tôi ở cửa trường có ý thương hại thì tôi lại ra vể bình tĩnh. Mỗi khi mẹ tôi thấy tôi loay hoay viết lách và hỏi tôi: “Con có nhọc không?” thì tôi lại làm bộ nhanh nhẹn thưa “không” để mẹ tôi được yên lòng.
6 giờ sáng nay, mẹ tôi gọi dậy để học bài, thấy tôi uể oải, mẹ tôi khuyên:
- Con hãy chịu khó đi học, con ạ ! Chỉ còn ngót tháng nữa, con sẽ được nghỉ hè. Mẹ sẽ cho con về quê chơi. Con còn sung sướng hơn bao nhiêu trẻ không có nghỉ hè. Con chẳng xem trong lúc trời nóng như thiêu như đốt, những đứa trẻ nhà quê phải dãi thân ở giữa cánh đồng? Những đứa trẻ học nghề luôn luôn phơi mặt bên cạnh lò nấu thuỷ tinh? Những cái nóng ấy còn khó chịu gấp mấy cái nóng ở nhà trường! Cố lên! Con ạ!
Thêm vào những tấm gương nhẫn nại mà mẹ tôi vừa nói, chúng tôi còn có cái gương hoạt động nữa vẫn ngay cạnh mình. Đó là Đêrôtxi. Anh không biết nhọc mệt là gì. Mùa hạ cũng như mùa đông, bao giờ anh cũng tỏ ra nhẹ nhàng, mau mắn. Trong lớp còn có hai người học trò nữa vẫn tỉnh táo và chăm chú là anh Xtarđi, mới chế ra được môn thuốc chữa bệnh ngủ gật là tự véo vào đùi mình và Garôpphi, anh chàng làm tiền cứ luôn tay làm những cái quạt giấy để bán cho anh em.
Nhưng người can đảm nhất có lẽ là anh Côrêtti, anh Côrêtti đáng thương, ngày nào cũng phải dậy từ gà gáy để vác củi giúp cha; vì thế cứ đến gần mười một giờ là mắt anh híp lại, đầu anh rủ xuống… Biết thế anh hết sức cựa cậy hay tự đập vào gáy cho tỉnh ngủ : có khi anh xin phép ra ngoài để rửa mặt hay nhờ người ngồi bên cạnh cấu hộ cho rõ đau. Sáng nay, không gượng được nữa, anh gục xuống bàn làm một giấc thật say. Thầy giáo gọi:
- Côrêtti!
Anh không biết gì. Thầy giận gọi lần nữa:
- Côrêtti!
Bỗng một người bạn ở gần nhà anh đứng lên mách:
- Thưa thầy, anh ấy đội củi từ 5 giờ sáng ạ. Thầy để yên anh ngủ và giảng tiếp bài.
Nửa giờ sau, thầy sẻ xuống bàn, thổi vào trán anh, anh sực tỉnh, thấy thầy, sợ quá! Nhưng thầy vỗ vai anh bảo:
- Thầy không mắng con đâu. Giấc ngủ của con không phải là giấc ngủ của đứa trẻ lười. Sáng nay, con đã làm nhiều, thầy biết.